Vườn Quốc gia Xuân Thủy: Gắn bảo tồn với tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư địa phương

22/10/2013 00:00

Vườn Quốc gia Xuân Thủy là vùng bãi bồi rộng lớn nằm ở phía Nam cửa sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 150km về hướng Đông Nam, với tổng diện tích tự nhiên là 7.100...

Sau 10 năm thành lập và 9 năm được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực ven biển liên tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng, Vườn Quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định đã và đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hệ sinh thái ngập nước điển hình của cửa sông Hồng, các loài động vật, thực vật đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước, đặc biệt là các loài thủy sinh và các loài chim nước, chim di trú.
  Đồng thời, phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương.
   
   
  Vườn Quốc gia Xuân Thủy là một vùng bãi bồi rộng lớn nằm ở phía Nam cửa sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 150km về hướng Đông Nam, có tổng diện tích tự nhiên (vũng lõi) là 7.100 ha. Phù sa màu mỡ của sông Hồng và biển đã tạo dựng nên khu đất ngập nước với nhiều loài động thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm. Đa dạng sinh học nơi đây rất phong phú. Về hệ thực vật bậc cao, Vườn Quốc gia Xuân Thủy có 92 loài thuộc 145 chi của 60 họ, trong đó có gần 20 loài thích nghi với điều kiện ngập nước để cấu thành lên hệ thống rừng ngập mặn rộng hàng nghìn ha. Rừng ở đây góp phần cố định phù sa để tạo nên các bãi bồi mới, làm vườn ươm và cung cấp thức ăn cho các loài thủy sinh đồng thời đóng vai trò cân bằng sinh thái của khu vực. Thực vật nổi có 111 loài thuộc 43 chi, 20 họ của 6 ngành tảo lớn, trong đó tảo Silic chiếm ưu thế. Đây là nguồn thức ăn sơ cấp, quyết định đến năng suất chung của thủy vực. Các loài rong thuộc hai ngành rong đỏ và rong xanh có giá trị kinh tế cao, đặc biệt loài rong câu chỉ vàng được dùng làm nguyên liệu để chế biến Agar xuất khẩu hàng năm cho thu nhập hàng tỷ đồng. 
  Vườn Quốc gia Xuân Thủy cũng có tới 500 loài động vật nổi và động vật đáy. Mật độ và sinh khối các loài động vật đáy trong rừng ngập mặn khá phong phú và có giá trị kinh tế cao. Thành phần động vật đáy phong phú nhất với 161 loài, trong đó giáp xác là nhóm có số lượng loài nhiều nhất. Đây chính là nguồn thu lớn nhất, mang lại sinh kế cho cộng đồng vùng đệm Vườn Quốc gia  Xuân Thủy. Ngoài ra còn có khoảng 17 loài thú, trong đó có các loài quý hiếm như Rái cá, cá Heo, cá đầu ông sư; 24 loài bò sát thuộc 17 giống, 8 họ, 2 bộ, trong đó có nhiều loài quý hiếm như rắn cạp nong, rắn cạp nong nhiều sọc, rắn hổ mang... ; 161 loài cá thuộc 62 họ, 16 bộ cá, trong đó ưu thế là bộ cá Vược và bộ cá Trình. Nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như cá Vược, cá Sủ song, cá Bớp, cá Nhệch... hàng năm cho thu nhập tới hàng trăm tỷ đồng đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở các xã vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Thủy.
  Đặc biệt, Vườn Quốc gia Xuân Thủy có khu hệ chim qua thống kê là 220 loài thuộc 41 họ, 13 bộ. Khu hệ chim ở đây tiêu biểu cho các loài thuộc bộ Hạc, bộ Ngống, bộ Rẽ và bộ Sẻ. Hàng năm từ tháng 10, 11 đến tháng 3, 4 năm sau, hàng chục nghìn cá thể chim di cư tránh rét từ phương Bắc đã chọn Vườn Quốc gia Xuân Thủy làm nơi dừng chân kiếm ăn, tích lũy năng lượng cho hành trình di trú dài cả ngàn cây số của mình. Nơi đây thường xuyên ghi nhận các loài chim nước quý hiếm nằm trong sách đỏ quốc tế. Điển hình như Rẽ mỏ thìa (Eurynorhynchus pygmeus), Choắt lớn mỏ vàng (Tringa guttifer), Cò thìa mặt đen (Platalea minor), Bồ nông chân xám (Pelecanus philippensis), Choắt chân màng lớn (Limmodromus semipalmatus), Cò trắng Trung Quốc (Egretta eulophotes), Choắt mỏ cong lớn (Numenius arquata)... Qua các đợt khảo sát năm 1988 và 1994 đã quan sát được trên 20.000 cá thể chim nước trong khu vực. Mùa Xuân năm 1996, có trên 33.000 con chim biển qua lại Khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Nơi đây cũng thường xuyên ghi nhận 9 loài chim bị đe dọa và sắp bị đe dọa ở mức toàn cầu như Cò thìa, Cò trắng Trung Quốc, Choắt lớn mỏ vàng, Mòng bể mỏ ngắn, Bồ nông chân xám, Rẽ mỏ thìa, Giang sen, Choắt chân màng lớn và Te vàng. Ghi nhận đáng chú ý nhất ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy là tồn tại một quần thể loài Cò thìa lớn nhất tại Việt Nam.
  Do có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn các loài chim, Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã được Tổ chức Bảo tồn Chim quốc tế công nhận là một vùng chim quan trọng của Việt Nam. Tháng 1/1989, Vườn Quốc gia Xuân Thủy là vùng đất ngập nước đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước Quốc tế RAMSAR (Công ước bảo tồn các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của những loài chim nước). Tháng 1/2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 01/2003/QĐ-TTg nâng hạng Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thủy thành Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Tháng 12/2004, UNESCO công nhận Vườn Quốc gia  Xuân Thủy trở thành vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực ven biển liên tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng. 
  Ông Nguyễn Viết Cách, Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Thủy cho biết: Trong 10 năm qua, Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng, các loài động thực vật đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước, nhất là các loài thủy sinh và các loài chim nước, chim di trú; phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương. Các quy chế quản lý như khai thác nguồn lợi ngao giống tại cửa sông Hồng; cộng đồng tham gia quản lý rừng ngập mặn; chia sẻ lợi ích thủy sản dưới tán rừng ngập mặn và tạo những sinh kế bền vững mới thay thế cho cộng đồng như trồng nấm, phát triển du lịch sinh thái, nuôi ong... đã góp phần thiết thực trong việc thực hiện chiến lược sử dụng khôn khéo và bền vững tài nguyên vùng bãi bồi khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Dự án nuôi ong đã đem lại nhiều tỷ đồng mỗi năm cho cộng đồng dân cư địa phương, còn quy chế quản lý khai thác nguồn lợi ngao giống tự nhiên tại cửa sông Hồng mang lại nguồn thu khổng lồ tới trăm tỷ mỗi năm.
   Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ và tư vấn của các tổ chức phi chính phủ và các quỹ bảo tồn như: JICA, UNESCO, MCD, CORIN-Asia, MFF, UNDP, VCF...  Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã triển khai khá nhiều chương trình, dự án như Chương trình liên minh đất ngập nước (WAP); dự án phát triển cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học tại Việt Nam; dự án tăng cường năng lực và hỗ trợ thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích... bước đầu đem lại những thành công nhất định góp phần bảo tồn bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển cộng đồng. Vườn Quốc gia  cũng chú trọng đến công tác tuyên truyền giáo dục môi trường cho cộng đồng địa phương, góp phần nâng cao nhận thức về lợi ích của công tác phục hồi, bảo vệ rừng ngập mặn nói riêng và bảo vệ tài nguyên môi trường nói chung. Từ đó hình thành ý thức trân trọng rừng ngập mặn và thiên hướng sử dụng khôn khéo và bền vững nguồn tài nguyên đất ngập nước quý giá của cư dân vùng cửa sông ven biển ở Trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng.
     Nguyễn Trường
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vườn Quốc gia Xuân Thủy: Gắn bảo tồn với tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO