Vĩnh Phúc triển khai thi hành Luật Đất đai 2013

10/11/2015 00:00

(TN&MT) - Ngay sau khi Luật Đất đai 2013 cùng như các văn bản quy phạm Pháp luật dưới Luật ra đời và chính thức có hiệu lực, cùng với hàng loạt giải pháp đẩy mạnh công tác thi hành, Vĩnh Phúc cũng xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến luật từ, đặc biệt là công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của tỉnh một cách bài bản và chi tiết nhằm giúp Chính quyền cơ sở thuận tiện trong việc thực thi pháp luật.

Hiệu quả từ việc ban hành đầy đủ các văn bản

Theo báo cáo của Sở TN&MT Vĩnh Phúc, để triển khai thi hành Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT đã tham mưu cho HĐND và UBND tỉnh ban hành 11 văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền của tỉnh. Những vấn đề thường gặp rắc rối từ việc thiếu cơ sở pháp lý khi địa phương chậm ban hành như: Bảng giá đất 5 năm 2015 – 2019 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Một số điều về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Đơn giá thuê đất, thuê mặt nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Giải quyết đất dịch vụ hoặc đất ở theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh… đều được giải quyết một cách thông suốt ở cấp cơ sở vì đã có hướng dẫn kịp thời.

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc cũng đã ban hành Quy định về giao đất xây dựng nhà ở không qua đấu giá quyền sử dụng đất, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận diện tích đất ở và diện tích chia, tách thửa đất ở tối thiểu; hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh cùng hàng loạt quy định khác một cách khá đầy đủ và chi tiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các huyện, thị xã trong quá trình triển khai thi hành Luật Đất đai 2013.

Một góc TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc
Một góc TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc

Đặc biệt, để tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật Đất đai, Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã tham mưu UBND tỉnh tập trung chủ yếu 05 nội dung chính để triển khai gồm: Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được Sở chỉ đạo thực hiện thường xuyên theo kế hoạch hàng năm đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng và kịp thời. Riêng công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được Sở tổ chức định giá đến từng thửa đất đối với tất cả các dự án. Ngoài ra, trong công tác đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Công tác xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai và hệ thống hồ sơ địa chính đất đai; Công tác xây dựng bảng giá đất… đều được  chú trọng.

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó Trưởng phòng Pháp chế, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Ngay sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, và Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị, Bộ trưởng Bộ TN&MT có hướng dẫn về việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2013, Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch về Triển khai thi hành Luật Đất đai. “Đặc biệt, Vĩnh Phúc nhận được sự quan tâm của Bộ TN&MT mà trực tiếp là Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển (khi ấy) cùng lãnh đạo Tổng cục Quản lý Đất đai về tập huấn kiến thức Luật Đất đai 2013 cho đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở nên việc triển khai Luật trên địa bàn tỉnh diễn ra khá thuận lợi” - Bà Nguyễn Thị Thanh Nga cho hay.

Còn nhiều khó khăn và kiến nghị

Bên cạnh những thuận lợi thì trong quá trình tổ chức triển khai, thi hành Luật Đất đai năm 2013, đại diện Sở TN&MT Vĩnh Phúc cũng cho biết,  hiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đã bộ lộ một số hạn chế bất cập nhất định, gây khó khăn, lúng túng trong công tác thi hành Luật trên địa bàn. Cụ thể: về điều kiện giao đất, tại Khoản 3 Điều 58 quy định về điều kiện của người được Nhà nước giao đất phải có 03 điều kiện, tuy nhiên chưa có Nghị định hướng dẫn cụ thể về ký quỹ thực hiện dự án do vậy địa phương khó triển khai thực hiện.

Ngoài ra, một số vấn đề như: Về chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê; Công tác thu hồi, đính chính, chỉnh lý Giấy chứng nhận; hoặc việc xử lý trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền và đặc biệt trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… đã gặp nhiều khó khăn vướng mắc.

Để giải quyết những khó khăn vướng mắc này, Sở TN&MT Vĩnh Phúc kiến nghị: Đối với Chính phủ, cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn ký quỹ đầu tư đối với các dự án có sử dụng đất; Cần sửa đổi Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 Về quản lý, sử dụng đất trồng lúa đảm bảo sát với đặc điểm tình hình từng địa phương và cần giao cho các bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những quy định để giải quyết các tồn tại, vướng mắc hoặc thiếu sót.

Với các bộ, ngành, Vĩnh Phúc đề nghị Bộ TN&MT - Bộ Tư pháp sửa đổi Thông tư số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 Thông tư liên tịch Bộ Tư pháp - Bộ TN&MT Hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất cho phù hợp với Điều 167 Luật Đất đai; Đề nghị Bộ Tài chính - Bộ TN&MT sớm ban hành “Quy trình và thời gian luân chuyển hồ sơ giữa cơ quan tài nguyên và môi trường, cơ quan thuế, cơ quan tài chính trong việc xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất”.

“Ngoài ra chúng tôi cũng kiến nghị Bộ TN&MT - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, và cơ chế hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai. Có như vậy, các đơn vị chức năng của ngành TN&MT Vĩnh Phúc nói riêng và chính quyền cơ sở từ cấp huyện đến cấp xã, phường mới có những cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn nữa để triển khai Luật Đất đai tốt hơn trong thời gian tới” - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc, ông Chu Quốc Hải kiến nghị.

Bài và ảnh: Việt Hùng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Phúc triển khai thi hành Luật Đất đai 2013
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO