Không chùn bước
Chúng tôi đến cảng cá Cửa Sót thuộc làng biển xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà(Hà Tĩnh) khi những chiếc tàu cá vừa cập cảng sau chuyến vươn khơi. Những mẻ cá tươi rói lần lượt được đưa ra khỏi tàu, trên bờ chật kín thương lái chờ sẵn đón nhận những chuyến hàng.
Sau khi kéo dây thừng, neo ghe vào cọc trụ bên bờ cảng, lão ngư Nguyễn Quang Song bước lên bờ trong sự phấn khởi, ông chia sẻ: “Ghe chú đi 3 ngày, về được gần 5 tấn hải sản. Tính toán sơ bộ thì tiền bán sau khi chia cho thuyền viên, trừ chi phí vẫn còn dư khoảng mười lăm triệu đồng”.
Trong Ký ức mặn mòi của người đàn ông vùng biển đã dẫn dắt chúng tôi đi qua những khoảnh khắc gian truân, bất khuất, kiên trường và sự đoàn kết bám biển. Tâm thức, ký ức về biển của người đàn ông gần 70 tuổi cũng là tâm thức của rất nhiều người được sinh ra trong những ngôi làng dọc bờ biển Hà Tĩnh.
Từng chứng kiến những giờ phút gian nguy, bề bộn khi cơn bão số 10 có sức mạnh khủng khiếp đổ bộ, tàn phá vào hồi tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Quang Song thổ lộ, những ngày khó khăn vừa qua, nếu không có ý chí, sự đoàn kết, giúp sức, động viên của cộng đồng thì làng biển Thạch Kim của ông khó lòng hồi phục được nhanh như bây giờ.
Nhắc đến những lần ứng phó với thiên tai được người dân làng biển Thạch Kim kể lại mang tâm thái khá nhẹ nhàng. Song, hơn ai hết, những người có mặt tại “đầu sóng, ngọn gió” này mới thấu biết, cội nguồn sức lực để ngư dân vững vàng vượt qua thiên tai khắc nghiệt.
“Cơn bão số 10 đổ bộ, hàng chục tàu thuyền bị sóng biển đánh tấp vào bờ mắc cạn, có nhiều chiếc thân tàu bị vỡ nát. Khắp làng cây cối đổ ngổn ngang, nhà cửa bị gió lốc hết mái, nhiều căn nhà bị gió bão đánh sập hoàn toàn” - Ông Song nhớ lại.
Kể lại chính hoàn cảnh của mình, ông Song cho biết, con tàu hơn 90 CV của ông với sức nặng cả chục tấn, tưởng đã an toàn khi trú đậu trong khu neo đậu Cửa Sót. Thế nhưng, bão xô, đập khiến thân tàu bể nhiều mảng. Nhìn con tàu gần 1, 5 tỷ đồng bị hư hỏng, những người thân ông Song đã có những lúc suy nghĩ sẽ bỏ cuộc.
"Tôi không ngờ cơn bão đợt này gió lớn quá, luồng gió xoáy mạnh khiến tàu bị va đập toe tua, nhiều chủ tàu cũng không giữ được bình tĩnh. Thật may mắn, lúc đó dân làng ứng cứu, lực lượng cứu hộ có mặt kịp thời để cứu người. Sau cứu người là giải cứu tàu, gần như suốt thời gian trước, trong và sau bão không ngừng nghĩ, tất cả làm như việc của nhà mình…”, ông Song cho biết.
Trên tinh thần việc nhỏ từng nhà tự khắc phục, việc lớn, việc khó thì cùng dồn sức giúp nhau, bà con luân phiên, việc nhà này xong lại bắt tay qua hỗ trợ nhà khác. Đó là sức mạnh mà dân làng vững vàng vượt qua thiên tai khắc nghiệt.
Theo ông Song, đến nay, nhờ có chính sách hỗ trợ vay vốn nên phần lớn các phương tiện của ngư dân làng biển đã được sửa chữa và đang ra biển làm ăn. Ân tình giúp sức của cộng đồng, sự quan tâm của các cấp chính quyền là nguồn động lực, tạo niềm tin thôi thúc chúng tôi tiếp tục vượt sóng ra khơi, bám biển.
Làng biển sôi động
Thạch Kim là một xã nằm ở “chân sóng”, người dân ngàn đời sống quen với nghề chài lưới và cung cấp nguồn hải sản ngon cho muôn thực khách. Cũng chính nguồn hải sản vô tận của biển cùng với kinh nghiệm đánh bắt của ngư dân đưa lượng thực phẩm dồi dào nơi đây tới mọi miền quê Hà Tĩnh và tạo được thương hiệu riêng.
Trải qua bao lan lao, vất vả, cá Thạch Kim đã phủ sống ở nhiều miền quê, các phiên chợ của Hà Tĩnh, ghi dấu ấn bởi những dư vị biển từ con cá, con tôm, con mực đến những chum vại nước mắm thơm nức. Các xí nghiệp chế biến tôm, mực đông lạnh xuất khẩu cũng được hình thành biến làng biển này trở thành nơi trao đổi hàng hóa nhộn nhịp.
Người dân Thạch Kim nơi có cảng cá Cửa Sót tấp nập tàu thuyền vẫn tự hào cho biết, năm 2017, địa phương có hơn trăm hộ, hàng ngàn người dân làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nhưng trong bão, không có thiệt hại về người. Với người dân làng biển Hà Tĩnh nói chung, ngư dân xã Thạch Kim nói riêng thiên tai giờ đây như một lẽ thường tình, cứ đến hẹn lại lên.
Là người đã gắn bó với ngư dân nơi được ví như chân sóng ở xã Thạc Kim, huyện Lộc Hà hơn mười năm nay, chứng kiến bao đổi thay, ông Bùi Tuấn Sơn- Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh chia sẽ: Cảng Cửa Sót rất thuận tiện cho phương tiện đánh bắt ra vào. Những ngày sống yên biển lặng, không khí ở đây luôn tất bật, rộn ràng. Cùng với tàu thuyền ngư dân thuận tiện ra khơi, trở về cập cảng, thương lái tập trung về đây rất đông. Cũng hiếm có làng biển nào trên địa bàn Hà Tĩnh nhộn nhịp như nơi đây…”.
Được biết, sự cố môi trường biển năm 2016 cùng với ảnh hưởng trực tiếp của 03 cơn bão liên tiếp (số 2, 4, 10) và 06 đợt áp thấp nhiệt đới gió mùa trong năm 2017 khiến cho tổng số tàu thuyền cập cảng ở Hà Tĩnh có giảm nhưng đang phục hồi trở lại, trong đó: Cảng cá, Khu neo đậu Cửa Sót: 16.063 lượt chiếm 86,5%; Cảng cá Xuân Hội 2.497 lượt chiếm 13.5%; tổng số hàng hóa thủy sản thông qua cảng là 5.423 tấn.
Ông Bùi Tuấn Sơn cho biết thêm: “Nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ tàu thuyền bà con ngư dân trong và ngoài tỉnh cập cảng với số lượng lớn như hiện nay thì việc vận hành cảng cá cũng phải chuyên nghiệp. Tàu thuyền vào cập Cảng được phân luồng cụ thể bố trí bốc cá, xuống đá, lấy dầu thuận tiện, đồng thời tàu cấp các mặt hàng nhu yếu phẩm được bố trí chổ neo đậu riêng giúp ngư dân thuận lợi trong việc sử dụng các dịch vụ hậu cần nghề cá”
Vươn khơi bám biển không một ngày rời xa, biển không chỉ là mưu sinh mà còn góp phần giữ gìn và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Như lời Nguyễn Quang Song- lão ngư gần 70 tuổi ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà(Hà Tĩnh) thôi thúc con cháu với câu nói ấn tượng: “Hãy hâm nóng tình yêu giữa biển cả để những chuyến tàu được vươn khơi…”.