Vợ liệt sỹ kêu cứu

26/12/2015 00:00

  (TN&MT) - Thương con dâu đức độ nên trước khi mất, mẹ chồng bà Dum đã di chúc để lại toàn bộ đất, tài sản trên đất cho bà. Nhưng thật "trớ trêu", các...

 

(TN&MT) - Hơn một nửa thế kỷ, bà Phạm Thị Dum, thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, TP. Hưng Yên (Hưng Yên) tảo tần phụng dưỡng mẹ chồng là mẹ Việt Nam anh hùng, thờ cúng anh trai chồng (Liệt sỹ trong kháng chiến chống Pháp) và người chồng hy sinh tại chiến trường Miền Nam. Bởi thương con dâu đức độ nên trước khi mất, mẹ chồng bà Dum đã di chúc để lại toàn bộ đất, tài sản trên đất cho bà. Nhưng thật “chớ trêu”, các con của chị gái chồng nay lại kéo về đòi chia đất, khiến bà Dum hoang mang, lo sợ viết đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng.

Từ  việc thay đổi di chúc

Trong ngôi nhà đơn sơ, dưới di ảnh của người thân nghi ngút khói hương, bà Dum kể giọng run run, nghẹn ngào: Năm 1959, khi tròn 20 tuổi, bà lấy ông Nguyễn Văn Chính là út trong gia đình có 4 anh chị em (anh trai cả hy sinh trong kháng chiến chống Pháp). Năm1960, chồng bà nhập ngũ, đến năm 1967 vào chiến đấu trong chiến trường Miền Nam và hy sinh năm 1972. Chồng hy sinh, nhiều người muốn cưới bà làm vợ, gia đình mẹ chồng cũng khuyên bà đi bước nữa. Giạt đi nỗi đau mất chồng, hạnh phúc của bản thân, bà Dum quyết ở vậy chăm lo, nâng giấc mẹ chồng và hương khói, thờ cúng chồng cùng anh trai.

Năm 1994,  mẹ chồng bà Dum là bà Phạm Thị Sen (khi đó 88 tuổi) đã lập Bản di chúc phân chia đất, tài sản cho con dâu và con gái. Theo di chúc, tài sản gồm 5 gian nhà lợp ngói nằm trên diện tích 1.076 m2 đất tại thôn Kim Đằng, xã Lam Sơn, thị xã Hưng Yên (nay là phường Lam Sơn, TP. Hưng Yên). Bà Phạm Thị Dum được thừa hưởng 2 gian nhà lợp ngói hướng Nam, nằm trên diện tích 538 m2 đất. Còn lại, 3 gian nhà lợp ngói hướng Bắc cũng nằm trên 538 m2 đất, bà Sen ở khi còn sống, sau khi chết giao lại cho 2 con gái là Nguyễn Thị Tấn và Nguyền Thị Nhẫn. Bản di chúc được UBND xã Lam Sơn và Phòng Công chứng Nhà nước tỉnh Hải Hưng (nay tách ra: tỉnh Hưng Yên và Hải Dương) chứng nhận.

Đất nhà bà Phạm Thị Dum đang bị các cháu đòi chia theo Di chúc bà ngoại năm 1994
Đất nhà bà Phạm Thị Dum đang bị các cháu đòi chia theo Di chúc bà ngoại năm 1994

Năm 2004, sau khi xét thấy con dâu đã hy sinh gần hết cuộc đời cho gia đình chồng, sống đức độ; không quản gian nan, vất vả chăm sóc mẹ chồng già lúc “trái gió, trở trời”. Hai con gái có cuộc sống đầy đủ, nên bà Sen họp gia đình, gồm: Con dâu, gái, rể và cháu quyết định thay đổi di chúc năm 1994. Bà Sen lập di chúc mới để lại toàn bộ đất, tài sản trên đất cho bà Phạm Thị Dum. Trong di chúc mới ghi rõ: Giao lại toàn bộ đất, tài sản trên đất bao gồm: 3 gian nhà tình nghĩa, 2 gian nhà bếp và công trình phụ, cây trồng… với tổng diện tích đất 1.185,9 m2; thêm cả diện tích ao mà bản di chúc trước trước chưa phân chia cho bà Dum toàn quyền sở hữu.  Bản di chúc mới đã được chứng nhận của UBND phường Lam Sơn, Phòng Công chứng Nhà nước số 1 tỉnh Hưng Yên. Sau khi bà Sen mất (năm 2007), năm 2012, bà Dum được TP. Hưng Yên cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Đến việc đòi chia đất

Tuy nhiên, đến tháng 6/2015, con của hai chị gái chồng (cả hai đã mất) là: ông Phạm Văn Chinh, ông Nguyễn Văn Ba đến đòi chia đất. Sở dĩ có chuyện này là do bà Nguyễn Thị Nhẫn trước khi chết đã viết Giấy ủy quyền cho con Phạm Văn Chinh;  bà Nguyễn Thị Tấn viết Giấy ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Ba với nội dung yêu cầu đòi bà Dum phải thực hiện theo như bản di chúc bà Sen lập năm 1994.

Theo bà Dum, trước đây khi mẹ chồng bà lập di chúc đã họp gia đình, mọi người đều đã nhất trí và đều ký vào biên bản. Di chúc được cơ quan chức năng xác nhận và sau đó, TP. Hưng Yên đã cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.

Vốn là người hiền lành, ít va chạm, cộng thêm những đe dọa của hai người cháu sẽ khởi khiện ra chính quyền, Tòa án; cùng với 4 lần phường Lam Sơn mời ra làm việc đã khiến bà Dum suy sụp, luôn sống trong hoảng hốt, lo sợ.  Hiện cuộc sống người vợ Liệt sỹ này rất khó khăn, chủ yếu sống dựa bán hoa màu từ vườn và để hương khói, cúng giỗ cho mẹ, anh trai, chồng. Do sức khỏe yếu và tinh thần suy sụp, bà Dum đã ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Bình (là em rể) giải quyết vụ việc.

Bà Nguyễn Thị Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Lam Sơn cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phường chỉ xem xét ý kiến 2 gia đình rồi đưa ra  hòa giải để không mất tình nghĩa. Nhưng cả 4 lần đều không thành, hai cháu bà Dum đòi  được chia chiều rộng 10 mét đất mặt đường, chiều dài hết đất. Còn phía gia đình bà Dum cho rằng đất của bà Sen để lại cho con dâu, trong Di chúc sau là hợp cả về “lý và tình”. Phường không thể đứng ra quyết định được đúng – sai, nên đã hướng gia đình gửi đơn lên Tòa án TP.Hưng Yên.  Chính quyền phường Lam Sơn cũng đang chờ Tòa phân xử, để xác định hiện trạng đất để bà Dum sang tên cho con nuôi.

Trong khuôn khổ bài viết, Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường mong muốn cơ quan có thẩm quyền, nhanh chóng thụ lý và giải quyết vụ việc để cuộc sống của người vợ liệt sỹ không phải chịu áp lực về tinh thần, sống trong hoang mang, lo sợ…

Bài & ảnh: Kiên Cường

 

 

 

 

 

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vợ liệt sỹ kêu cứu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO