WWF khởi động chiến dịch bảo vệ loài Sao la

09/07/2016 00:00

(TN&MT) - Nhằm nỗ lực bảo tồn loài Sao la, ngày 9/7, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên Việt Nam (WWF) đã khởi động chiến dịch "Cứu Sao la - Đứa em cùng Đất mẹ". Sự kiện là ngày Sao la Quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Với thông điệp mang đến cộng đồng hiểu hơn nữa về loài Sao la từ đó cùng chung sức bảo vệ loài thú quý hiếm của dãy Trường Sơn đang trên đà tuyệt chủng.                                                     

Loài sao la đến nay chỉ được các nhà khoa học ghi nhận hình ảnh trong tự nhiên vài lần, kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1992 bởi một nhóm khảo sát khoa học của WWF và Bộ Lâm nghiệp Việt Nam (cũ). Gần đây nhất vào tháng 7 /2013, hệ thống bẫy ảnh cảm biến nhiệt của WWF ghi lại hình ảnh của sao la trong rừng núi hiểm trở vùng Trường Sơn, dấy lên niềm hy vọng mới cho sự sống còn của loài này sau 15 năm kể từ khi các bằng chứng hình ảnh cuối cùng được ghi nhận.

Bị đe doạ bởi nạn đặt bẫy trộm và môi trường sống bị phá huỷ do nạn khai thác gỗ trái phép. Năm 2006, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xác định tình trạng loài sao la ở mức cực kỳ nguy cấp.

Sự kiện cũng là ngày Sao la Quốc tế đầu tiên được tổ chức
Sự kiện cũng là ngày Sao la Quốc tế đầu tiên được tổ chức

 

Phát biểu tại lễ phát động chiến dịch TS. Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam nhấn mạnh, chiến dịch bảo vệ loài Sao la không chỉ đơn thuần là cuộc chiến nhằm bảo vệ một loài động vật trong tình trạng nguy cấp. Đây là cuộc chiến nhằm cứu lấy thiên nhiên, các lợi ích sinh thái, sinh kế cộng đồng, và tất cả những gì mà loài sao la đại diện.

Theo đại diện WWF, mối đe dọa lớn nhất hiện nay với nỗ lực bảo vệ sao la là nạn săn bắt trộm. Dù không phải là mục tiêu chính của các nhóm săn trộm, loài sao la trở thành nạn nhân khi vô tình mắc bẫy do thợ săn trộm dùng để bắt các loài hoang dã khác của vùng Trung Trường Sơn - nhằm cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ ngày một tăng tại Trung Quốc, Việt Nam, và các nước châu Á khác. Bị dính bẫy, sao la bị treo ngược và có thể chết vì đói, khát hoặc vì bị thương khi vùng vẫy.

Sinh cảnh bị phân cắt và hủy hoại, bởi sự phát triển không bền vững và tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép, là một mối đe dọa khác đến sự sinh tồn của sao la. Các bờ sông giàu thảm thực vật và những cánh rừng đầy sương phủ là vùng tìm thức ăn ưa thích của sao la. Thế nhưng, những khu vực này đang bị cày nát, ngập lụt và hủy hoại bởi các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (như đập thủy điện) và chủ trương chuyển đổi đất rừng thành đất canh tác.

 MC diễn viên người mẫu Bình Minh cùng tham gia ký tên bảo vệ loài Sao la
MC diễn viên người mẫu Bình Minh cùng tham gia ký tên bảo vệ loài Sao la

 

 MC diễn viên Phan Anh ký tên bảo vệ loài Sao la
MC diễn viên Phan Anh ký tên bảo vệ loài Sao la

Nhằm bảo vệ loài Sao la, WWF Việt Nam phối hợp cùng Tổng cục Kiểm lâm đã thành lập nhiều khu Bảo tồn Sao la tại Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam vào năm 2010 và 2011. Các khu bảo tồn này hiện được kết nối, tạo nên một vùng sinh cảnh liền mạch quan trọng cho sao la, bao phủ hơn 200.000 héc-ta diện tích rừng Trường Sơn dọc biên giới Lào và Việt Nam. Đến cuối năm 2015, các cán bộ bảo vệ rừng do WWF tuyển chọn từ cộng đồng địa phương đã giúp tháo gỡ 75.295 bẫy các loại và triệt phá trên 1.000 khu trại bất hợp pháp của các nhóm khai thác gỗ và săn trộm.

Mặc dù vậy, tình trạng săn trộm và đặt bẫy cho đến nay vẫn diễn ra ở mức cao, đe dọa đến sự tồn vong của loài động vật này trong tương lai. Để sao la tiếp tục tồn tại trong tự nhiên, cần có những hành động khẩn trương nhằm cải thiện khu vực bảo tồn xuyên biên giới và sự tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Lào, để bảo toàn nguyên vẹn rừng và ngăn chặn nạn săn trộm. Ngoài ra, các dự án nhằm giảm tiêu thụ thịt rừng và dược liệu có nguồn gốc từ các loài hoang dã, đặc biệt là ở Việt Nam, cũng giúp giảm sức ép từ nạn săn bắt lên sự sinh tồn của sao la.

Q. Đạt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
WWF khởi động chiến dịch bảo vệ loài Sao la
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO