Việt Nam đang vượt lên trong cuộc “đua xanh”

Tống Minh| 17/09/2019 09:52

(TN&MT) - Mười năm tới (2020 - 2030) là thời điểm “nước rút” để Việt Nam hoàn thành Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, cần coi sự phát triển bền vững là trọng tâm, nội dung xuyên suốt trong Chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; cần tập trung mọi ý chí, nguồn lực vào việc thực hiện phát triển bền vững.

Nỗ lực thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ

Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và đạt được nhiều kết quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng luôn thể hiện cam kết mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu theo Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững với 115 chỉ tiêu và lồng ghép vào tất cả các chủ trương, chính sách, kế hoạch hành động.

Việc thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt những chính sách đó đã thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam xếp hạng 54/162 quốc gia lọt vào top 30% quốc gia dẫn đầu về phát triển bền vững và chỉ thua Thái Lan trong ASEAN. Như vậy, so với các nước có cùng trình độ phát triển, Việt Nam đang vượt lên trong cuộc “đua xanh”.

Hệ thống điện mặt trời áp mái tại Hà Nội
Hệ thống điện mặt trời áp mái tại Hà Nội.

Tuy vậy, theo phân tích của các nhà quản lý và chuyên gia, mô hình phát triển kinh tế truyền thống hiện nay (hay còn gọi là kinh tế tuyến tính) cũng tạo ra nhiều bất cập, nhất là tình trạng gia tăng chất thải, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Mặc dù, chỉ là một quốc gia nhỏ xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số, nhưng Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với 1,83 triệu tấn/năm. Ngân hàng Thế giới tính toán, chỉ riêng ô nhiễm không khí đã khiến Việt Nam mất đi 5,18% GDP của năm 2013. Ô nhiễm nước cũng có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP. Cùng với đó, tình trạng suy giảm tài nguyên, tiêu thụ năng lượng tăng nhanh, ô nhiễm và suy thoái đất, đặc biệt là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế của Việt Nam.

Chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là tất yếu

Theo đề nghị từ các chuyên gia, để thực hiện được mục tiêu “phát triển nhanh, bền vững” trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết thì hướng tiếp cận chuyển đổi mô hình từ “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn” cần được xem là một ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo của phát triển đất nước”.

Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống kinh tế có tính tái tạo và khôi phục, thông qua việc thay đổi cách mà hàng hóa, dịch vụ được thiết kế, sản xuất và tiêu dùng. Từ đó, kéo dài tuổi thọ của vật chất, chuyển chất thải từ điểm cuối của hệ thống trở lại điểm đầu, giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường.

Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường mà còn ứng phó với biến đổi khí hậu. Kinh tế tuần hoàn là một cách thức chuyển đổi phù hợp trong bối cảnh thực hiện các Mục tiêu của phát triển bền vững (SDGs) và ứng phó với biến đổi khí hậu. Kinh tế tuần hoàn gắn liền và hỗ trợ cho việc thực hiện 10/17 mục tiêu của phát triển biền vững.

Đây chính là con đường hướng đến nền kinh tế các bon thấp, đặc biệt trong các ngành công nghiệp nặng. Tính toán của EU cho thấy, kinh tế tuần hoàn thông qua việc đo lường, kiểm soát các hoạt động từ phía nhu cầu có thể giúp giảm hơn một nửa lượng khí thải phát ra từ các ngành công nghiệp. Đặc biệt, thực hiện kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích rất lớn cho nền kinh tế. Theo ước tính thực tế tại Châu Âu, Kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích 600 tỷ Euro mỗi năm, 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính.

“Đối với Việt Nam, lựa chọn cách tiếp cận chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn cần được xem là một tất yếu phải thực hiện nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới”, các chuyên gia khuyến nghị.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI - Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, Chủ tịch Ủy ban Đối tác công tư, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, cần đưa chủ trường thúc đẩy kinh tế toàn hoàn vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đề nghị Quốc hội ban hành “Luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn”. Quốc hội và Chính phủ có chính sách để khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp”.

Sẽ có Nghị quyết về Phát triển bền vững

Định hướng quá trình phát triển trong thập niên (2020 - 2030), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thống nhất nhận thức và hành động giữa các cấp, ngành và toàn xã hội trong việc thực hiện phát triển bền vững, vì đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Tập trung mọi ý chí, nguồn lực vào việc thực hiện phát triển bền vững, trong đó, con người là trung tâm.

Thủ tướng cho rằng, đã có quá nhiều chiến lược phát triển với nhiều mục tiêu khác nhau trong cùng một thời kỳ nên kết quả thực hiện còn kém, dàn trải nguồn lực. "Đề nghị các Bộ, ngành địa phương nghiên cứu và đưa ra Chương trình Nghị sự giai đoạn 2021 - 2030 với các nhiệm vụ cụ thể", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, cần tăng tốc quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giảm ô nhiễm, giảm đói nghèo và hành động cùng toàn cầu đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cải thiện nguồn nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, cả về trí lực, nhân lực, phát triển con người. Tăng cường hiệu suất, hiệu quả làm việc, hoàn thiện khung pháp lý. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách cho các mô hình kinh tế tuần hoàn, tiến tới việc giảm phát thải; cần các chính sách mạnh để khuyến khích, tái sản xuất, tái sử dụng, có lợi ích và hiệu quả cao.

Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về Phát triển bền vững vào tháng 10/2019. Các Bộ, ngành căn cứ chương trình hành động quốc gia và lộ trình thực hiện các SDGs, xây dựng và ban hành các chỉ tiêu kế hoạch hành động cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực. Những tiêu chí này phải mang tính định lượng, đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác, có biện pháp theo dõi, đánh giá, giám sát.

Thủ tướng biểu dương các biện pháp quyết liệt của nhiều địa phương. Cụ thể: TP. Hà Nội với Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 - 2018 và trồng thêm 600.000 cây xanh nữa đến năm 2020, giao chỉ tiêu trồng cây xanh tới từng quận, huyện của thành phố. Tỉnh Quảng Ninh thực hiện chấm dứt sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần ở vịnh Hạ Long. Ở Cù Lao Chàm, Hội An, tỉnh Quảng Nam, đã 10 năm không sử dụng túi ni lông. Thủ tướng cũng đánh giá cao sáng kiến lập Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam, Chuỗi siêu thị Saigon Co.op cơ bản không sử dụng túi ni lông trong tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đang vượt lên trong cuộc “đua xanh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO