Xã hội hóa xử lý chất thải rắn

Mai Chi| 19/11/2019 11:00

(TN&MT) - Mười năm trước (2009), Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, quản lý tổng hợp chất thải rắn là một trong những ưu tiên của công tác bảo vệ môi trường, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới phát triển bền vững đất nước. Đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó, Nhà nước có vai trò chủ đạo.

Triển khai hoạt động trọng tâm

Để phù hợp với tình hình mới, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. 

Theo đó, đẩy mạnh xây dựng các mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn; từng bước triển khai có hiệu quả chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ưu tiên xây dựng các cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung vùng tỉnh, vùng liên tỉnh phù hợp với quy hoạch quản lý chất thải rắn và bảo đảm quản lý vận hành ổn định, hiệu quả. Cải tạo nâng cấp các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái do chất thải rắn đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường; xử lý triệt để các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt tự phát và ngăn chặn kịp thời việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát, không để phát sinh sau năm 2025.

Để đạt được mục tiêu trên, các cấp, ngành liên quan đang tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế chính sách về quản lý chất thải rắn, xây dựng nguồn lực thực hiện chiến lược; quy hoạch quản lý chất thải rắn gồm lập và thực hiện quy hoạch xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn cho các vùng kinh tế của cả nước, các tỉnh, thành phố của cả nước, xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn đến tận phường, xã; thiết lập cơ sở dữ liệu và hệ thống quan trắc dữ liệu về chất thải rắn toàn quốc; thúc đẩy các nghiên cứu khoa học có liên quan để phục vụ hiệu quả công tác quản lý tổng hợp chất thải rắn; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích tham gia vào các hoạt động phân loại tại nguồn, giảm thiểu, tái chế tái sử dụng chất thải, hạn chế sử dụng túi ni lông, không đổ rác bừa bãi... tăng cường trao đổi và hợp tác kỹ thuật với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ về quản lý chất thải rắn…

Nhà máy xử lý rác thải. Ảnh: MH

Cần thống nhất cấp quản lý

Hiện nay, Bộ TN&MT được giao là đầu mối thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn (CTR) và đã tiến hành đánh giá, xây dựng Báo cáo rà soát các văn bản pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung; kiểm tra, đánh giá thực tế công tác quản lý CTR tại các địa phương; xây dựng và trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án tổng thể về quản lý CTR…

Theo ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Tổng cục đã rà soát, đánh giá lại công tác quản lý tại các địa phương. Về cơ cấu quản lý, hiện nay, việc quản lý rác thải sinh hoạt toàn quốc đang giao cho Bộ Xây dựng. Tuy vậy, ở cấp địa phương, việc quản lý này không thống nhất: 22 tỉnh giao Sở TN&MT là đầu mối, 33 tỉnh thành giao cho Sở Xây dựng và có 8 tỉnh thành cả Sở TN&MT và Sở Xây dựng cùng chịu trách nhiệm. Do đó, Bộ đã xây dựng và trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Trong dự thảo Nghị định, Bộ TN&MT đã rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung 7 Khoản có liên quan đến quản lý Nhà nước về CTR tại các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về chất thải rắn của các Bộ, ngành, địa phương.

Sau khi tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chiến lược, kế hoạch về CTR; tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng công tác quản lý CTR trên phạm vi cả nước; Bộ TN&MT sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc về CTR; khẩn trương xây dựng các Đề án tăng cường năng lực quản lý CTR tại Việt Nam, tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam.

Theo Quyết định 491/QĐ-TTg (7/5/2018) Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến 2025, có 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 85% chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường; sử dụng 100% túi ni lông thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost để sử dụng tại chỗ;...

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã hội hóa xử lý chất thải rắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO