Vườn Quốc gia Bái Tử Long: “Kho báu” giữa trùng khơi

22/07/2014 00:00

(TN&MT) - Vườn quốc gia Bái Tử Long được ví như “mái nhà” yên bình nơi lưu giữ và bảo tồn đa dạng sinh học giữa trùng khơi ở vùng biển Ðông Bắc của Việt Nam.

(TN&MT) - Nằm trong khu vực vịnh Bái Tử Long và sát cạnh Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Bái Tử Long được ví như “mái nhà” yên bình nơi lưu giữ và bảo tồn đa dạng sinh học giữa trùng khơi ở vùng biển Ðông Bắc của Việt Nam.
   
Thả động vật hoang dã về với thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long.
   
“Mái nhà” lưu giữ đa dạng sinh học
   
  Vườn Quốc gia Bái Tử Long (Vườn Quốc gia BTL) có trên 40 hòn đảo lớn, nhỏ thuộc địa giới hành chính của 3 xã: Minh Châu, Vạn Yên và Hạ Long (huyện Vân Đồn) với tổng diện tích tự nhiên 15.783ha, trong đó phần diện tích các đảo nổi 6.125ha, diện tích mặt nước biển là 9.658ha.
   
  Mặc dù tổng diện tích không lớn, nhưng Vườn Quốc gia BTL có đủ 3 hệ sinh thái cơ bản: Rừng trên cạn, đất ngập nước và biển, với diện tích đủ lớn cho các khu, hệ động, thực vật rừng, biển sinh sôi, phát triển. Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long phối hợp với Phân viện điều tra quy hoạch rừng và Viện sinh thái tài nguyên sinh vật, các tổ chức đã thống kê được 2.259 loài sinh vật. Trong đó, hệ sinh thái rừng gồm các nhóm: Thực vật bậc cao có mạch, thú, chim, bò sát, lưỡng cư. Hệ sinh thái biển gồm các nhóm: Rong biển, động thực vật phù du, giun đốt, thân mềm, giáp xác, da gai, san hô, cá...
   
  Trong số 106 loài động thực vật phân bố trong Vườn Quốc gia Bái Tử Long được đưa vào sách đỏ Việt Nam và thế giới, Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, ngày 30  tháng 3  năm 2006 của Chính phủ, quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, có một số loài tiêu biểu cho các nhóm như: Bồ câu nâu, báo gấm, báo lửa, sơn dương…
   
   Bên cạnh rừng, hệ sinh thái đất ngập nước với diện tích 1.000ha gồm rừng ngập mặn, bãi triều cát, bãi triều đá và thảm cỏ biển là nguồn cung cấp thức ăn vô cùng phong phú cho nhiều loài hải sản. Với những giá trị thiên nhiên trên, Vườn Quốc gia BTL thực sự là kho báu vô giá của quốc gia cần phải bảo vệ và giữ gìn đặc biệt.
   
Tăng cường công tác quản lý
   
  Nhận thức được tầm quan trọng của Vườn Quốc gia đối với môi trường sinh thái, trong những năm qua, công tác bảo vệ các nguồn đa dạng sinh học tại đây luôn được đơn vị đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Vườn Quốc gia BTL cho biết:  Hiện Vườn đã cho xây dựng bộ máy Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và tổ chức tiếp nhận, cứu hộ thả về rừng 255 cá thể Khỉ đuôi dài, và các loài Cầy hương, Lợn rừng, Rắn hổ mang chúa, Rắn hổ mang, Rắn ráo, Mèo rừng... Bên cạnh đó, công tác giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng được BQL Vườn chú trọng bằng việc tổ chức thực hiện biên soạn tài liệu tổ chức các cuộc thi về bảo tồn động thực vật hoang dã, xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị ngư dân trên biển, thiết kế in ấn tờ rơi, cập nhật và xây dựng thông tin giới thiệu về Vườn quốc gia Bái Tử Long.
   
  Vườn Quốc gia BTL còn tăng cường sự tham gia của cộng đồng bảo vệ tài nguyên với việc triển khai dự án 661, hỗ trợ kinh phí thành lập các tổ bảo vệ rừng để cộng đồng tham gia tuần tra, phát hiện và góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm. Nhờ các biện pháp nêu trên, lực lượng bảo vệ đã kịp thời phát hiện hầu hết các vụ vi phạm đối với tài nguyên rừng. Chính vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2014  chỉ có 1 vụ vi phạm xây dựng trên đất rừng. BQL còn tích cực hướng dẫn 22 cộng đồng dân cư thôn bản thuộc 5 xã Vạn Yên, Hạ Long, Minh Châu Quan Lạn, Bản Sen xây dựng kế hoạch và ký cam kết bảo vệ rừng đặc dụng. Thực hiện thí điểm “cơ chế chia sẻ lợi ích” nguồn lợi thủy sản nhằm quản lý bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi cho cộng đồng. Quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản trong vùng biển Vườn quốc gia và hướng dẫn nhân dân địa phương nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch... Mặt khác, Vườn Quốc gia cũng tích cực tham gia các dự án hợp tác như Dự án nghiên cứu vịnh Bái Tử Long của tổ chức Frontier - Việt nam với nội dung đánh giá hệ sinh thái Rừng Vườn quốc gia Bái Tử Long và vùng đệm nhằm thu thập thông tin cơ bản để giám sát môi trường. Dự án bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên trên các đảo và thềm lục địa Vườn quốc gia Bái Tử Long. Cải thiện sinh kế cho cộng đồng trong khu vực nhằm giảm thiểu tác động xấu đến vườn quốc gia....
   
  Chính nhờ những biện pháp tích cực và đồng bộ, nên trong thời gian qua, Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã thực sự trở thành một “tổ ấm” an toàn và thân thiện, nơi lưu giữ và phát huy những nguồn động thực vật quý cho sự đa dạng sinh học của cả nước.
   
Nguyễn Cường
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vườn Quốc gia Bái Tử Long: “Kho báu” giữa trùng khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO