Vững chãi Trường Sa: Giữ mãi niềm tin bất diệt

04/07/2017 00:00

(TN&MT) - Trong hành trình đến với Trường Sa, tôi đã được chứng kiến thật nhiều câu chuyện cảm động về cuộc sống lao động, học tập, sẵn sàng chiến đấu của quân và dân trên đảo. Ở đây, mỗi nhành cây, ngọn cỏ, mỗi rạn san hô, hay từng viên đá nhỏ đều chất chứa một sức sống kỳ diệu, một niềm tin bất diệt mà những người lính đảo gửi gắm rằng: Dù khó khăn, đảo vẫn sinh tồn trên biển, như sự tồn sinh vững bền của đá, của biển ngàn năm.

Giữ màu xanh cho đảo

Đi suốt các đảo ở Trường Sa, dấu ấn đậm nét mà chúng tôi cảm nhận là những mảng màu xanh hiển hiện trên từng tấc đất. Trên các đảo nổi, nơi đâu trồng cây được là nơi đó có màu xanh. Ở các đảo chìm, từng góc đảo, từng ô cửa sổ, đều được người lính trồng cây, tạo cảnh.

Trên Trường Sa lớn, dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thổ nhưỡng chỉ là cát san hô phủ một lớp mùn mỏng, nhưng dưới bàn tay của quân và dân nơi đây, những rặng Phong ba, Tra, Bàng vuông, Phi lao vẫn vươn mình xanh tốt. Cũng tại đây, những phát hiện khảo cổ học về dấu vết của người Việt xưa đã khẳng định rõ, chủ quyền quần đảo Trường Sa là của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay.

Hôm ở đảo Trường Sa Đông, tôi đã bắt gặp hình ảnh thật ấn tượng. Dưới cái nắng chói chang tháng 6 rọi xuống, bên triền đảo, những cây bàng nhỏ vẫn mọc lên mãnh liệt, xanh tốt. Thiếu tá Trần Minh Đức - Chính trị viên của đảo nói rằng, nếu lần sau quay lại đây, nhà báo sẽ thấy màu trắng của cát san hô chìm dưới màu xanh của cây lá. Trong cái bắt tay thật chặt khi chia tay với Thiếu tá Đức, tôi biết, để làm được điều đó, là cả một sự quyết tâm, chăm sóc của những người lính đảo. 

Ở đảo An Bang, có một điều thật đặc biệt, dù thời tiết dị thường, vẫn rợp màu xanh của Bàng vuông. Khi từ ca nô vào, gần đến đảo, đã thấy một màu xanh ngút mắt. Đi vào đảo, bóng mát của Bàng vuông xóa bớt cái nắng của biển trời Trường Sa. Cạnh đó, ngọn Hải Đăng An Bang sừng sững giữa trời biển xanh ngắt. Nắng chói chang.

Phan Vinh là đảo nổi cuối cùng mà chúng tôi đặt chân đến. Đảo xanh mướt một màu. Cây Tra và Bàng vuông là hai thực thể chính làm nên màu xanh của đảo.

Tôi gặp Thượng úy Nguyễn Văn Tùng, quê ở Hải Phòng, Chính trị viên Cụm chiến đấu 2. Năm nay, Tùng 32 tuổi. Thấy tôi ngắm nhìn những hàng cây xanh mướt, Tùng bảo: “Anh thấy không, ngồi ở đây không khác gì đất liền. Ở đảo Phan Vinh, việc gây dựng màu xanh cho đảo luôn được Ban Chỉ huy quán triệt”.

Nhìn hàng cây xanh mát, Tùng kể giọng đầy phấn khởi: Chúng em coi màu xanh ở đảo như biểu tượng cho sức sống. Vì thế, cây xanh luôn được chúng em tìm cách ươm chiết, trồng mới. Minh chứng cho điều mình nói, Tùng dẫn tôi ra thăm vườn ươm và chứng kiến những người lính trẻ trồng cây ngay bên cột mốc chủ quyền trên đảo.

Trên đảo chìm Đá Tây A, trong khuôn viên hạn hẹp, những người lính vẫn trồng cây tô màu xanh cho đảo. Ở một góc cầu thang, mặc gió biển lồng lộng, mặc sự khắc nghiệt của thời tiết, chậu hoa tím của người lính biển vẫn xanh tốt, đơm hoa khoe sắc.

Thấy tôi chụp ảnh chậu hoa, Trung sỹ Đỗ Xuân Quyền nói vui: Đây là “cô nàng” đẹp nhất đảo đó anh. Tôi buột miệng hỏi: Thế đã có người yêu chưa? Quyền cười nhẹ nói vui: “Chưa anh ạ! Xong nhiệm vụ mới về ngỏ lời”. “Nhưng anh yên tâm, chúng em ở đây luôn có những niềm vui riêng. Chúng em thấy trọng trách của mình với nhiệm vụ” - Quyền nói thêm.

Dường như có một khối tình cảm lớn mà lâu ngày, giờ Quyền mới thổ lộ. Em nói với tôi: “Anh biết không, ở đảo chìm, mỗi khi chiều buông, nước rút, nhìn về đằng xa, một màu biển nước xanh biếc. Đẹp vô cùng anh ơi! Những lúc như thế, chúng em càng thấy những tháng ngày trên đảo là vinh dự lớn, là thử thách của tuổi trẻ trước trọng trách lớn lao được cùng đồng đội bảo vệ biển đảo đất nước mình”.

Vang mãi tiếng hát người lính đảo

Đến thăm những người lính đảo ở Trường Sa, chúng tôi đã có những buổi giao lưu văn nghệ tràn đầy cảm xúc. Giữa biển trời bao la, trong tiếng gió và sóng biển rì rào, tôi đã được nghe những người lính hát, họ hát bằng cả trái tim, gửi vào đó tình yêu nhớ về với đất liền, khẳng định một niềm tin bất diệt vững chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương.

ƯS
 

Ở đảo Tốc Tan B, tôi gặp Chính trị viên, Thượng úy Nguyễn Trần Giang. Giang kể, lấy vợ rồi đi công tác đảo, khi về phép con mới 5 tháng tuổi. Lần về thăm nhà thứ hai, con gái biết gọi nhưng tiếng cha với Giang như bỡ ngỡ. “Giờ cháu 2 tuổi 9 tháng rồi. Biết gọi cha, gọi mẹ rồi. Thèm một tiếng gọi của con anh à!” Chúng tôi lặng người trước tâm sự của Giang.

Rồi như trải tâm sự của mình, Giang đã hát cho chúng tôi nghe ca khúc “Tình yêu con gửi biển” (Nhạc sỹ Trần Thế Anh): “Ba nói với con ba đi canh sóng dữ/ Ngoài đảo xa gió thét ngày đêm/ Mẹ thương ba tóc cài đầy sương gió/ Con thương Ba không thể nói thành lời/ Con lớn lên khao khát tiếng gọi Ba/ Các em con vẫn đang còn bé nhỏ/ Trong căn nhà luôn vắng tiếng ba/. Mỗi lúc bão về Mẹ lại khóc một mình/ Rồi một ngày nhận được cánh thư Ba/ Ba nói về tình yêu ba với biển/ Mẹ và con ở nhà đừng khóc/ Ba sẽ về khi thấy biển bình yên/... Cho con gửi tình yêu con đến biển/ Đến mũi thuyền đất Việt tiến ra khơi/ Gửi niềm thương yêu tới người lính biển/ Và người dân sống nơi chốn đảo xa... Mẹ cười rồi Ba có biết không/ Mẹ tự hào vì Ba là lính biển…

Chưa bao giờ tôi được nghe hát hay và truyền cảm đến thế. Rồi Giang bắt nhịp hát tiếp. Cứ thế, chúng tôi hát, át sóng biển ngoài kia.

Trường Sa - Hoàng Sa, hai tên gọi mãi trong tâm khảm người dân Việt - như lời bài hát mà Giang tặng chúng tôi.

Tôi chợt nhớ lời thề thứ 10 mà người chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam đọc dưới cờ trên đảo Trường Sa lớn rằng: Không làm điều gì hại tới danh dự của quân đội và quốc thể nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

***

Đá Lát, Trường Sa lớn, Đá Tây, Trường Sa Đông, Đá Đông, An Bang, Thuyền Chài, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Phan Vinh... những tên đảo như khắc sâu trong tâm khảm tôi. Có thể tôi không kể được hết những gì đã chứng kiến, những cảm xúc dâng trào của cuộc hội ngộ giữ trùng khơi; những hình ảnh thấm đẫm tình người, trân qúy từng mầm sống giữa từng khoanh đất nhỏ… của những người lính Trường Sa. Nhưng như điều mà Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 146, Đại tá Nguyễn Công Sơn nói, tình cảm của đất liền như giúp những người lính đảo không còn thấy xa cách. Trường Sa như ngôi nhà lớn giữa biển cả quê hương. Nơi đó, đang có những người con kiên cường bám đảo, dựng xây đảo, để Trường Sa ngày một vững chãi giữa muôn trùng sóng bể.

Bài & ảnh: Ngọc Thanh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vững chãi Trường Sa: Giữ mãi niềm tin bất diệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO