Vườn cao su của Chủ tịch tỉnh Bình Dương có nguồn gốc là đất công?

11/09/2014 00:00

(TN&MT) - Lần đầu tiên, tỉnh Bình Dương đã chính thức lên tiếng, thừa nhận về sự hiện diện của căn biệt thự và vườn cao su của ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND...

   
(TN&MT) - Sau một thời gian dài dư luận xôn xao, đồn đoán thực hư về khối tài sản “kếch xù” của ông Lê Thanh Cung (còn gọi là ông Chín Cung), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, lần đầu tiên, tỉnh Bình Dương đã chính thức lên tiếng, thừa nhận về sự hiện diện của căn biệt thự và vườn cao su  thuộc sở hữu của ông Lê Thanh Cung.
   
  Cụ thể: Trong buổi họp giao ban báo chí quý III năm 2014 được tổ chức ngày 4/9, ông Nguyễn Minh Giao, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương, đã  khẳng định với báo chí rằng: "Việc ông Cung sở hữu căn biệt thự và khu vườn cao su là có thật, nhưng diện tích và giá trị thì không phải như vậy”. Ông Giao giải thích: “Diện tích cao su hiện ông Cung đang sở hữu chỉ vài chục héc ta…Tại thời điểm cao su đang lên giá (từ những năm 2000 – PV), với hàng chục héc ta cao su, thu hoạch khoảng 50 triệu đồng/ngày thì việc xây dựng căn biệt thự vài tỉ đồng là chuyện bình thường”…
   
Vườn cao su vài chục héc ta của ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương có nguồn gốc là đất công?
    
   
Nguồn gốc đất của vườn cao su “trăm tỷ”
   
  Để làm rõ thực hư khối tài sản vườn cao su “trăm tỷ” của ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, mà công luận lâu nay đăng tải, PV Báo Tài nguyên & Môi trường đã có chuyến đi tìm hiểu thực tế. Chúng tôi ghé nhà ông Nguyễn Văn Nhu – người có thâm niên gần 30 năm làm Trưởng ấp 8, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, được ông Nhu  cho biết: “Vườn cao su ông Chín Cung có nguồn gốc từ Lâm trường Long Nguyên. Tôi làm trưởng ấp ở đây lâu năm, tôi biết rõ nguồn gốc này mà. Tuy nhiên, người ta cứ phỏng chừng diện tích cao su của ổng là trên dưới 100 ha; nhưng trên thực tế, ông Chín không đứng tên hết đâu. Mấy năm trước, khi gia đình ông ấy thanh lý cây cao su già cỗi để trồng mới, tôi thấy có người khác đứng tên nữa; ông Chín chỉ đứng tên sổ đỏ độ… chục héc ta thôi. Ông ấy làm lớn, nhiều việc, nên thỉnh thoảng ông Chín mới đi ô tô lên thăm vườn. Tôi lại…canh me, đón ổng để mời ổng đóng tiền an ninh quốc phòng”.
   
  Tiếp xúc với ông Huỳnh Văn Thu (còn gọi là ông Bảy Thu) – nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy Bến Cát, chúng tôi được biết: Chính ông Thu là người thành lập ra Lâm trường Long Nguyên. Sau khi ông Thu nghỉ hưu, ông Chín Cung lúc đó là Trưởng phòng Kế hoạch huyện, rồi làm Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Cát, Lâm trường Long Nguyên được giao về cho Công ty Sobexco. Từ đây, đất đai Lâm trường Long Nguyên bị “xẻ thịt” cho nhiều quan chức…Trong đó, ông Chín Cung được chia nhiều nhất, hơn 100 ha. Sau đó, chính ông Nguyễn Thanh Hải – Giám đốc Công ty Sobexco trồng cao su trên đất đã chia cho ông Chín Cung và một số cán bộ khác…
   
Chỉ từ thu hoạch vườn cao su có diện tích "vài chục ha", ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã xây được một căn biệt thự vài tỉ đồng như thế này?
    
   
Giao đất không đúng luật?
   
  Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu và có trong tay một số tài liệu, cho thấy có “vấn đề” về nguồn gốc đất vườn cao su của ông Lê Thanh Cung. Đơn cử, tại một văn bản viết tay của một Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương trước đây, khi giải trình với cơ quan chức năng, trong vụ án “biếu không 700 ha đất trồng cao su tại Công ty Sobexco”, thể hiện ở giai đoạn 1 thanh lý vườn cao su tại Công ty Sobexco, ít nhất có 3 cán bộ lãnh đạo đã có đất trong diện tích 320 ha đất Lâm trường Long Nguyên là: “9 Cung – PCT huyện, Út Đoàn – PCT và Út Tuyền – Ban TC” (trích nguyên văn – PV).
   
   
  Đặc biệt, trong “Báo cáo kết quả thanh tra về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử sụng đất tại các đơn vị trên địa bàn huyện Bến Cát” (số 22/BC.TTr, ngày 28.12.2006) của Đoàn thanh tra 3438/QĐ.UB – Thanh tra tỉnh Bình Dương, ghi rất rõ: Công ty Sobexco được thành lập năm 1992. Quá trình hoạt động, vào tháng 9.1993, có việc sát nhập 345 ha đất lâm nghiệp của Lâm trường Long Nguyên vào Sobexco. Năm 1996, Sobexco  làm ăn thua lỗ nên thanh lý 345 ha rừng trồng để giao khoán cho các hộ gia đình trồng cao su. Ngày 9.9.2003, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản cho phép giao hơn 320 ha đất, (thuộc  ấp 8, Lâm trường Long Nguyên trước đây) từ Sobexco về UBND huyện Bến Cát quản lý và xem xét giao đất sản xuất nông nghiệp cho dân có nhu cầu. Sau đó, UBND huyện Bến Cát đã giao đất, cấp sổ đỏ 320 ha đất cho 112 hộ dân. Điều bất ngờ ở đây, trong số 112 hộ dân được giao đất trên, không hiểu vì sao, gia đình ông Chín Cung (thời điểm đó là Phó Chủ tịch huyện Bến Cát) đã được giao một diện tích đất khá lớn…
   
        
THU NHẬP CÁ NHÂN “KHỦNG”, CÓ NỘP THUẾ HAY KHÔNG?
        
Hơn lúc nào hết, rất cần người đứng đầu tỉnh Bình Dương là ông Mai Thế Trung, Bí thư Tỉnh ủy – Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương có ý kiến và trả lời công khai, minh bạch những “bức xúc” mà các cơ quan công luận, cử tri tỉnh Bình Dương nói riêng và cử tri cả nước nói chung đặc biệt quan tâm: Việc ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương sở hữu vườn cao su vài chục héc ta ở huyện Bến Cát có nguồn gốc là đất công?. Căn biệt thự mà ông Lê Thanh Cung đang sở hữu được xây dựng từ việc thu hoạch vườn cao su này?. Việc thu hoạch vườn cao su ước tính 50 triệu đồng/ngày (tạm tính thu hoạch cao su từ năm 2000 – 2012 là khoảng 180 tỷ đồng – PV). Nếu thu nhập “khủng” như vậy, ông Lê Thanh Cung có kê khai tài sản, có kê khai thuế, và có thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân hàng năm với Nhà nước hay không?. Và liệu có hay không việc trốn thuế?.
        
    
   
  Câu hỏi đặt ra là: Việc giao đất có nguồn gốc đất công từ doanh nghiệp Nhà nước (được giao đất không thu tiền sử dụng đất), cho các hộ gia đình, cá nhân, liệu có đúng quy định luật pháp?. Trong khi đó, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai 1998 quy định rất rõ: Nhà nước chỉ cho thuê đất đối với trường hợp “Nhà nước thu hồi đất đã cho doanh nghiệp Nhà  nước sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp…, nhưng sử dụng không có hiệu quả để giao hoặc cho người khác thuê …”. Điều 8, Nghị định 85/NĐ.CP, ngày 28.8.1999 của Chính phủ còn quy định: “Đối với cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước…, nếu có khả năng sản xuất, có nhu cầu sử dụng đất, thì UBND xã,…cho họ được thuê có thời hạn một số đất để sản xuất”.
   
  Như vậy, đối chiếu trường hợp vườn cao su diện tích chỉ “vài chục héc ta” của ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, được chính quyền huyện Bến Cát giao đất, mà không phải thuê đất, liệu có dấu hiệu vi phạm luật pháp hay không?. Câu hỏi này xin được gửi tới các cơ quan chức năng: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính…
   
        
BECAMEX IDC “CÔNG KHAI” SAI PHẠM, VẪN KHÔNG BỊ XỬ LÝ?
        
Cũng tại buổi họp giao ban báo chí quý III năm 2014, ông Nguyễn Minh Giao, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương cho biết: “Việc ông Huỳnh Uy Dũng tố cáo ông Lê Thanh Cung ký văn bản không cho phép chuyển nhượng khu đất ở trong KCN Sóng Thần 3, Thanh tra Chính phủ đã kết luận ông Dũng tố cáo không có cơ sở và yêu cầu xử lý. Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan chức năng lật lại hồ sơ liên quan đến việc phân lô bán nền trong KCN Sóng Thần 3 (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) để điều tra, xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật”.
        
Tuy nhiên trước đó, ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, đã chính thức gửi đơn tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, đề nghị phúc tra lại Kết luận thanh tra số 1549/KL-TTCP, ngày 4/7/2014 của Thanh tra Chính phủ. Theo đó, ông Huỳnh Uy Dũng đã có đủ bằng chứng để chứng minh ông tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung là “đúng người, đúng việc”; đồng thời, khẳng định “Công ty CP Đại Nam chỉ thực hiện việc góp vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa chuyển sở hữu, chưa chuyển đổi hiện trạng, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử sụng đất, và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước khu đất ở 61 ha trong KCN Sóng Thần 3. Như vậy, Công ty CP Đại Nam được hưởng đầy đủ 5 quyền (chuyển nhượng, góp vốn, thế chấp sổ đỏ…), như Luật Đất đai quy định”.
        
Gần đây, các cơ quan công luận liên tục phản ảnh: chính Thông báo số 72/TB – UBND ngày 15/4/2013, do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung ký, đã “bật đèn xanh” cho phép Becamex IDC “công khai” phân lô bán nền và cấp phép xây dựng tạm tràn lan ở khu tái định cư 125,79 ha trong thành phố mới Bình Dương, khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dự án chưa được phê duyệt quy hoạch 1/500… Những việc làm này sai hoàn toàn quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Dư luận đặt câu hỏi: trước những sai phạm nghiêm trọng từ Thông báo 72 của ông Lê Thanh Cung và của Becamex IDC như trên, Tỉnh ủy Bình Dương đã có chỉ đạo xử lý hay chưa?. Đồng thời, rất cần sự trả lời công khai, minh bạch của ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và ông Nguyễn Văn Hùng, người đại diện pháp luật của Becamex IDC về những sai phạm nêu trên.
        
    
   
   
Bài & ảnh: Hoàng Hưng – Việt Đức – Tú Nguyễn
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vườn cao su của Chủ tịch tỉnh Bình Dương có nguồn gốc là đất công?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO