Vụ cá chết trên sông Chà Và (Bà Rịa - Vũng Tàu): Góc nhìn phát triển bền vững

17/09/2015 00:00

(TN&MT) - Vụ cá chết hàng loạt ở hạ lưu sông Chà Và (Bà Rịa – Vũng Tàu) những ngày qua cho thấy, phát triển bền vững là một đòi hỏi bức thiết và xung đột môi trường chỉ được giải quyết khi hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế, lợi ích doanh nghiệp và người dân.

Xung đột môi trường ngày càng lớn

Từ năm 2008 đến nay, người dân nuôi cá lồng tại xã Long Sơn (huyện Tân Thành) xảy ra những vụ cá chết làm thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Nhưng vụ cá giống, cá bán thịt đến kỳ xuất lồng bị chết dày đặc như đợt này làm nhiều hộ trắng tay khiến cho người dân có những hành động quyết liệt hơn để bảo vệ lợi ích của mình.

Ngay ngày 6/9, các hộ dân bị thiệt hại  đã đem cá chết đến đổ trước cửa các cơ sở chế biến thủy sản, gồm: Doanh nghiệp tư nhân Trung Sơn, Công ty TNHH Phước An, Công ty TNHH Thịnh An, Công ty TNHH Thủy sản Hòa Thắng, Doanh nghiệp Tư nhân chế biến hải sản Trọng Đức và Doanh nghiệp tư nhân Đại Quang.  Họ cho rằng, đây là các nhà máy, nằm gần cổng xả số 6 của khu chế biến thủy sản xã Tân Hải, đổ trực tiếp nước thải  ra sông khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng, dẫn đến tình trạng cá chết.

Cũng do nhiều lần làm đơn khiếu nại gửi các cấp chính quyền về việc các cơ sở chế biến cá xả nước thải gây ô nhiễm, nhưng chưa được giải quyết triệt để, ngày 7/9 các hộ dân xã Long Sơn đem cá chết đến tận UBND tỉnh để kiến nghị tỉnh có biện pháp giải quyết thỏa đáng. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, một trong số các hộ dân đến gặp lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, đây là năm thứ 4 gia đình bà bị thiệt hại mất trắng, nên bà và các hộ dân có cá bị chết phải “làm mạnh hơn để nhờ cơ quan chức năng giúp đỡ người dân yên tâm nuôi cá để còn trả nợ”.       

Quyết liệt vào cuộc

Có lẽ ít có vụ  xung đột môi trường nào trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được cấp chính quyền cao nhất của tỉnh vào cuộc quyết liệt như vụ cá lồng bị chết tại xã Long Sơn.

Ngay sau khi người dân khiếu nại lên tỉnh, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ trì buổi tiếp dân. Ông Trình khẳng định, tỉnh sẽ thành lập ngay, Đoàn công tác xác định lại trách nhiệm, hiện trạng, thiệt hại của bà con, sẽ có báo cáo Tỉnh ủy trong thời gian sớm nhất và thông báo cho người dân trong vòng 20 ngày. Chủ tịch UBND tỉnh cũng xin lỗi người dân vì để xảy ra tình trạng này và hứa sẽ “quyết tâm đòi lại quyền lợi cho bà con”

Cá chết trắng sông Chà Và. Ảnh: MH
Cá chết trắng sông Chà Và. Ảnh: MH

Ngay trong ngày 7/9, lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức 1 cuộc họp khẩn cấp, phân công, chỉ đạo các Sở, ngành chức năng khẩn trương xuống trực tiếp kiểm tra sự việc, công khai thông tin cho các cơ quan đại chúng chính xác, đầy đủ, kịp thời về sự việc; đồng thời, tổ chức lấy mẫu phân tích và xác định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết. 

Thực hiện sự chỉ đạo này, ngày 9/9, UBND xã Long Sơn đã phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn làm việc với 15 hộ dân trong vụ cá chết hàng loạt để hướng dẫn xác định thiệt hại. Tính toán sơ bộ cho thấy, tổng thiệt hại được xác định là 5,3 tỷ đồng. Trong đó, hộ ông Dương Văn Hùng bị thiệt hại nặng nhất  lên tới 1,3 tỷ đồng; hộ ông Nguyễn Văn An gần 1,1 tỷ đồng; các hộ còn lại từ 70 triệu đến 500 triệu đồng.

 Cũng trong thời gian này, Viện Môi trường – Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP. HCM) đã tiến hành lấy mẫu nước thải của 6 cơ sở sản xuất surimi để đưa đi phân tích, sớm nhất phải 15 ngày sau mới có kết quả chính xác.

 UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng ban hành Văn bản đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với các cơ sở chế biến hải sản tại khu vực xã Tân Hải, huyện Tân Thành để các cơ quan chức năng khảo sát, đánh giá và tìm hướng xử lý về vấn đề xả thải, gây ô nhiễm.

Ngày 14/9, Đoàn thanh tra do Sở TN&MT phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng, Cảnh sát môi trường… đã tiến hành thanh tra các cơ sở chế biến hải sản khu vực xã Tân Hải (huyện Tân Thành) nhằm tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng cá nuôi lồng bè bị chết hàng loạt trên sông Chà Và.

Cần một giải pháp triệt để

Sở dĩ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào cuộc nhanh và quyết liệt trong vụ việc này bởi họ đã nhìn thấy hậu quả nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường. Thiệt hại này không chỉ người dân hứng chịu, đó còn là thiệt hại về kinh tế cho tỉnh, hủy hoại sinh kế của người dân. Nghiêm trọng hơn, nếu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không giải quyết triệt để vụ việc này sẽ tạo thành tiền lệ khiến các cơ sở sản xuất “lờ” đi việc xử lý môi trường, còn người dân bị mất niềm tin dễ gây ra xung đột ngày càng lớn.

Để phát triển bền vững,  tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần tập trung vào việc quy hoạch khu nuôi thủy sản lồng bè; sớm triển khai di dời các cơ sở chế biến thủy sản đến các khu tập trung theo lộ trình quy hoạch chế biến thủy sản của tỉnh đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, cần cương quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, buộc tháo dỡ các cơ sở chế biến thủy sản phát sinh mới chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Qua vụ việc này cho thấy, xung đột môi trường ngày càng lớn. Bởi thế, khi phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng như nhiều địa phương khác cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên.

Mai Chi

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ cá chết trên sông Chà Và (Bà Rịa - Vũng Tàu): Góc nhìn phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO