Viết trên triền sóng

20/06/2014 00:00

(TN&MT) - Ngay khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam, cánh phóng viên miền Trung ngay lập tức lên đường...

(TN&MT) -Ngay khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam, cánh phóng viên miền Trung ngay lập tức lên đường tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường nhằm kịp thời phản ánh những thông tin mới nhất tới độc giả trong đất liền, đặc biệt là cộng đồng  Việt kiều và bạn bè quốc tế.
   
   
  1. Biển khơi và ngư dân là đề tài đặc biệt hấp dẫn với cánh phóng viên miền Trung. Những nhà báo như: Lê Hải Sơn (VOV), Đinh Nam Cường (Báo Tiền Phòng), Nguyễn Đình Thiên (Báo NTNN)… là những “ông trùm” bám biển của ngư dân miền Trung.
   
  Tháng 5 đổ lửa, nắng rực dọc dài miền duyên hải nơi Hoàng Sa trùng trùng sóng dữ, vùng trời “không bình yên” ấy ngày đêm vẫn có các anh - những phóng viên bám biển để truyền tải những thông tin nóng hổi nhất từ “tọa độ nóng” Hoàng Sa.
   
  Sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép, nhà báo Đinh Nam Cường vẫn không quên được cái giây phút nhận tin ra khơi. Với anh, tác nghiệp tại biển Đông, trong hoàn cảnh điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt và ẩn chứa nhiều rủi ro là một dấu ấn khó phai mờ trong đời làm báo. “Đối với tôi, Hoàng Sa và Trường Sa mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Vì vậy, khi được cử đi tác nghiệp tại Hoàng Sa, tôi nghĩ đó là một cơ hội hiếm có. Đây là địa danh mà không phải ai cũng có cơ hội và điều kiện để đến. Vì thế khi tới đây, chúng tôi luôn cố gắng để phản ánh chân thực tình hình đang diễn ra, gửi tới độc giả mọi miền Tổ quốc cũng như kiều bào” - Cường tâm sự.
   
  Trên những thân tàu ngư dân, anh lênh đênh giữa biển trời gần chục ngày. “Điều đầu tiên đập vào mắt tôi đó là rất nhiều tàu Trung Quốc được xếp hình rẻ quạt xung quanh vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981. Khi về đêm, thông qua màn hình radar, chúng tôi có thể dễ dàng quan sát thấy số lượng áp đảo của các tàu Trung Quốc tại đây. Hàng ngày, chúng tôi cũng được đi theo các tàu cảnh sát biển tiến gần đến khu vực giàn khoan để thực hiện công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Việt Nam bằng ba thứ tiếng Việt - Trung - Anh. Tuy nhiên, như các bạn đã được biết thông tin qua các báo đài trong thời gian qua, trong khi Việt Nam thực hiện biện pháp hòa bình, thì Trung Quốc lại có nhiều hành động gây hấn như rượt đuổi, phun vòi rồng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam” - anh kể.
   
  Đó chính là những ấn tượng đầu tiên mà những phóng viên tác nghiệp nơi đầu sóng như Cường ghi nhận được khi đặt chân tới Hoàng Sa. “Mặc dù tôi cũng là một trong số những người có kinh nghiệp tác nghiệp tại nhiều vùng biển khác nhau trên cả nước, nhưng khi đến với Hoàng Sa thì điều kiện ở đây lại hoàn toàn khác. Sóng ở đây rất lớn, thường ở cấp 5 - 6. Trong khi chúng tôi ở trên một tàu nhỏ nên từ việc sinh hoạt hằng ngày đến chuyện tác nghiệp đều khá khó khăn” - Cường nói.
   
Nhà báo Đinh Nam Cường (Báo Tiền Phong) tác nghiệp tại Hoàng Sa
   
  2. Với Đình Thiên - Phóng viên của Báo NTNT, kỷ niệm ra khơi cùng ngư dân dường như đã bám chặt với anh như hình với bóng. 10 ngày cùng con tàu dịch vụ hậu cần nghề cá nổi tiếng của Lê Văn Sang (con trai Lê Văn Mến, Đà Nẵng) rong ruổi trên biển Hoàng Sa càng hiểu rõ hơn cuộc sống trên đất liền và biển cả đối nghịch nhau như thế nào. Cũng phải nói rằng, không dễ ai cũng được ngư dân cho đi cùng tàu ra biển, nhưng Sang biết Thiên ở Báo Nông thôn ngày nay nên anh đã ưu tiên. Đợt đó, để ghi lại được hình ảnh ngư dân đánh bắt, buôn bán, sinh hoạt trên biển Hoàng Sa, nhiều lần Đình Thiên phải nhờ ngư dân buộc mình thật chặt vào cột cờ ở mũi tàu bởi hai chân không thể đứng vững vào những ngày sóng lớn.
   
  Chuyến đi đó, dù trên bờ đã được nghe ngư dân kể nhiều về việc tàu hải giám Trung Quốc hay quấy nhiễu, rượt đuổi ngư dân mình. Nhưng thú thật, cảm giác chính mình bị rượt đuổi trên biển Hoàng Sa mới tức tối, ấm ức ghê gớm. Đến lúc này, cái cảm giác tiếc nuối không thể dùng máy ảnh ghi rõ hành vi của tàu hải giám trên vùng biển của cha ông mình vẫn hiện rõ trong Thiên... “Rồi những lần ra cầu cảng đón ngư dân bị nạn trên biển vào bờ cấp cứu. chứng kiến những câu chuyện ngư dân sống chết với biển hay lắng nghe nỗi niềm của bà con ngư dân, khiến tôi thêm thương yêu những con người miền biển - Đình Thiên chia sẻ.
   
  3. Vừa trở về từ vùng biển Hoàng Sa nơi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, nhà báo Lê Hải Sơn (công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam) như vừa trải qua cuộc chiến sinh tử. Lắc lư lên bờ như khi còn chân bám chân trụ nơi mạn tàu, anh kể: “Vào đầu tháng 5/2014, tôi là một trong những phóng viên đầu tiên được giao nhiệm vụ ra vùng biển Hoàng Sa tác nghiệp sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép. Chúng tôi được đi cùng tàu Kiểm ngư HP-926. Vào hồi 8 giờ 30 phút sáng,  ngày 12/5 phát hiện thấy tàu Trung Quốc có hành vi hung hăng định đâm va tàu của mình, tôi cởi trần, mặc áo phao quyết tâm cơ động ra ngoài để ghi lại những hình ảnh sai trái của tàu Trung Quốc thì bất ngờ bị nhiều tàu khác từ phía sau dùng vòi rồng, súng phun nước uy hiếp tàu HP - 926. Vòi rồng của tàu dịch vụ Trung Quốc và súng bắn nước của tàu hải cảnh 2410 ồ ạt phun, bắn nước dữ dội cùng với hai tàu hải giám khác uy hiếp khiến tàu HP - 926 bị hỏng toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc, điều hoà nhiệt độ, vỡ kính cường lực ở khoang tàu. Vì thế, nước ồ ạt bắn vào mặt sàn tàu, ngập 20cm, gây hư hỏng nhiều thiết bị, vật dụng trên tàu”.
   
  Với nhiệt huyết và tình yêu của mình, không gì có thể khuất phục được các anh - những cây bút tiên phong trong sứ mệnh thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền dân tộc. “Khó khăn nhất với chúng tôi là việc gửi tin bài về đất liền. Chúng tôi phải sử dụng điện thoại vệ tinh hoặc thông qua một tàu khác để chuyển tin về. Ngoài ra, vấn đề sinh hoạt trên tàu cũng rất vất vả, đặc biệt là thiếu nước. Khi chúng tôi lên tàu thì nhận được thông báo, tàu chuẩn bị hết nước và 3 ngày tắm một lần. Trong hoàn cảnh tác nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng tất cả các phóng viên có mặt trên tàu đều hăng say, ra đuôi tàu để quay phim, chụp ảnh và dẫn hiện trường. Điều chúng tôi nghĩ đến nhiều nhất vào lúc đó là phải ghi được những hình ảnh thực tế, chân thực nhất để gửi tới độc giả” - anh Sơn kể.
   
  Với nhà báo Hải Sơn, việc chấp nhận rủi ro, sẵn sàng đương đầu với nguy hiểm là điều cần thiết đối với một phóng viên, đặc biệt là khi tác nghiệp tại những điểm nóng. “Có một điều khiến tôi hơi tiếc nuối đó là việc đưa thông tin nhanh chóng không được đảm bảo do điều kiện tác nghiệp tại thực tế rất đặc thù, cộng với phương tiện trang bị tác nghiệp bị hạn chế. Bản thân tôi cho rằng đây là một chuyến hành trình đặc biệt. Trong đời làm báo, có lẽ tôi sẽ không có nhiều cơ hội để đến tác nghiệp tại Hoàng Sa như vậy. Quan trọng nhất chính là cảm giác tự hào vì mình nằm trong số ít những người có điều kiện nói lên tiếng nói đấu tranh cho chủ quyền của Tổ quốc ngay tại thực địa Hoàng Sa. Điều này sẽ rất khó phai mờ” - anh tâm sự.
   
  Ra khơi cùng những thân tàu mang hình Tổ quốc, dù biết gian nan, hiểm nguy luôn rình rập, nhưng những phóng viên không bao giờ bỏ cuộc.
   
XUÂN LAM -  ANH DŨNG
  
Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viết trên triền sóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO