Vụ cá chết ở Lăng Cô (Thừa Thiên Huế): Có thể do nước thải công nghiệp?

02/11/2017 00:00

(TN&MT)- Cơ quan chức năng nhận định cá lồng chết ở Lăng Cô do môi trường nước có dấu hiệu bất thường, có thể bắt nguồn từ nước thải do hoạt động xây dựng, công nghiệp ở gần đó xả ra...

Nguồn nước có dấu hiệu bất thường

Liên quan đến sự việc cá lồng bất ngờ chết hàng loạt tại khu vực đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) trong thời gian qua mà Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã và đang thông tin, ngày 2/11, ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết đơn vị vừa có buổi làm việc với chính quyền địa phương huyện Phú Lộc và các ban ngành liên quan nhằm có cơ sở trả lời thỏa đáng cho người dân về vụ việc...

Cá lồng nuôi chết hàng loạt tại đầm Lập An- thị trấn Lăng Cô
Cá lồng nuôi chết hàng loạt tại đầm Lập An- thị trấn Lăng Cô

Theo đó, trên cơ sở kết quả phân tích xét nghiệm mẫu cá và mẫu nước của Cơ quan Thú y vùng III và Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, nguyên nhân cá chết ở đầm Lăng Cô không phải do dịch bệnh và các yếu tố kỹ thuật trong nuôi cá lồng; nguồn nước trong khu vực có dấu hiệu bất thường với chỉ số pH và tổng chất rắn lơ lửng vượt quá giới hạn cho phép.

Cụ thể, kết quả phân tích mẫu môi trường chất lượng nước của Sở TN&MT cho thấy có dấu hiệu không bình thường.

“Có thể nguyên nhân dẫn đến cá chết là do hai chỉ số pH và tổng chất rắn lơ lửng đều vượt quá giới hạn cho phép. Trong đó, các mẫu nước lấy ở khu vực lồng nuôi các hộ dân; tại khu vực cách công trường cầu hầm Hải Vân, từ 2- 15m về phía tây và đông của tổ dân phố Hải Vân cho thấy thông số tổng chất rắn lơ lửng vượt so với quy chuẩn từ 1,175- 1,265 lần...”, đại diện Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở TNMT) thông tin.

Cá chết là cá có giá trị thương phẩm cao như cá bớp, cá vẩu, cá hồng đỏ...
Cá chết là cá có giá trị thương phẩm cao như cá bớp, cá vẩu, cá hồng đỏ...

Còn theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thu y tỉnh Thừa Thiên Huế, theo kết quả xét nghiệm của Chi cục thì không phát hiện 2 vi khuẩn Streptococus spp và Vibrio trong mẫu bệnh phẩm kiểm tra. Đây là hai loại vi khuẩn chủ yếu gây bệnh trên cá với các triệu chứng như thối thân, xuất huyết trên da, mù mắt, cụt thân...

Từ kết quả xét nghiệm cho thấy, cá chết hàng loạt ở đầm Lăng Cô không phải do nguyên nhân bị bệnh. Khu vực nuôi nằm ở vị trí cửa biển, vì vậy chất lượng nước được trao đổi thường xuyên, vị trí nuôi có độ sâu, lưu tốc dòng chảy và hàm lượng ô xy phù hợp trong nuôi cá lồng. Do vậy, khả năng cá chết không do các yếu tố về kỹ thuật trong nuôi cá lồng.

Giám sát môi trường

Ông Nguyễn Đình Đức cho rằng, hiện vẫn chưa có đủ cơ sở xác định nguyên nhân gây ra cá chết dù kết quả phân tích về chất lượng nước tại khu vực có cá chết, môi trường có sự biến động bất thường...

Vì thế, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Sở TN&MT tiếp tục phân tích mẫu nước để xác định nguyên nhân, công bố cho người dân có phải do các hợp chất xả thải trong quá trình thi công các công trình gần đó hay không; đồng thời lấy mẫu ở các khu vực khác không có cá chết phân tích các chỉ tiêu để đối chứng.

Người dân thị trấn Lăng Cô vẫn đang rất lo lắng, đứng ngồi không thể nào yên
Người dân thị trấn Lăng Cô vẫn đang rất lo lắng, đứng ngồi không thể nào yên

Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường trong quá trình thi công tại dự án mở rộng  hầm đường bộ Hải Vân và kiểm tra việc xả thải của Công ty CP môi trường và Công trình đô thị Huế.

Trao đổi với PV, ông Lê Bá Phúc- Phó Giám đốc sở TN&MT cho biết, hoạt động thi công của Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân có khả năng gây ảnh hưởng đến chất lượng nước đầm Lăng Cô.

Sở TN&MT tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu Chủ đầu tư dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân trong quá trình hoạt động xây dựng tại khu vực Lăng Cô cần thực hiện các biện pháp như đào mương thu gom nước mưa, xây dựng bể lắng và có phương án xử lý nước thải trong quá trình khoan và phối trộn bê tông đảm bảo nước thải ra môi trường đạt quy chuẩn...

Như Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường trước đó đã phản ánh, từ đầu tháng 10 đến nay, cá lồng bất ngờ chết hàng loạt tại khu vực cửa biển đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) khiến người dân đứng ngồi không yên, thiệt hại nặng nề...

Có mặt tại hiện trường, PV nhận thấy cá chết trắng xóa khắp mặt nước, bốc mùi, nổi lờ đờ trên và bên trong lồng. Cá chết ở đây là các loại cá có giá trị thương phẩm cao như: cá bớp, cá vẩu, cá hồng đỏ... có giá bán từ 170- 180 nghìn/kg.

Người dân vẫn đang nghi ngờ việc thi công đường công vụ gần đó đã thải chất ô
Người dân vẫn đang nghi ngờ việc thi công đường công vụ gần đó đã thải chất ô

Người dân vẫn đang nghi ngờ trong quá trình thi công đường công vụ trên đầm Lập An phục vụ thi công cầu vào hầm Hải Vân (giai đoạn 2), đơn vị thi công đã sử dụng thuốc nổ, chất xika và những chất này chảy ra đầm Lập An. Sau đó, khi thủy triều lên thì các chất này đi vào các lồng cá khiến cá chết...

Sau khi xảy ra tình trạng trên, các hộ dân đã sử dụng các loại thuốc “đặc trị” để rửa sạch nguồn nước. Biện pháp này ban đầu đã có hiệu quả, số lượng cá chết hiện đã giảm dần nhưng vẫn còn.

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin.

Bài và ảnh: Văn Dinh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ cá chết ở Lăng Cô (Thừa Thiên Huế): Có thể do nước thải công nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO