Lũ Tiểu mãn thường không lớn nhưng là nguồn cung cấp nước rất quan trọng cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, bổ sung cho các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa thuỷ điện, vì thông thường vào thời kỳ này là cao điểm của mùa khô hạn, thiếu nước.
Do đặc thù về vị trí địa lý và địa hình, nên các tỉnh ở vùng cực Nam Trung Bộ bao gồm: Ninh Thuận và Bình Thuận thường xuyên chịu ảnh hưởng tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, đặc biệt trong đó là loại hình thiên tai hạn hạn liên tiếp xảy ra.
Sông suối ở Ninh Thuận đang dần cạn kiệt (Ảnh: Dũng Thắng) |
Các khu vực trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, đã hơn 5 tháng qua trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chủ yếu không có mưa, các yếu tố về nhiệt độ, bốc hơi tăng cao, yếu tố độ ẩm giảm thấp. Mực nước trên các sông, suối trong khu vực tỉnh Ninh Thuận ít biến đổi và giảm thấp; mô đun dòng chảy khu vực thượng ngồn sông Cái Phan Rang thấp hơn cùng kỳ các năm trước, còn dao động từ 7 đến 20 l/s/km2; lưu lượng đo được vào sáng ngày 08/5/2020 tại thượng lưu cầu Quảng Ninh chỉ còn: 4,97m3/s.
Báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi, tính đến ngày 10/5/2020, tổng dung tích của 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là: 26,23/194,49triệu m3, đạt 13,5% dung tích thiết kế, thiếu hụt so với TBNN cùng thời kỳ là 68%; có 14/21 hồ chứa dưới hoặc xấp xỉ mực nước chết. Hồ Đơn Dương (Lâm Đồng) là nguồn nước chuyển sang Ninh Thuận qua Nhà máy thủy điện Đa Nhim còn dung tích là 60,57/165.00 triệu m³, bằng 36,7% so với thiết kế và nhỏ hơn với năm 2019, 2018, 2016, 2015; lưu lượng nước về hồ là 2.89 m3/s.
Qua các kết quả thống kê tài liệu thủy văn tại Ninh Thuận, trong chuỗi 44 số liệu có 38 năm xuất hiện lũ tiểu mãn. Trong đó: Đỉnh lũ tiểu mãn cao nhất xuất hiện vào năm 2017, cao hơn BĐ3 là 0.30m và chỉ có 06 năm (1977, 1983, 1986, 1991, 2014, 2015) không xuất hiện mưa lũ tiểu mãn, lần đầu tiên có 02 năm liên tiếp không xuất hiện lũ tiểu mãn là 2014 và 2015.
Sông suối ở Bình Thuận đang dần cạn kiệt (Ảnh: Công Nhân) |
Đối với tỉnh Bình Thuận, kể tháng 12/2019 đến hết tháng 3/2020 chủ yếu không có mưa, sang đến nửa đầu tháng 4 chỉ một số nơi có mưa ít tập trung trong một vài ngày, sau đó lại tiếp tục không mưa cho đến nay. Mực nước trên các sông suối của tỉnh xuống rất thấp, trung bình tháng 4/2020 thấp hơn TBNN như sau: Trên Sông Lũy tại trạm Sông Lũy là: -0.33m, trên sông La Ngà tại trạm Tà Pao là: -1,11m.
Thống kê của Phòng Quy hoạch Thủy lợi Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, Viện Quy hoạch Thủy lợi thống kê, tính đến ngày 07/5/2020, tổng dung tích của 20 công trình hồ chứa vừa và lớn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là 58,1/315,64 triệu m3 , trung bình đạt 18% so với thiết kế, giảm khoảng 4 triệu m3 so với tuần trước. So sánh với cùng kỳ TBNN, dung tích các hồ thấp hơn khoảng 18%, chỉ tương đương các năm hạn 2015 và 2016; có 17/20 hồ chứa ở mức thấp hơn cùng kỳ TBNN, trong đó có 4 hồ dưới mực nước chết gồm hồ Sông Móng, Trà Tân, Tà Mon và Sông Dinh 3.
Kỳ vọng mưa tiểu mãn xuất hiện đúng thời lịch. Có thể nguồn nước này tuy không lớn, nhưng nó rất quan trọng trong việc bổ sung một lượng nước đáng kể cho dòng chảy các sông, suối ở thời kỳ cạn kiệt, đặc biệt đối với các hồ chứa phục vụ tưới tiêu, phát điện, cung cấp nước sinh hoạt… cho vùng cực Nam Trung Bộ đang trong thời kỳ đỉnh điểm của thiên tai, hạn hán, thiếu nước.