Vụ tranh chấp đất rừng giữa 2 bản ở Lai Châu: Cần sớm xử lý dứt điểm

06/05/2015 00:00

(TN&MT) - Tình trạng mâu thuẫn tranh chấp đất rừng làm nương của các hộ dân thuộc bản Pan Khèo (xã Thèn Sinh, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) và bản Căn Câu (xã...

 

(TN&MT) - Tình trạng mâu thuẫn tranh chấp đất rừng làm nương của các hộ dân thuộc bản Pan Khèo (xã Thèn Sinh, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) và bản Căn Câu (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đang diễn ra hết sức phức tạp. Hiện người dân bản Pan Khèo, xã Thèn Sin (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) đang phải thay phiên nhau canh giữ đất rừng của bản.

Theo bản đồ địa giới hành chính được quy định tại Chỉ thị số 364/CT ngày 6 tháng 11 năm 1991 thì diện tích đất rừng của bản Pan Khèo giáp ranh với khu vực bản Căn Câu là khoảng 200ha.

Theo người dân địa phương, bãi đất đồi 200ha thời xưa là nơi gieo trồng cây thuốc phiện của cả 2 bản Pan Khèo và Căn Câu. Từ khi Đảng và Nhà nước cấm trồng cây thuốc phiện thì bãi đất 200ha được giao cho bản Pan Khèo, xã Thèn Sin (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) khoanh nuôi và bảo vệ; qua thời gian dài thì đã thành khu rừng xanh tốt.

Từ khi Lai Châu triển khai thực hiện Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thì 200ha của bản Pan Khèo cũng nằm trong diện được hưởng chính sách đó.  Chính vì vậy, đã nảy sinh tranh chấp khu rừng giữa bản Căn Câu và bản Pan Khèo. Hiện nay, diện tích tranh chấp giữa 2 bản là khoảng 30ha và nguy cơ sẽ còn tranh chấp với diện tích lớn hơn.

Ông Nguyễn Văn Chung, phó chủ tịch UBND xã Thèn Sin, cho biết: Chính quyền của 2 địa phương đã ngồi bàn bạc, song tình trạng tranh chấp vẫn tiếp diễn.
Ông Nguyễn Văn Chung, phó chủ tịch UBND xã Thèn Sin, cho biết: Chính quyền của 2 địa phương đã ngồi bàn bạc, song tình trạng tranh chấp vẫn tiếp diễn.

Trước sự việc này, chính quyền xã và huyện của 2 địa phương Thèn Sin (Tam Đường) và Sin Suối Hồ (Phong Thổ) cũng đã vào cuộc. Tuy nhiên, theo bà con dân bản đến nay, số diện tích 30ha vẫn trong tình trạng tranh chấp gắt gao...

Anh Giàng A Sử, trưởng bản Pan Khèo, xã Thèn Sin, cho biết: Người dân trong bản mong muốn giữ đất rừng nên đã cắt cử người trong bản thường xuyên canh gác, tuy nhiên việc trông nom cũng đang gặp phải khó khăn do người dân trong bản cũng đã đến mùa phải đi làm nương rẫy.

 Với đặc điểm địa lý, bản Pan Khèo cách xa trung tâm xã, giao thông đi lại khó khăn, thời gian di chuyển bằng xe máy từ trung tâm xã đến bản qua những con đường mòn nhanh thì cũng phải 30 phút, từ bản đi bộ đến khu đất rừng tranh chấp mất khoảng 30 phút nữa. Hàng ngày người dân bản Pan Khèo vẫn cắt cử nhau lên khu đất rừng 30ha để canh gác.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Chung, phó chủ tịch UBND xã Thèn Sin, cho biết: Những hệ luỵ từ việc tranh chấp đất rừng, việc phá rừng cũng đã xuất hiện. Chính quyền của 2 địa phương đã ngồi bàn bạc, song tình trạng tranh chấp vẫn tiếp diễn.     

Thiết nghĩ các cấp, các ngành chức năng tỉnh Lai Châu cần khẩn trương vào cuộc tìm hướng giải quyết dứt điểm để tránh những hệ luỵ đánh tiếc có thể xảy ra. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, đặc biệt là việc tuyên truyền các quy định pháp luật về đất đai, bảo vệ và phát triển rừng… để người dân tại các bản vùng sâu, vùng xa hiểu và thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật.

Trong chỉ thị 364 ngày 6/11/1991 có nêu rõ: Trong khi xem xét và giải quyết những tranh chấp về đất đai liên quan đến địa giới hành chính Ủy ban Nhân dân các cấp cần kịp thời ngăn chặn, không để xảy ra những hành động gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của công dân và cảnh giác đề phòng âm mưu kích động phá hoại của những phần tử xấu.

 

Bài & ảnh Xuân Tùng

 

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ tranh chấp đất rừng giữa 2 bản ở Lai Châu: Cần sớm xử lý dứt điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO