Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, chiều 8/11, Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long đã phát biểu làm rõ, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu làm rõ, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp ngày 8/11 |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai chiến lược vaccine rất hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực từ mua nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất trong nước, tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận đơn hàng hợp đồng lên tới gần 200 triệu liều, tiếp nhận khoảng 125 triệu liều. Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ đưa vaccine về nước trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí. Chiến dịch tiêm chủng vaccine đang được triển khai rất thành công.
Theo người đứng đầu ngành Y tế, tính đến ngày 7/11, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều và hơn 40% số người 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi. Số lượng vaccine hiện tại đã đảm bảo đủ liều vào cuối năm nay, đồng thời, triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba vào cuối năm nay và đầu năm sau.
“Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và là một trong nhóm ba nước có tốc độ tiêm nhanh nhất. Ngoài ra, chúng ta đang thúc đẩy việc nghiên cứu chuyển giao sản xuất vaccine trong nước với hai vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 3, một vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 2, cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên thế giới, để từng bước chủ động nguồn vaccine trong nước.” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.
Làm rõ về những nội dung về y tế cơ sở và y tế dự phòng mà các đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, y tế cơ sở, y tế dự phòng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nghị quyết 20 của Trung ương đã xác định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng. Chính phủ đã ban hành Quyết định 2348 ngày 5/12/2016 xây dựng y tế cơ sở trong tình hình mới. Các đề án 47 và 930 đã đầu tư cho tuyến huyện trước năm 2011. Hiện nay, đã và đang huy động một số dự án ODA đầu tư cho trạm y tế tuyến xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cơ sở.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hệ thống y tế cơ sở y tế dự phòng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng được năng lực phòng chống dịch, nhất là khi xảy ra tình huống đại dịch. Do vậy, thời gian tới, Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở. Tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở.
Đối với việc tổ chức thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả đối với COVID-19. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm trong nước và quốc tế, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 và ban hành Quyết định 4800 để tổ chức triển khai thực hiện. Chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đối với COVID-19. Việc triển khai này nhằm mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân, tạo điều kiện thuận lợi, phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
“Đến nay, việc triển khai đã được thực hiện cơ bản đồng bộ, các địa phương đã không còn tình trạng phong tỏa trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân nhưng vẫn đảm bảo được phòng, chống dịch hiệu quả. Bộ Y tế hiện cũng đang hoàn thiện chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Với những ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước đã chia sẻ, đóng góp, trao đổi các ý kiến đầy tâm huyết, trách nhiệm cho ngành Y tế. Người đứng đầu ngành Y tế tiếp thu đầy đủ, từ đó, xây dựng, bổ sung, điều chỉnh các chính sách chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, cảm ơn nhân dân cả nước đã cùng chung tay, chung sức, góp phần quan trọng trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19.