(TN&MT) - Một khối lượng lớn bùn thải được hút từ Dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây chưa qua xử lý tấp vào dọc tuyến đường vào cảng thời gian qua đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng hệ thống lưới điện, ngập úng cục bộ... Chủ đầu tư cho rằng đã có phương án đổ bùn ngoài biển nhưng do nhạy cảm nên đổ bùn trong bờ và bùn không hôi...?
Liên quan đến vụ việc lượng bùn thải rất lớn xuất hiện ở gần cảng Chân Mây (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) mà Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đang thông tin, ông Tôn Thất Viễn Điểm - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế - chủ đầu tư dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 1 đã lên tiếng.
Ông Điểm cho biết Dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 1 được thực hiện từ năm 2018 đến 2020 với tổng kinh phí hơn 700 tỷ đồng. Chiều dài đê 450 mét, thân đê bằng đá phủ bê tông. Việc nạo bùn từ đáy biển ở độ sâu 10-12 mét lên đổ vào đất liền là công đoạn đầu, từ đó sẽ đổ vật liệu xuống tạo phần đáy đê.
Khối lượng bùn biển và cát đưa lên bờ khoảng 870.000 mét khối được đổ vào phần đất nguyên trước đây là bờ biển cũ theo quy hoạch (do sau này người dân tự ý nuôi trồng thủy hải sản trái phép nên nhiều người cứ tưởng là đất nuôi trồng thủy hải sản). Có 2 khu đất chứa bùn với diện tích 40 hecta. Việc thực hiên dự án đã bắt đầu cuối tháng 4 vừa qua.
“Trước đây có phương án là đổ bùn ngoài biển, nhưng vì nhạy cảm quá nên chúng tôi chọn phương án đổ bùn vào trong bờ. Việc đổ bùn vào bờ đã được xây dựng vị trí bãi thải cũng như đánh giá tác động môi trường rồi. Bùn từ đây sẽ có hệ thống mương thoát nước nhằm lắng bùn và cho chảy ra biển nước bùn đã lọc. Tuy nhiên chưa làm kịp hệ thống mương nên đã xảy ra tình trạng gây mất an toàn lưới điện với một số cột điện tại nơi bùn biển đổ vào...”- ông Điểm thông tin.
Cũng theo ông Điểm, khoảng tháng 8 năm nay là hút xong bùn, bùn sẽ khô nhanh. Thời gian tới lúc bùn khô, có một doanh nghiệp sẽ đổ các vật liệu vào “đầm bùn” tạo mặt bằng làm nền theo phương pháp cắm bấc thấm, từ đó xây dựng kho bãi ở trên để phục vụ cảng Chân Mây...
“Bùn biển hút lên không hôi và tuyến đường đi ngang đầm lầy tập kết là đường nội bộ, du khách không đi qua nên sẽ không ảnh hưởng gì đến việc khách từ các tàu biển trong nước cũng như quốc tế cập cảng Chân Mây vào Huế để tham quan du lịch” - ông Điểm giải thích.
Về việc tại các điểm tập kết bùn không có hàng rào xung quanh mà chỉ có một số biển báo sơ sài gây nguy hiểm tính mạng, ông Điểm thừa nhận tiếp thu và sẽ cho làm hàng rào sớm tại khu vực này...
Như Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã phản ánh, thời gian qua xuất hiện một khối lượng lớn bùn thải được hút từ Dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây, chưa qua xử lý khiến dân rất bức xúc.
Qua quan sát, PV nhận thấy khối lượng bùn thải được hút từ dự án lên tập kết tại đây rất lớn, rộng trên diện tích hàng trăm ngàn mét vuông. Có một đường ống lớn và dài từ các máy hút bùn ngoài biển đã đưa bùn đi vào đất liền. Nhà thầu cứ hút bùn thải mà không qua xử lý, tập kết vào các hồ rộng lớn trở thành một vùng đầm lầy bị nhiễm mặn, đen sì.
Được biết, diện tích đất “biến” thành bãi tập kết bùn thải trước đây là của người dân nuôi trồng thủy sản. Xung quanh không có rào chắn, chỉ có một số biển cảnh báo nguy hiểm. Không có bờ bao xung quanh.
Gần đó, rất nhiều cây dương, tràm... bị bùn nhiễm mặn nhấn chìm và dần chết khô. Một số chòi canh thủy sản của người dân cũng bị bùn thải bao vây. Chuồng trại, am miếu thờ tín ngưỡng đang dần dần bị phủ lấp đầy.
Ngoài ra, dự án bơm nước, bùn thải vào gây tình trạng ngập nước đến sát đáy trụ hạ thế gây mất an toàn điện ở Trạm biến áp Kiểm soát Biên Phòng Chân Mây. Trạm này cho hay vào tuần trước, một trạm biến áp gặp sự cố chập điện. Gần 4 ngày không có điện khiến Trạm Biên phòng phải câu điện tạm của đơn vị Hải quan bên cạnh dùng tạm.
Người dân địa phương lo lắng, một khối lượng bùn thải khổng lồ hút từ Dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây được đổ trực tiếp ra bãi đất trống dọc tuyến đường vào cảng Chân Mây sẽ tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
“Mùa mưa sẽ gây ngập úng cục bộ các tuyến đường vào cảng, mùa nắng thì các sinh vật, tảo, chất thải... từ lòng biển hút lên sẽ phân hủy bóc mùi thối nếu không được xử lý triệt để sẽ gây ô nhiễm môi trường. Đợt nắng nóng gần đây, số bùn đất trên đã bốc mùi hôi khiến người dân sống gần đây rất khó chịu”, một người dân bức xúc.
Đại diện Công ty Cổ phần Đạt Phương cho biết, đoàn liên ngành cũng đã đi kiểm tra và làm việc tại thực địa nhiều lần. Quá trình thi công đã có phát sinh một số vấn đề, chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu xử lý, khắc phục...
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục tìm hiểu, thông tin vụ việc.