Vụ sập hầm thủy điện: “Ưu tiên số 1 là thoát nước, cứu người"

17/12/2014 00:00

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, cần sớm có phương án thoát nước phía trong đường hầm để đảm bảo an toàn cho nhóm công nhân...

   
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều 17/12, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có mặt tại hiện trường vụ sập hầm thủy điện Đa Dâng-Đa Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) để chỉ đạo công tác cứu hộ, xử lý vụ việc.

  Sau khi cập nhật các thông tin tại hiện trường, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị các lực lượng cứu hộ tập trung toàn lực, ưu tiên số 1 cho việc giải cứu toàn bộ 12 công nhân bị mắc kẹt phía bên trong hầm, đặc biệt là việc khoan tháo nước ra ngoài trước khi tiếp tục đào thông hầm.

  Đến thời điểm này, công tác cứu hộ vẫn đang được các lực lượng chức năng gấp rút triển khai. Lực lượng công binh bắt đầu thực hiện việc đào hầm, gia cố bên trong đường hầm. Trong khi đó, lực lượng y tế cũng đặt một trại dã chiến tại hiện trường và đưa thêm thuốc men, dụng cụ y tế để sẵn sàng ứng cứu các nạn nhân.

  Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, cần sớm có phương án thoát nước phía trong đường hầm để đảm bảo an toàn cho nhóm công nhân do hiện nước trong hầm đang dâng lên. Song song đó cần có phương án đào xuyên qua lớp đất đá theo hình tròn, hình tam giác, hình vuông có đủ kích thước đưa người ra ngoài an toàn.

  “Theo tôi hiện nay chúng ta khoan vào đường hầm theo ba hướng như vậy là tốt. Đây là giải pháp an toàn với nhiều phương án có khả năng thành công cao” - Bộ trưởng Xây dựng nhận định.

  Để phục vụ cho công tác cứu hộ, sau khi nghe báo cáo về việc cần có máy khoan cọc nhồi chuyên dụng và hiện máy đang có tại Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1), Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo ngay lập tức điều động máy khoan từ TP. Hồ Chí Minh lên Lâm Đồng. 

  Trong khi đó Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, để phục vụ công tác cứu hộ, Bộ Công thương đã cử một đội thuộc Trung tâm cứu hộ mỏ của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam đến hỗ trợ.

  Bộ trưởng Công thương cũng nhấn mạnh, việc cần kíp trước mắt là tập trung cứu người và sau khi giải cứu thành công các nạn nhân, chắc chắn sẽ phải xem xét vấn đề trách nhiệm và xử lý các sai phạm trong vụ sập hầm. Hai Bộ trưởng cũng thống nhất cho tạm ngừng thi công công trình sau khi đã giải cứu được các nạn nhân.

  Việc cho thi công lại sẽ do cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng sau khi kiểm tra, rà soát sẽ có đề nghị để Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương xem xét.
   
        
Đến chiều 17/12, danh sách đầy đủ của 12 công nhân bị mắc kẹt bên trong đường hầm đã được xác định gồm:

       1.Phạm Xuân Đăng (1964, Vĩnh Phúc)
       2.Nguyễn Anh Tuấn (1981, Hà Tĩnh)
       3.Phạm Viết Lành (1994, Nghệ An)
       4.Phạm Viết Nam (1973, Nghệ An)
       5.Đặng Thị Hồng Ngọc (nữ, 1988, Nghệ An)
       6.Trương Tuấn Việt (1984, Hà Nội)
       7.Nhữ Văn Tường (1986, Hà Nam)
       8.Hoàng Tiến Đoàn (1989, Nam Định)
       9.Hoàng Anh Văn (1980, Nam Định)
       10.Hoàng Đình Hường (1984, Nam Định)
       11.Hoàng Đình Thịnh (1986, Nam Định)
       12.Nguyễn Văn Quang (1976, Hà Tĩnh)./.
        
    
   
   
TTXVN
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ sập hầm thủy điện: “Ưu tiên số 1 là thoát nước, cứu người"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO