"Vương quốc" khỉ

23/02/2016 00:00

 (TN&MT) - “Vương quốc” khỉ, hay còn gọi là đảo Hòn Rều, một đảo nhỏ thuộc quần thể đảo nằm trên vịnh Bái Tử Long, nơi đang lưu giữ và là nhà của hơn ngàn con Khỉ Vàng. Phóng viên Báo TN&MT đã có một ngày trải nghiệm để tìm hiểu về cuộc sống của loài khỉ nơi đây.

Sống… cống hiến cho y học

“Vương quốc” Khỉ nằm xa đất liền, đây là trung tâm lưu giữ, bảo tồn loài khỉ vàng để phục vụ nghiên cứu khoa học và ứng dụng những thành tựu mới về vắc xin, nên rất ít người được đặt chân lên đây. Một lần tình cờ đoàn phóng viên xin đi tác nghiệp về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường Vườn Quốc gia Bái Tử Long, không may thuyền chết máy ngay sát “vương quốc” Khỉ, trong cái rủi lại hóa may, vị trưởng đoàn trên thuyền có quen biết với bác sĩ thú y Vũ Công Long nên chúng tôi vinh dự được lên thăm quan và tìm hiểu về loài khỉ nơi ốc đảo.

Chúng tôi được tư vấn phải tuân thủ các bước, quy trình kỹ thuật khi đặt chân lên đảo, tôn trọng cuộc sống tự nhiên của khỉ cũng như chính tôn trọng bản thân mình. Và đương nhiên cả buổi hôm đó ai cũng làm theo dăm dắp.

Nhà ăn của Khỉ Vàng được xây dựng khang trang
Nhà ăn của Khỉ Vàng được xây dựng khang trang

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm “vương quốc” khỉ, anh Long vừa kể về tập tính của chúng. Trong đó, những cán bộ nhân viên quản lý đảo vất vả, khổ sở nhất chính là sự nghịch ngợm, tai quái đến không thể chịu nổi của những “hậu duệ Tôn Ngộ Không” này. Nhìn khu rừng phi lao dọc bãi biển phía đông của đảo, tôi cũng phần nào hình dung ra điều đó. Hàng trăm cây phi lao, cây nào cũng cong queo, vặn vẹo như cây trong chậu cảnh bởi lũ khỉ thường xuyên “uốn cành” giúp. Đảo trồng khá nhiều cây ăn quả như dừa, nhãn, táo, cam... nhưng như anh Long nói thì chưa bao giờ cây kịp bói quả. Vừa ra hoa, bọn khỉ đã vặt bằng sạch!

Chưa hết, mọi ngôi nhà ở đây đều phải đổ mái bằng, vì nếu lợp ngói, chúng sẽ lợi dụng lúc chủ nhà đi vắng, trèo lên mái nhà, dỡ từng viên ngói rồi chui vào ăn trộm cơm nguội, thức ăn, phá phách đồ đạc. Sau đó lại còn biểu diễn các màn tung hứng, nhào lộn như đang trong rạp xiếc mà “đạo cụ” chính là chăn, màn, xoong, nồi, thậm chí cả sách vở, quần áo, ti vi...

Cũng vì sự nghịch ngợm, phá phách của lũ khỉ mà cán bộ nơi đây không thể trồng rau, củ, quả được, bởi cứ trồng nhú khỏi mặt đất là khỉ vào phá phách, ăn sạch bách, nên có đất chỉ để hoang hoặc trồng cây phi lao, cây ăn quả để lấy bóng mát, còn nhu yếu phẩm, thức ăn bổ sung cho đàn khỉ đều phải nhập từ đất liền ra.

Giây phút giải lao và phơi nắng để sưởi ấm thân nhiệt.
Giây phút giải lao và phơi nắng để sưởi ấm thân nhiệt.

Anh Long kể: Lũ khỉ tai quái là vậy, nhưng đây là môi trường sinh sống bán tự nhiên nên cũng có nhiều thay đổi trong tập tính so với khỉ tự nhiên hoàn toàn, ví như thời gian sinh sản thay đổi, bản năng đấu tranh sinh tồn cũng hiền hơn khỉ trong tự nhiên vì chúng không phải đi kiếm thức ăn. Nhưng khi mình không có thiện cảm với chúng, lừa chúng... thì chúng ghét lắm, lần sau đừng hòng lại gần được.

Hàng ngày, cứ tới 9 giờ sáng và 2 giờ chiều, cán bộ nơi đây lại nấu nướng rồi dọn sẵn cho khỉ. Bữa ăn gồm có cơm gạo lứt trộn đậu đen hoặc đậu tương, lạc nhân và có chút muối. Mỗi tuần hai lần, khỉ có thêm món tráng miệng là các loại củ quả tươi, mùa nào thức nấy, như ổi, mía, khoai lang hay chuối… anh Long đưa chúng tôi tới “nhà ăn” của chúng, đó là một khu nhà rộng rãi, sạch sẽ, lát nền gạch sáng bóng. Nhìn lũ khỉ, con nào cũng săn chắc, béo tốt, mượt mà, đủ biết những người nuôi dưỡng chúng ở đây đã chăm sóc chúng cẩn thận, chu đáo đến thế nào!

Anh Long còn kể cho chúng tôi về một kỷ niệm vui ở lãnh địa “vương quốc” khỉ này. Có một con khỉ cái rất quý anh. Hễ thấy anh ở văn phòng hay ở nhà, là “cô nàng” lại sán đến gần xin ăn. Lũ khỉ thế đấy chú ạ! Chúng giống như con người vậy, cũng thích được chiều chuộng. Ăn cái gì anh cũng để phần nó, vậy nên nó mới quấn quýt. Khi con khỉ này có chửa, nó đi bặt, khiến bọn anh tìm mãi không thấy.Thế rồi một thời gian sau, “cô nàng” lại xuất hiện trước cửa văn phòng. Mà lần này “cô nàng” còn bế cả “em bé” nữa mới thú vị chứ!

Chính vì những tình cảm lưu luyến ấy mà mỗi khi lũ khỉ sắp phải đưa đi làm thí nghiệm nghiên cứu vắc xin, anh Long và các cán bộ trên đảo buồn và thương chúng nhiều lắm. Tính ra cho đến bây giờ, tại trung tâm bảo tồn giống khỉ vàng ở Hòn Rều này đã có hàng ngàn con khỉ đã ra đi, hiến thân cho y học. Và mỗi khi kể về chúng, anh Long cũng như các cán bộ, nhân viên trên đảo lại ngậm ngùi… Nhưng biết làm sao được, chúng sinh ra và lớn lên ở đây là để làm điều đó mà! Tất cả đều hi sinh cho y học để giúp loài người cả, mà khỉ lại là tổ tiên của ta.

Nằm xuống vì… loài người

Con người chăm chút cho đàn khỉ trên đảo Hòn Rều không ngoài mục đích duy nhất là phục vụ khoa học. Đàn khỉ từ thiên nhiên đã hiến thân cho sự nghiệp nghiên cứu y học lớn lao. Đến “vương quốc” Khỉ bây giờ, người ta sẽ nhìn thấy một tấm bia đá lớn ghi dòng chữ: “Đảo Khỉ, nơi chăn nuôi và cung cấp khỉ vàng Macaca Mulatta cho nghiên cứu y học và sản xuất vắc xin”. Anh Long nói rằng đó là nơi mà các cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý, chăm sóc đàn khỉ thường đến thăm. Mỗi lần như thế, các anh chị lại dành mấy phút đứng lặng lẽ như để tưởng nhớ những “người bạn” đã hy sinh cho sự nghiệp cứu loài người đầy cao cả.

Ngoài đảo Rều Đất dành để nuôi khỉ rộng 22ha, đối diện với nó là đảo Rều Đá rộng 18ha, chuyên dùng để nhốt khỉ trong thời gian chúng đã được tiêm vắc xin. Đây là nơi lấy máu, chắt ra huyết thanh gửi về Trung tâm nghiên cứu ở Hà Nội. Điều kiện thí nghiệm phải là động vật sạch, không mắc bệnh và không được tiêm bất kỳ một loại vắc xin nào trước đó. Vì vậy khu vực nhốt chúng phải cách ly hoàn toàn. Tuỳ theo từng cuộc thí nghiệm mà thời gian cách ly cũng khác nhau, có những đợt khoảng 2-3 tháng, có những đợt từ 5-10 tháng. Và trong khoảng thời gian đó, các cán bộ nghiên cứu cũng phải sống cùng chúng ở bên Đảo Đá, không được về bên Đảo Đất và cũng không có chế độ nghỉ phép, kể cả trong đất liền gia đình có việc hệ trọng…

Đảo Hòn Rều khỉ Vàng được sống và sinh sản bình thường gần như trong tự nhiên.
Đảo Hòn Rều khỉ Vàng được sống và sinh sản bình thường gần như trong tự nhiên.

Đó là những quãng thời gian đặc biệt, còn trong ngày thường, các cán bộ, nhân viên ở đây cũng gặp vô vàn những khó khăn. Hiện trên đảo chỉ có 15 cán bộ, nhân viên. Đảo lại không có điện lưới nên mọi sinh hoạt, văn hoá, thông tin... rất hạn chế. Thực sự đối với những người làm công tác nghiên cứu khoa học thì đây là một trở ngại rất lớn do không cập nhật kịp thời và đầy đủ thông tin chuyên ngành phục vụ cho công tác nghiên cứu. Chưa nói đến việc sinh hoạt của các cán bộ trên đảo, ngay việc bảo quản và chăm sóc cho những mẫu vật cũng hết sức khó khăn.

Hàng ngày, họ chỉ cho nổ máy phát điện khoảng 2-3 tiếng buổi tối để mọi người ăn cơm và xem thời sự trên ti vi và cũng để mọi người tranh thủ sạc điện vào mấy cái bình ắc quy để hôm sau chạy quạt cho mát khi nghỉ trưa, thời gian còn lại cứ lang thang với khỉ.

Không chỉ chăm lo tốt công tác chuyên môn, những cán bộ, nhân viên trên đảo còn nhiều lần cứu giúp người bị nạn trên biển. Và những chiến công thầm lặng ấy đã được địa phương ghi nhận, người dân mang ơn sâu đậm. Rời “vương quốc” khỉ khi trời chuẩn bị tối, tôi còn nhớ mãi câu nói của nhiều cán bộ, nhân viên nơi đây: Khỉ ở đây sống để cống hiến cho y học và nằm xuống vì loài người, khiến tôi không sao cầm được nước mắt, một phần vì thương loài khỉ, một phần vì chúng ta phải cảm ơn chúng, vì những hi sinh thầm lặng của loài khỉ đã cứu giúp cho loài người tránh được những dịch bệnh khó lường.

Doãn Xuân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Vương quốc" khỉ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO