Vụ 'núi' rác ngập chung cư, luật sư nói gì?

07/02/2017 00:00

(TN&MT) – "Việc chậm trễ của UBND phường trong việc xử lý rác thải cho thấy sự thờ ơ, quan liêu, tắc trách, có dấu hiệu của hành vi vi phạm Luật bảo vệ môi trường."

Như Báo Tài nguyên và Môi trường đưa tin, tại chung cư Ruby Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội), suốt thời gian dài không ai thu gom rác thải khiến rác ở đây chất cao như núi. 

Trả lời PV Báo Tài nguyên và Môi trường, Luật sư Hà Huy Phong (Văn phòng Luật sư Inteco, Hà Nội) khẳng định, việc để rác thải gây hại môi trường như vậy là vi phạm pháp luật và sự thờ ơ của lãnh đạo UBND phường Định Công cho thấy sự tắc trách.

Theo vị luật sư, bãi rác ngay trước chung cư gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân tại đây.

Rác thải ngập tràn trước chung cư Ruby Định Công gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân
Rác thải ngập tràn trước chung cư Ruby Định Công gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân

Luật sư phân tích: “Việc một số người dân tự ý đổ rác thải ra ven đường là đã vi phạm quy định của pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính”.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của UBND phường Định Công là rất lớn. Với tư cách là đơn vị có thẩm quyền quản lý địa bàn, UBND phường Định Công là phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và kịp thời phát hiện các vấn đề về môi trường, phát hiện các hành vi vi phạm để kịp thời xử lý.

"Việc chậm trễ của UBND phường trong việc xử lý hành vi vi phạm không chỉ coi là có sự thờ ơ, quan liêu, tắc trách mà còn có dấu hiệu của hành vi vi phạm Luật bảo vệ môi trường." - LS Phong nói.

Tuy nhiên, theo vị luật sư, điều đáng tiếc là hiện không có quy định nào đủ rõ ràng và nghiêm minh để xử lý cơ quan Nhà nước và cán bộ công chức khi có các hành vi vi phạm như vậy. 

Luật sư Hà Huy Phong cho rằng, theo Luật Bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường đô thị thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa, lịch sử và bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch. Chủ đầu tư dự án khu dân cư tập trung, chung cư phải thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Đối với khu dân cư phân tán phải có địa điểm, hệ thống thu gom, xử lý rác thải; có hệ thống cung cấp nước sạch và các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn.

Phải có kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường đồng bộ, phù hợp với quy hoạch đô thị, khu dân cư tập trung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, phải có thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, tập trung chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với khối lượng, chủng loại chất thải và đủ khả năng tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các hộ gia đình trong khu dân cư.

Ngoài ra, bảo đảm yêu cầu về cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường; lắp đặt và bố trí công trình vệ sinh nơi công cộng.

Theo Luật bảo vệ môi trường về Bảo vệ môi trường nơi công cộng. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; phân loại, chuyển rác thải vào thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng.

Luật sư Phong khẳng định: “Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm “Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trên trực tiếp”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường.

Luật xử lý vi phạm hành chính đã quy định rằng “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”.

Theo quy định tại Điều 20, Nghị định 155/2016/NĐ-CP về Vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường 

1. Hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;

d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

Hà Trần

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ 'núi' rác ngập chung cư, luật sư nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO