Việt Nam gia nhập TPP: Doanh nghiệp Việt yếu công nghệ - thiếu tự tin

21/05/2015 00:00

(TN&MT) - Việt Nam sắp trở thành thành viên chính thức của Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương. Điều lo ngại là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn sử...

(TN&MT) - Việt Nam sắp trở thành thành viên chính thức của Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều lo ngại mà theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi cánh cửa hội nhập đang rộng mở chính là vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu trong sản xuất. 
 
Theo khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ với 100 doanh nghiệp nội địa tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 75% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% là máy móc phải tân trang lại. Trong khi đó, số DN sử dụng công nghệ hiện đại chỉ chiếm một con số vô cùng khiêm tốn gần 10%. Mức đầu tư cho đổi mới thiết bị công nghệ của DN trong nước chỉ chiếm 3% doanh thu cả năm, đa số các DN sử dụng công nghệ của những năm 80 của thế kỷ trước.
 
Trình độ trang thiết bị máy móc lạc hậu, công nghệ chậm được đổi mới đang là cản trở đối với quá trình phát triển và hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đã hạn chế rất nhiều tới việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất. Và do đó, nhiều sản phẩm trong nước có giá thành cao hơn sản phẩm ngoại nhập từ 20 - 40%. Ví dụ điển hình như trong lĩnh vực nông sản của Việt Nam hiện đang rất thiếu cơ sở hạ tầng, máy móc công nghệ để bảo quản được chất lượng hàng nông sản sau thu hoạch. Đó cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng nông sản bị ế thừa, người nông dân được mùa rớt giá lâu nay. Mặc dù nhiều năm qua, Việt Nam luôn đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu nông sản, song tổn thất nông sản sau thu hoạch của nước ta vẫn rất cao ở mức 20 – 25%. Hay trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện các sản phẩm thịt ngoại cũng đang ồ ạt lấn sân cạnh tranh với DN chăn nuôi trong nước cả về giá cả và số lượng. Nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết, đặc biệt là Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), các sản phẩm ngành chăn nuôi như thịt bò, thị lợn sẽ không thể cạnh tranh được với các đối thủ về giá. Một trong những nguyên nhân khiến các sản phẩm chăn nuôi trong nước thua thiệt hơn sản phẩm ngoại nhập cả về giá và chất lượng, chính là công nghệ sản xuất còn lạc hậu. Chỉ so sánh với các nước khu vực Đông Nam Á, các sản phẩm chăn nuôi của nước ta đã không theo kịp về hệ thống công nghiệp, sản xuất có quy mô, tập trung, nên càng không thể so sánh với sản phẩm từ những quốc gia có nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ trên thế giới.
 
 Ngành sản xuất thép với truyền thống trên 20 năm vẫn dùng công nghệ cũ
Ngành sản xuất thép với truyền thống trên 20 năm vẫn dùng công nghệ cũ
Giới chuyên gia kinh tế đang lo ngại đặt câu hỏi: Trong bối cảnh các DN Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong và ngoài nước, tại sao DN nội địa lại chưa thực sự quan tâm tới việc đổi mới công nghệ và ít đặt hàng với các nhà khoa học trong nước để tìm ra những giải pháp tiết kiệm nhất cho sản xuất, nghiên cứu sản phẩm mới và thay thế các máy móc ngoại nhập?
 
Thạc sĩ Phạm Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam - Bộ KHCN chia sẻ, đổi mới công nghệ đòi hỏi nguồn vốn rất lớn trong khi phần lớn DN nội địa có quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính có hạn. Việc tiếp cận các nguồn vốn trung và dài hạn rất khó khăn nên họ không dám “mơ” đến đổi mới công nghệ. Cũng theo ông Minh, thị trường công nghệ Việt Nam còn nhiều bất cập, 70% DN trong nước cho rằng luật lệ mua bán công nghệ trong nước không rõ ràng; 57,7% DN cho rằng công nghệ trong nước không đảm bảo, chi phí chuyển giao lại cao… Do đó, bài toán công nghệ cũng đang là vấn đề thách thức đối với DN Việt Nam.
 
Giới chuyên gia kinh tế cũng nhiều lần khẳng định về tầm quan trọng của việc đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ đối với DN trong sản xuất, kinh doanh. Bởi trong thời kỳ nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, nếu vẫn còn thói quen sử dụng công nghệ lạc hậu, các DN trong nước sẽ tụt hậu. Tại Ngày hội khởi nghiệp và công nghệ Việt Nam 2015, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhấn mạnh: Khi chúng ta trở thành thành viên chính thức của TPP và nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương khác, có nghĩa Việt Nam đã hòa nhập với nền kinh tế thế giới. Nếu như DN Việt Nam không đổi mới công nghệ để cạnh tranh, chắc chắc sẽ đứng trước bờ vực nguy hiểm bởi lúc đó không còn hàng rào thuế quan, chúng ta phải cạnh tranh tự do, sòng phẳng với DN, các nước trong khu vực và trên thế giới.
 
Bài và ảnh: Minh Anh
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam gia nhập TPP: Doanh nghiệp Việt yếu công nghệ - thiếu tự tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO