Vụ “Cậu Thủy” bị bắt: Cần làm rõ sự thật về 73 bộ hài cốt liệt sỹ tại Đắk Lắk

30/10/2013 00:00

(TN&MT) - Người dân và các cơ quan chức năng tại Đắk Lắk hết sức hoang mang về 73 bộ hài cốt liệt sỹ được ông Thúy "giúp đỡ" tìm thấy...

   
(TN&MT) - Ngay sau khi ông Nguyễn Thanh Thúy, còn gọi là "Cậu Thủy" bị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Trị bắt tạm giam về hành vi làm giả hài cốt, di vật liệt sỹ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dư luận người dân và các cơ quan chức năng tại Đắk Lắk hết sức hoang mang về 73 bộ hài cốt liệt sỹ được ông Thúy "giúp đỡ" tìm thấy với giá 75 triệu đồng/bộ. Hiện 70/73 bộ hài cốt liệt sỹ này đã được an táng, thờ cúng tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh.
   
   
Hành trình tìm kiếm, quy tập 73 bộ hài cốt liệt sỹ
   
  Cuối năm 2011, ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (Ngân hàng CSXH VN) được "nhà tâm linh" Nguyễn Thanh Thúy giúp đỡ tìm được hài cốt của bố là liệt sỹ Dương Văn Mừng tại km 105 quốc lộ 14 - xã Ea H'leo, huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk. Ngay sau đó, Ngân hàng CSXH VN đã rầm rộ phát động phong trào đền ơn đáp nghĩa, tổ chức quy tập hài cốt liệt sỹ (HCLS) hy sinh tại khu vực nói trên. Động thái này xuất phát từ quá trình tìm kiếm HCLS Dương Văn Mừng, ông Nguyễn Thanh Thúy "phán" rằng trong khu vực còn khoảng 200 bộ HCLS chưa được quy tập. Một kế hoạch hoàn chỉnh đến từng chi tiết đã được Ban lãnh đạo Ngân hàng CSXH VN phối hợp cùng Công đoàn vạch ra, nhằm quy tập số HCLS trên. Theo đó, Ngân hàng CSXH VN vận động mỗi cán bộ, công nhân, viên chức trong toàn hệ thống đóng góp một ngày lương, đồng thời trích các quỹ phúc lợi của ngân hàng để chi phí cho việc quy tập. Bà Nguyễn Thị Đỉnh, Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH VN tỉnh Đắk Lắk xác nhận, ngoài chi phí đi lại, ăn ở, mua sắm cho đoàn quy tập, số tiền trên được dùng để trả công cho "Cậu" (tức ông Nguyễn Thanh Thúy - PV) với mức 75 triệu đồng/bộ HCLS.
   
Nhà ngoại cảm Nguyễn Thanh Thúy làm lễ áp vong, nhập hồn tại Ea H’leo
    
   
  Ông Nguyễn Quang Trường - Giám đốc Sở LĐTB&XH Đắk Lắk - cho biết, qua 2 đợt quy tập do Ngân hàng CSXH VN và ông Nguyễn Thanh Thúy thực hiện, 73 bộ HCLS cùng nhiều di vật của bộ đội đã được tìm thấy tại xã Ea H'leo (km 105 - km 108 quốc lộ 14). Cụ thể, sau khi làm lễ, những người bị áp vong đã chỉ ra 18 điểm có hài cốt liệt sỹ nhưng ông Thúy loại trừ hết 15 điểm. Khai quật tại 3 điểm do ông Thúy quyết định thì lập tức có HCLS, trong đó chỉ có 1 HCLS nằm riêng, còn lại 2 điểm là hố chôn tập thể. Tại các điểm quy tập đều có mảnh xương sọ, xương cục, mảnh xương ống tay, ống chân, có răng, bình tông, nắp ăng gô, dép cao su, cúc áo, ngôi sao vàng... Phân loại theo tiêu chí thông tin thì 10 hài cốt có tên, họ, quê quán; 5 hài cốt chỉ có tên và tên đệm, tên viết tắt; còn lại chưa rõ danh tính. Sau khi quy tập, chỉ có 3 HCLS được gia đình đưa về quê (qua đối chiếu thông tin của gia đình với thông tin từ HCLS tìm được), 73 HCLS còn lại được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh.
   
Quy tập hài cốt
    
   
  Điều đáng nói là trước khi thực hiện, Sở LĐTB&XH Đắk Lắk đã tham mưu cho UBND tỉnh chấp thuận theo đề nghị của Ngân hàng CSXH VN và ông Nguyễn Thanh Thúy, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành địa phương phối hợp. Đề cập vấn đề này, ông Trường phân bua: "Vụ này không phải do Sở chủ trì, không dùng ngân sách nhà nước mà do Ngân hàng CSXH VN tự nhận làm, ngoài nhà ngoại cảm Nguyễn Thanh Thúy còn có 3 nhân chứng từng chiến đấu ở Tây Nguyên tham gia. Vì vậy, chúng tôi thấy việc tham mưu như vậy cũng hợp lý". Tuy nhiên, ông Trường cũng thừa nhận, quá trình thực hiện đã bộc lộ rất nhiều dấu hiệu bất thường, đáng ngờ nhưng rất tiếc đã không được làm rõ.
   
Xương cốt, di vật được làm giả từ trước?
   
  Theo hồ sơ lưu trữ tại Sở LĐTB&XH Đắk Lắk cũng như Chi nhánh Ngân hàng CSXH Đắk Lắk, được lãnh đạo hai cơ quan xác nhận thì phần lớn những người được vong nhập vào chỉ điểm có HCLS đều là người của Ngân hàng CSXH VN, đơn vị tích cực giúp ông Nguyễn Thanh Thúy được tỉnh Đắk Lắk chấp thuận tìm HCLS.
   
  Giống như các kịch bản tại Bình Phước và Quảng Trị, người bị vong nhập cũng đi nghiêng ngả rồi nằm xuống một vị trí nào đó để ông Nguyễn Thanh Thúy đánh dấu. Điều bất thường hơn là việc nhập vong diễn ra vào ban ngày, nhưng đến đêm ông Thúy mới cho đào tìm, cất bốc HCLS cùng di vật (thời gian đào được ấn định từ 17h - 23h hàng ngày). Phải chăng đây là thủ đoạn nhờ bóng tối che giấu hiện trường bị đào trước, che giấu những hài cốt cùng di vật giả chôn sẵn? Mặt khác, dư luận cũng đang đặt câu hỏi tại sao cả hai đợt quy tập HCLS đều được tiến hành vào những ngày lễ, tết, ngày nghỉ? Cụ thể, đợt thứ nhất diễn ra vào thứ bảy, chủ nhật, thứ hai - các ngày 29, 30, 31 - 12 - 2012, tức dịp nghỉ tết dương lịch. Đợt thứ hai được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 9 - 3 - 2013, trùng với dịp kỷ niệm chiến thắng Buôn Ma Thuột và khai mạc Festival cà phê. Vào thời điểm này, hầu hết cán bộ chính quyền và các ban ngành, đoàn thể đều rất bận rộn, thậm chí không kịp nhận giấy mời tham dự.
   
Các hiện vật của liệt sỹ trong vụ khai quật được cất giữ tại ngĩa trang liệt sỹ
    
   
  Ngoài ra, Sở LĐTB&XH Đắk Lắk cũng xác nhận, việc tìm được HCLS Dương Văn Mừng cũng như việc "phát hiện" 200 bộ HCLS khác tại khu vực trên, Ngân hàng CSXH VN và ông Nguyễn Thanh Thúy đều không báo cáo cơ quan chức năng. Sở LĐTB&XH Đắk Lắk phải tự đi hỏi thông tin. Khi phát hiện một việc làm trọng đại, có quy mô lớn sắp diễn ra thuộc phạm vi ngành mình quản lý, Sở LĐTB&XH mới chủ động mời "bên kia" đến họp…Nếu không có gì khuất tất, một việc làm mang ý nghĩa đền ơn đáp nghĩa, quang minh chính đại như thế tại sao phải có ý định làm chui?.
   
70 hài cốt được an táng tại nghĩa trang liệt sỹ
    
   
Cần nhanh chóng điều tra, làm rõ
   
  Khi được hỏi về quá trình quy tập, an táng 73 HCLS tại huyện Ea H'leo với sự giúp đỡ của ông Nguyễn Thanh Thúy thì Đại tá Trịnh Văn Tâm, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk, cho hay: "Cơ quan quân sự tỉnh chỉ được UBND tỉnh giao nhiệm vụ rà phá bom mìn, cử lực lượng và phương tiện tham gia phối hợp chứ không trực tiếp đào, giám định hài cốt hoặc di vật. Nhưng trước sự việc này, quan điểm của chúng tôi là các cơ quan chức năng, mà trước hết là cơ quan công an tỉnh phải nhanh chóng điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật".
   
Hiện trường quy tập hài cốt
    
   
  Ông Nguyễn Quang Trường cũng cho biết, ngay sau khi an táng số HCLS trên, Sở LĐTB&XH đã có văn bản đề nghị Cục Người có công thuộc Bộ LĐTB&XH lấy mẫu giám định ADN theo quy định. Nhưng điều khó hiểu là cho đến nay, việc giám định vẫn chưa được Cục Người có công tiến hành với lý do toàn bộ hài cốt đã an táng tại nghĩa trang liệt sỹ, được xây mộ theo quy cách, quy hoạch của nghĩa trang.
   
        
Theo ông Trương Quốc Khởi – Một trong 3 nhân chứng trong quá trình quy tập - (hiện ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) nguyên Chính trị viên phó đơn vị C1, D101, E33 thuộc mặt trận B3 Tây Nguyên thì đơn vị C1, D101, E33 đã từng chiến đấu ở khu vực cầu 101 thuộc Ea H’leo (giai đoạn 1967-1972) và việc bộ đội ta hi sinh ở khu vực này là có thật. Tuy nhiên, Cục Chính trị, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 vừa có công văn gửi Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk cho biết: Từ năm 1968 đến 1972, Quân đoàn 3 không có 1 đơn vị nào chiến đấu tại khu vực cầu 110, quốc lộ 14, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk. Trong hồ sơ liệt sỹ của Quân đoàn 3 cũng không thấy có liệt sỹ nào hy sinh mai táng tại khu vực trên.
        
    
   
                                                                                          Bài & ảnh: Tuệ Minh
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ “Cậu Thủy” bị bắt: Cần làm rõ sự thật về 73 bộ hài cốt liệt sỹ tại Đắk Lắk
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO