Vọng tiếng non sông

22/06/2016 00:00

(TN&MT) – Giữa biển Đông – trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc, chuông chùa hàng ngày ngân vang cùng sóng biển mặn mòi. Nơi ấy là điểm tựa tâm linh, bình an, thanh tịnh, mang sự gần gũi của đất liền đến với cán bộ, chiến sỹ và người dân đang làm nhiệm vụ bám biển, giữ vững an ninh, chủ quyền quốc gia.

Bóng Phật nơi đảo xa

Giữa trùng dương mênh mông, những tưởng chỉ có sóng, gió bão giông khắc nghiệt, nhưng không, bất cứ ở đâu, cứ có người dân đất Việt sinh sống, an cư, ở đó, có các đền, chùa, miếu mạo… đó là tín ngưỡng bao đời của người Việt. Từ bao đời nay, trên các đảo của quần đảo Trường Sa, các thế hệ con cháu người Việt được sinh ra, lớn lên, tiếp nối truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha. Chùa lớn ở đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, Trường Sa ngoài là những thiết chế văn hóa mang đậm sắc thái tâm linh truyền thống của người Việt còn khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam, Trường Sa, Hoàng Sa mãi mãi là một phần máu thịt của hình hài Tổ quốc Việt Nam.

Đặc điểm chung của những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa được xây dựng theo phong cách truyền thống, một gian hai chái, hay ba gian hai chái, mái cong có đầu đao, sử dụng nhiều loại gỗ quý chịu được độ mặn của nước biển. Phật điện được trần thiết uy nghi với những pho tượng được chế tác công phu bằng đá quý và gỗ quý. Cửa võng, hoành phi, câu đối đều được sơn son thếp vàng; viết bằng chữ quốc ngữ.

Chùa Trường Sa – điểm tựa tâm linh của chiến sỹ và nhân dân đảo
Chùa Trường Sa – điểm tựa tâm linh của chiến sỹ và nhân dân đảo

Cùng với điện thờ Phật, các ngôi chùa ở Trường Sa đều có các bàn thờ anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Những câu đối ở các chùa trên quần đảo Trường Sa: “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền/ Chùa Phật Trường Sa nay còn đó”; “Mây lành che Đông Hải, một trời cam lộ tưới Trường Sa/ Thắng tích ánh đảo xa, vạn cổ danh lam truyền Song Tử”; “Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam/ Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh”… đã thể hiện chủ quyền thiêng liêng của người Việt. Đối với những người có mặt trên đảo, cũng như với cả dân tộc, biển đảo là một phần đất nước linh thiêng từ nghìn xưa, có Trời, Phật, Thánh, Thần bảo hộ, che chở.

Cột mốc tâm linh - khát vọng hòa bình

“Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian pháp”. Hàng nghìn năm qua, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc. Không kể đến những bậc “quốc sư” như Khuông Việt, Vạn Hạnh hay Phật hoàng Trần Nhân Tông, ngay đến những nhà sư chùa làng qua các thời kỳ lịch sử, cũng đều có những hành động góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tiếp nối tinh thần hộ quốc an dân ấy, các nhà sư âm thầm hành trình Phật pháp trên những vùng biên giới, hải đảo, góp phần trách nhiệm công dân của mình vào việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tại quần đảo Trường Sa, những ngôi chùa ấy, các nhà sư không những góp phần củng cố niềm tin và tình yêu biển đảo quê hương cho đồng bào, chiến sĩ cả nước, mà còn là một trong những chỗ dựa về mặt tinh thần cho chính cán bộ, chiến sỹ và nhân dân lao động và rèn luyện giữ vững chủ quyền đất nước trên quần đảo thân yêu.

Điểm chung của các chùa thuộc quần đảo Trường Sa đều hướng mặt chính diện ra phía biển Đông, đối diện với biển cả, che chắn bão giông để con người được yên bình trước bao nhiêu ẩn họa. Bên cạnh bóng dáng cây đa, bồ đề mang cốt cách chùa Việt Nam, những ngôi chùa ở Trường Sa còn có thêm bóng mát của những cây tra, cây phong ba, cây bàng quả vuông xanh tốt tỏa bóng mát ôm choàng và nở hoa tươi thắm mỗi khi mùa xuân sang. Tiếng chuông chùa Trường Sa điểm những tiếng khoan thai loang ra trên sóng nước và khói hương trầm hòa quyện trong gió biển mặn mòi. Tiếng chuông chùa Trường Sa nghe sao da diết như được gióng lên từ niềm khát vọng hòa bình của người Việt giữa biển Đông…

Vững chãi Trường Sa

Trường Sa không còn là những doi đất nhỏ cô đơn giữa mênh mông biển cả; nơi chỉ có sóng gió, bão giông mà trở nên thân quen, gũi gần như một dải đất liền, như một làng chài của ngư dân ven biển. Bởi ở đó, cuộc sống đang sinh sôi, ngọt ngào cây trái, trong trẻo tiếng cười của trẻ thơ và nét mặt rạng ngời hạnh phúc của những người mẹ, người vợ trẻ… Song, biển cả bao dung nhưng cũng thật vô tình. Sống giữa tứ bề mênh mông trời nước, mưa gió thất thường và những ẩn họa khó lường, lòng người đều hướng niềm tin nơi cửa Phật bao dung, che chở, mong cầu biển yên, sóng lặng, hòa bình… để ra khơi chài lưới, an sinh. Bởi vậy, công dân sống trên đảo đều hướng tâm niệm của mình về những đấng siêu nhiên.

Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền
Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền

Niềm tin ấy, đã thắp sáng một Trường Sa mạnh mẽ, kiêu hùng. Trường Sa hôm nay, hơi ấm của đất liền đã phủ khắp. Mạng lưới thông tin liên lạc giữa đảo và đất liền ngày nay, được cải thiện tốt hơn, hệ thống nghe nhìn, truyền hình bắt được tín hiệu các kênh của Đài truyền hình Việt Nam và một số tỉnh, thành gần đảo đã góp phần phục vụ đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ. Đặc biệt, mạng lưới sóng điện thoại trong điều kiện thời tiết ổn định đảm bảo 100% về hỗ trợ tốt thông tin liên lạc giữa đảo với đất liền. Đài Tiếng nói Việt Nam đầu tư, xây dựng Trạm FM có thể nghe được những chương trình phát sóng trên VOV1 đã trở thành phương tiện tuyên truyền hiệu quả giúp cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân và ngư dân nâng cao nhận thức về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Một trong những công trình không thể không kể đến trên đảo Trường Sa, đó là dự án chiếu sáng và cung cấp năng lượng sạch gồm hệ thống máy phát điện chạy bằng sức gió, hệ thống pin năng lượng mặt trời… đã góp phần khoác lên tấm áo mới và hiện đại cho quần đảo Trường Sa. Trên các đảo, hệ thống năng lượng sạch với những tua-bin gió, bảng pin năng lượng mặt trời không chỉ cung cấp điện sử dụng 24/24 giờ mà còn thừa để tích trữ sử dụng vào những hoạt động khác. Mỗi khi màn đêm buông xuống, khắp các đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa lại lung linh ánh điện.

Để giải cơn “khát” cho các đảo trên quần đảo Trường Sa, hệ thống bồn chứa nước được chú trọng xây dựng, lắp đặt, tích trữ tối đa lượng nước mưa xuống đảo. Một số đảo còn đào được giếng để lấy nước ngầm tự nhiên. Nhờ đó, nguồn nước ngọt trên các đảo dồi dào, đủ cho người dân, bộ đội sử dụng. Ngoài ra, các đảo còn thực hiện việc tiếp tế nước ngọt cho tàu cá của ngư dân. Ở Trường Sa, điều kiện sinh hoạt từ vật chất đến đời sống tinh thần đều được quan tâm đầy đủ.

Nếu như màu xanh của biển trời là màu của tạo hóa dành cho Trường Sa, màu xanh của cây lá là kết quả từ công sức và mồ hôi của cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Bằng sự cố gắng toàn quân, toàn dân, sau hơn 10 năm, các đảo đã trồng được gần 3.400 cây bóng mát, gồm các giống Tra biển, Bàng Thường, Bàng Vuông và 1.400 cây che chắn có tên gọi “cây bão táp”. Nhờ vậy, từ chỗ chỉ toàn cát trắng, nay, độ che phủ bình quân các đảo đạt từ 30 đến 40%, trong đó, đảo cao nhất đạt tỷ lệ 80%. Bên cạnh việc tạo ra cảnh quan môi trường, cây xanh còn có tác dụng làm thay đổi cách nghĩ, cách sinh hoạt và làm cho con người phấn khởi, phấn chấn, càng yêu đảo như chính nhà mình.

Trường Sa hôm nay, ngày càng vững chãi. Những ngọn hải đăng đang được tiếp tục xây dựng sẽ tạo thành một hệ thống dẫn đường cho tàu bè qua lại. Những ngôi làng trên biển đang được mở rộng, hiện đại hóa, tiếng chuông chùa vẫn vang vọng hòa cùng sóng nước biển Đông, trẻ em Trường Sa đang trưởng thành từng ngày trong ước mơ đưa đất nước mạnh giàu từ biển...

Phương Anh

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vọng tiếng non sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO