Xã hội hóa công tác đầu tư, cung cấp nước sạch

01/12/2015 00:00

Với số dân khoảng 10 triệu người, TPHCM đang đứng trước áp lực rất lớn về nhu cầu sử dụng nước sạch.

 

Với số dân khoảng 10 triệu người, TPHCM đang đứng trước áp lực rất lớn về nhu cầu sử dụng nước sạch. Với hàng nghìn tỷ đồng đã đầu tư, đến nay các dự án cấp nước đã phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, trong đó có vấn đề thất thoát nguồn nước gây lãng  phí.

Bồn nước trung gian và trạm bơm được lắp đặt tại nhà ông Lại Khánh Trắng (ấp 3, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) cung cấp nước sạch cho khoảng 40 hộ dân xung quanh
Bồn nước trung gian và trạm bơm được lắp đặt tại nhà ông Lại Khánh Trắng (ấp 3, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) cung cấp nước sạch cho khoảng 40 hộ dân xung quanh

Tiền “chảy” theo nước  

Hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn TPHCM có khoảng 500.000m3 nước sạch bị thất thoát (chiếm 30,66% tổng công suất cấp nước sạch của thành phố, tương đương 2,6 tỷ đồng); mỗi năm thất thoát khoảng 178.000.000m3, trị giá gần 1.000 tỉ đồng. Trong khi đó, thành phố còn hơn 1 triệu người dân không được sử dụng nguồn nước sạch để sinh hoạt.

Một trong những nguyên nhân là do hệ thống đường ống cấp nước được xây dựng cách đây hàng chục năm, đã cũ mục dẫn đến đường ống bị xì, bể hoặc do các công trình thi công lắp đặt công trình ngầm làm hư hỏng, rò rỉ…

Còn theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn đầu tư mạng lưới cấp nước mới, tình hình người dân khai thác nguồn nước ngầm sử dụng... Thành phố cũng chưa có bản đồ công trình ngầm, hệ thống ống cấp nước chưa được bố trí lối đi riêng, độc lập với các loại ống khác như điện, cáp... khiến nhiều ống cấp nước đang bị cống thoát nước đè lên hoặc đi lồng vào nhau nên gây rủi ro vỡ, hở.

Một sự lãng phí khác, đó là tại nhiều dự án đầu tư cấp nước nhưng tỷ lệ người dân sử dụng không cao. Đơn cử, dự án nước sạch cho gần 1.000 hộ dân xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) đầu tư hơn 5,6 tỉ đồng nhưng qua 2 năm triển khai đến nay chỉ có 302 hộ lắp đồng hồ nước (đạt 35%) hoặc nhiều hộ có lắp nhưng không sử dụng. Tương tự tại một số xã thuộc huyện Bình Chánh, số lượng người đăng ký lắp đồng hồ nước đạt thấp, chỉ có 269/900 hồ sơ phát ra, thậm chí có xã không có người đăng ký…

Theo các chuyên gia, tỷ lệ thất thoát nước của thành phố rất cao, trong khi các quốc gia phát triển chỉ ở mức 5 - 7%. Ngay cả trong nước, tỷ lệ thoát nước của tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chỉ còn 8%. Ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TPHCM cho rằng, mỗi ngày có đến nửa triệu m3 nước sạch, tương đương hàng tỉ đồng trôi xuống lòng đất là sự lãng phí lớn, không thể chấp nhận được. Nếu giảm được 1% lượng nước sạch thất thoát thì cũng đã cung cấp đủ nước cho 1 phường ở thành phố

Hiệu quả của các dự án ODA

Theo lãnh đạo Sawaco, hiện có 4 dự án vốn ODA đang triển khai và phát huy hiệu quả tại TPHCM, trong đó có dự án giảm thất thoát nước từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới sau khi thực hiện tại vùng 1 đã thiết lập và giảm rò rỉ tại 51/119 tiểu vùng, sửa chữa 5.296 điểm bể, đến cuối tháng 12/2011 giảm thất thoát 50.339 m3/ngày.

Dự án Giảm thất thoát nước tại TPHCM do SAWACO làm chủ đầu tư từ vốn vay ODA (hơn 44,6 triệu USD) của Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) và Ngân hàng Thế giới (WB) thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) giải ngân, hoàn thành tháng 6/2013 đã góp phần cung cấp thêm nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho hơn 100.000 người tại một số vùng trên địa bàn thành phố.  

Dự án bao gồm các hạng mục như xây lắp, thiết bị và các dịch vụ tư vấn liên quan; thực hiện tại các quận 1, 3, 5, 10, 11, Tân Bình và Tân Phú với 2 vùng (1 và 2), tập trung phân vùng, tái cơ cấu mạng lưới cấp nước, thiết lập các vùng, các khu vực DMA (thiết lập khu vực đồng hồ tổng) để kiểm soát lưu lượng, áp lực và lượng nước thất thoát.

Sau khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, lượng nước rò rỉ giảm được đến cuối năm 2010 gần 15.600 m3/ngày, năm 2011 là 53.000 m3/ngày và đến cuối năm 2012 là 87.800 m3/ngày. Cụ thể, Công ty CP cấp nước Bến Thành thiết lập 37/47 DMA giảm rò rỉ nước được 55.837.86m3/ngày, Công ty CP cấp nước Phú Hòa Tân thiết lập 31/38 DMA giảm thất thoát nước rò rỉ 5.303,37 m3/ngày, Công ty CP cấp nước Chợ Lớn thiết lập 23/28 DMA giảm rò rỉ thất thoát nước 27.595,04 m3/ngày và Công ty CP cấp nước Gia Định thiết lập 05/6 DMA giảm thất thoát nước rò rỉ 2.825,60 m3/ngày.

Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án cũng đã phát hiện kịp thời các điểm vỡ đường ống cung cấp nước và đã sửa chữa, khắc phục, tránh thất thoát nước từ nguồn cung trước khi đến hộ dân. Công tác này được thực hiện dựa trên đội ngũ kỹ thuật rà bằng thủ công đường ống và thường thực hiện vào khoảng nửa đêm về sáng. Ông Vương Quang Sang - Trưởng ban quản lý dự án cho biết: Tính đến tháng 4/2013, số điểm rò đường ống cung cấp bị vỡ trước khi đến nhà dân đã được khắc phục sửa chữa là 10.898 điểm.

Hiện nay, Sawaco đang cung cấp nước sạch cho TPHCM với công suất hơn 1,520 triệu m3/ngày. Trước đây, khi chưa có dự án nói trên, lượng nước sạch thất thoát chiếm 41,5%, khi dự án hoàn thành, tỷ lệ thất thoát giảm còn 36,54% trên toàn địa bàn và ở vùng 1 của dự án đạt mục tiêu đề ra.

Riêng tại vùng 2 của dự án, do các điều kiện khách quan như cơ sở hạ tầng quá cũ, các đường ống cung cấp nước có từ khoảng hơn 130 năm nên thất thoát hữu hình chỉ khắc phục được một phần, không đạt hiệu quả cao.

Trong khi các nhà thầu trong nước không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu dự thầu đã làm kéo dài kế hoạch đấu thầu vì chỉ có một nhà thầu nước ngoài tham gia nhưng giá chào gói thầu cao gấp 4 lần quy định nên lại phải tổ chức đấu nhiều lần, ảnh hưởng đến mục tiêu giảm thất thoát nước.

Theo Sawaco, tổng sản lượng nước sản xuất 9 tháng đầu năm 2015 của Sawaco đạt hơn 437 triệu m3, gắn mới gần 78.500 đồng hồ nước; số hộ dân được sử dụng nước sạch tăng thêm gần 72.400 hộ, lũy kế đạt 1,58 triệu hộ.

Đến cuối tháng 9/2015 tỷ lệ thất thoát nước trên địa bàn còn 30,63% (giảm 2,22% so cuối năm 2014). Cũng theo Sawaco, để xây dựng thêm 3 nhà máy nước (Thủ Đức 3, Thủ Đức 4 và Tân Hiệp 2) với công suất gần 1 triệu m3/ngày cũng như đầu tư nhiều hạng mục phát triển mạng cấp nước, từ nay đến hết năm 2015, thành phố cần 12.740 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là vốn vay hoặc liên kết với nhà đầu tư nước ngoài.

Sắp tới, Sawaco sẽ tham mưu cho thành phố cơ chế nhằm tăng cường xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và hệ thống cấp nước, đồng thời bắt buộc nhà đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch phải đầu tư một phần phát triển mạng lưới đường ống cấp nước trên địa bàn.

 

Theo Chinhphu.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã hội hóa công tác đầu tư, cung cấp nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO