Viết tiếp bài: “Cần làm rõ những khuất tất trong dự án kè đê sông Bưởi”: Nhiều vết nứt kéo dài trên mặt đê

27/11/2014 00:00

(TN&MT) - Ông Đỗ Minh Quý, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành cho biết: Việc nứt dọc đường và sụt lún chân đê kéo dài 2,1 km là có thật.

   
(TN&MT) - Báo Tài nguyên & Môi trường online  ra ngày 15/11/2014 có bài “Cần làm rõ những khuất tất trong dự án kè đê sông Bưởi” nội dung bài báo nêu rõ: Công trình phân lũ, chậm lũ và nâng cấp cơ sở hạ tầng “sống chung với lũ” huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa được khởi công từ năm 2011, đến nay qua 4 năm thi công, nhiều công trình trọng yếu vẫn còn dang dở, tiến độ “rùa” và điều đáng nói là tính mạng của hàng nghìn người dân luôn thường trực bị đe dọa vì chất lượng của một công trình trọng yếu nhưng chưa hoàn thiện xong đã “lộ mặt” xuống cấp. Không những thế hiện nay trên mặt đê xuất hiện nhiều vết nứt dài khoảng 2,1 km.
   
           
  Công trình Phân lũ, chậm lũ và nâng cấp cơ sở hạ tầng “sống chung với lũ” huyện Thạch Thành được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 1455/QĐ – UBND ngày 04/05/2010 với mức đầu tư cho công trình là 549.972 triệu đồng do UBND huyện Thạch Thành làm chủ đầu tư. Đến ngày 21/10/2011 UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tại Quyết định số 3478/QĐ – UBND lên 629.846 triệu đồng.
   
   
  Tính đến thời điểm điều chỉnh mức đầu tư, công trình cấp thiết này trên địa bàn huyện Thạch Thành giá trị thực hiện ước đạt 60% khối lượng. Lúc bấy giờ mới chỉ thi công hoàn thành tuyến đê bao Thạch Định, còn tuyến đê tả và hữu sông Bưởi đang triển khai thi công. Sau khi được “quan tâm” điều chỉnh mức đầu tư thêm 79.874 triệu đồng, ngỡ tưởng với 40% khối lượng công trình còn lại thì chỉ sau một thời gian ngắn dự án sẽ sớm được hoàn thành và đưa vào sử dụng, song bước sang năm thứ 4 thi công nhiều công trình trọng yếu vẫn còn dang dở, đặc biệt chất lượng công trình đã có những biểu hiện xuống cấp. Niềm vui của nhân dân về một dự án khẩn thiết mang tính chiến lược “ngắn chẳng tày gang” thì nỗi lo cũng ngày một lớn với chất lượng của công trình này.
           
  Từ Quốc lộ 45 thôn Phú Thành, xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành dọc mặt đê sông Bưởi không xa, bằng mắt thường dễ dàng quan sát thấy những vết nứt chằng chịt, bủa vây mặt đê và chạy dài vài chục mét, thậm chí cả trăm mét. Trên mặt đê nhiều vị trí sụt lún, bê tông cứng hóa bị vỡ vụn, nhiều vết nứt rộng trên 1 cm và sụt lún giữa hai vết nứt chênh nhau khá nhiều.
   
Trạm bơm Mã Nứa hoen gỉ sau nhiều năm bỏ hoang
    
   
  Một người dân ở thôn Phú Sơn, xã Thành Kim không giấu nổi lo lắng cho biết: Từ khi có dự án của Nhà nước về triển khai bà con vô cùng phấn khởi và an tâm. Thế nhưng, từ lúc khởi công năm 2010 đến năm 2011 thì công trình bắt đầu thưa người và vắng hẳn, cả năm trời có khi chỉ làm được vài ngày lại thôi. Riêng các vết nứt toang hoác và sụt lún trên mặt đê thì đã xuất hiện mấy năm rồi nhưng chưa thấy đơn vị nào kiểm tra và xử lý sự cố. Cùng với đó, nhiều trạm bơm, nhà quản lý, nhà điều hành đang xây dựng dang dở bị bỏ hoang nhiều năm trở thành chỗ trú ngụ cho trâu bò thả đồng, thậm chí biến thành nơi chứa rác thải. Trạm bơm Mã Nứa (người dân thường gọi là cống Mã Nứa) bị rỉ sét, hoen ố sau nhiều năm bị lãng quên, nhìn công trình tiền tỷ hoang hóa, chưa thể đưa vào sử dụng khiến người dân không khỏi xót xa, ngậm ngùi.
           
  Trở lại với điểm kè đê thuộc thôn 3 Ngọc Bồ, xã Thành Kim, nơi có đến hơn 400 nhân khẩu ngoại đê luôn bị đe dọa trực tiếp đến cuộc sống và tính mạng mỗi mùa mưa bão đến gần luôn mong ngóng từng ngày, từng giờ công trình hoàn thiện, cứng hóa mặt đê để không khỏi thấp thỏm khi sông Bưởi nổi song. Một năm ba lần chạy lụt, cống thôn 3 hai lần dòng nước cuốn trôi, toàn thôn bị cô lập, nỗi khổ, tiếng khẩn cầu của nhân dân đâu có thấu?.
           
  Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Đỗ Minh Quý, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành cho biết: Ngay sau trận lũ lịch sử năm 2007, huyện đã được Nhà nước đầu tư dự án Công trình phân lũ, chậm lũ và nâng cấp cơ sở hạ tầng “sống chung với lũ”. Đây là công trình đê nên khác với các loại công trình khác nếu làm không đảm bảo sẽ dẫn đến vỡ đê. Ngay sau khi nhận được thông tin, Huyện ủy đã giao cho UBND huyện kiểm tra toàn bộ công trình. Trong quá trình thi công có một số nhà dân ở Thị trấn Kim Tân bị rạn nứt, huyện cũng đã bỏ tiền ngân sách ra để đền cho bà con. Còn việc nứt dọc đường và sụt lún chân đê kéo dài 2,1 km là có thật. Đến tháng 12 này huyện chỉ đạo nhà thầu khắc phục, sửa chữa lại những đoạn hư hỏng.
   
Nhà quản lý, điều hành trở thành nơi trú ngụ của trâu bò và rác
    
   
  Trong Bản cam kết giữa Chủ đầu tư là UBND huyện Thạch Thành và đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc ngày 28/08/2014 có ghi rõ: Hiện nay, hạng mục công trình Nâng cấp tuyến đê tả sông Bưởi (giai đoạn 1 và giai đoạn 2 huyện Thạch Thành còn một số hạng mục chưa thi công hoàn thành gồm: Kè Ngọc Bồ khối lượng chưa thi công ước đạt 50%; Chưa hoàn trả 7 tuyến đường thi công với tổng chiều dài 6,2 km; Các mặt đê bị hư hỏng, đường lên xuống các đoạn tường chắn đoạn K2 – K3; Trạm bơm Tùng Bò, Mã Nứa, Đồng Xác các hạng mục chưa thi công như lắp đặt thiết bị, nhà quản lý, trạm bơm, bể tiêu năng…
   
  Nhiều người dân vùng lũ Thạch Thành đặt ra câu hỏi: Với công trình hàng trăm tỷ đồng không hiểu sao mới làm mà đã hư hỏng, không biết khi hoàn thành đưa vào sử dụng gặp phải những trận lũ như năm 2007 thì sẽ ra sao?. Phải chăng có sự khuất tất gì ở công trình trọng yếu này? Hay sự xuống cấp nhanh chóng của công trình này phải chăng đã có sự “rút ruột”?. Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa nhanh chóng vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể có liên quan đến những khuất tất trên.
   
Bài & ảnh: Nguyễn Dũng- Anh Tú
   
   
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viết tiếp bài: “Cần làm rõ những khuất tất trong dự án kè đê sông Bưởi”: Nhiều vết nứt kéo dài trên mặt đê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO