Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ: Đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của ngành TN&MT

03/08/2017 00:00

(TN&MT) - Thành lập năm 1994, chính thức mang tên Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ từ tháng 9/2006, đến nay, Viện đã đạt được những thành tựu to lớn về nghiên cứu khoa học đo đạc và bản đồ, góp phần vào sự phát triển của Bộ TN&MT trong 15 năm qua.

Khẳng định sức mạnh nguồn lực khoa học và công nghệ

Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ là viện nghiên cứu cơ bản trực thuộc Bộ TN&MT. Với cơ cấu tổ chức và bộ máy hoàn chỉnh, đảm bảo đầy đủ các nguồn lực về thông tin, đào tạo tiến sỹ, xuất bản tạp chí khoa học, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, với vị thế này Viện có nhiều điều kiện để phát triển nguồn nhân lực; định hướng nghiên cứu các vấn đề khoa học - kỹ thuật cơ bản phục vụ việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ, các chủ trương và định hướng phát triển của Bộ TN&MT trong từng giai đoạn; tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo với các trường Đại học trong nước và các tổ chức quốc tế…

Trong nhiều năm qua Viện đã tham gia nhiều chương trình khoa học trọng điểm và đề tài cấp Nhà nước, trên 80 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ có ý nghĩa khoa học và thực tiễn phục vụ thiết thực cho việc đưa công nghệ đo đạc, bản đồ, địa chính, viễn thám phục vụ các dự án điều tra cơ bản của Bộ TN&MT, góp các lý luận cơ bản cho việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam.

Lãnh đạo Viện luôn xác định gắn kết chặt chẽ công tác nghiên cứu khoa học với việc triển khai các dự án đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Viện xây dựng được nhiều Quy trình công nghệ, quy định kỹ thuật, Định mức kinh tế - kỹ thuật cho các lĩnh vực Đo đạc - Bản đồ và Địa chính; Phát triển được nhiều phần mềm xử lý dữ liệu hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu khoa học ở Viện và phục vụ thực hiện các nhiệm vụ ở các Sở TN&MT; tham gia đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ với các trường Đại học trong nước. 

Hệ thống đo trọng lực tuyệt đối và trọng lực hàng không tại phòng thí nghiệm trọng lực của Viện
Hệ thống đo trọng lực tuyệt đối và trọng lực hàng không tại phòng thí nghiệm trọng lực của Viện

Hiện nay, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ có nhiều cán bộ nghiên cứu có trình độ cao được đào tạo cơ bản có thể thực hiện được các nhiệm vụ cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Viện có nguồn cán bộ trẻ dồi dào đã qua đào tạo thạc sỹ tạo cơ sở phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trong giai đoạn tới.

Được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ TN&MT, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu được trang bị trong những năm qua đã phần nào phục vụ được các hoạt động nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu thử nghiệm của Viện; nhiều định hướng nghiên cứu cơ bản đã được tập thể các cán bộ khoa học của Viện đề xuất và triển khai thực hiện. Các thiết bị hàng đầu trên thế giới đã được tăng cường cho Viện như: Thiết bị thu tín hiệu vệ tinh GNSS R8, R9 (Mỹ), thiết bị thủy chuẩn độ chính xác cao, hệ thống đo trọng lực tuyệt đối FG5x (Mỹ), hệ thống đo trọng lực hàng không TAGS6 (Mỹ), máy đo trọng lực biển ZLS, máy dò công trình ngầm Hi-MODE4 (Italia)…

Có thể kể đến những thế mạnh của Viện như: Nghiên cứu về trường trọng lực trên lãnh thổ Việt Nam với các ứng dụng trong đo đạc bản đồ, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước; nghiên cứu ứng dụng về địa động lực lãnh thổ phục vụ dự báo tai biến tự nhiên, phục vụ cải chính số liệu đo mực nước biển dâng để cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam; nghiên cứu cơ sở khoa học xác định mặt Quasigeoid độ chính xác cao trên đất liền và vùng biển Việt Nam, xây dựng hệ tọa độ động quốc gia; nghiên cứu giải quyết bài toán tổng quát hóa tự động để thành lập bản đồ địa hình các tỷ lệ; nghiên cứu hoàn thiện các quy định kỹ thuật trong đo đạc địa chính, bản đồ vùng giá trị đất, giám sát tài nguyên đất bằng GIS; nghiên cứu ứng dụng đo ảnh và viễn thám trong thành lập bản đồ địa hình, địa chính, bản đồ chuyên đề…   

Đặc biệt, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ luôn đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và công nghệ với các nước tiên tiến có trình độ phát triển cao về Trắc địa và Bản đồ. Việc hợp tác quốc tế sẽ tạo điều kiện cho việc tiếp thu nhanh chóng các thành tựu khoa học và công nghệ của các nước và đào tạo nguồn lực khoa học và công nghệ của mình. Viện đã có mối quan hệ hợp tác quốc tế rộng rãi, tham gia hoạt động với nhiều tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới như: Lào, Campuchia, Nga, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hungari, Hà Lan, Thuỵ Điển, Úc, Mỹ, Trung Quốc,  Hàn Quốc… để không ngừng nâng cao chất lượng nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiến tiến, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của ngành TN&MT nói chung và Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ nói riêng.

Gắn nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

Với hệ thống thiết bị, công nghệ hiện đại và những định hướng đúng đắn trong phát triển ứng dụng, nhằm cung cấp các số liệu cơ bản về khoa học Trái đất nói chung và về đo đạc bản đồ nói riêng, Viện đã chủ trì cũng như tham gia nhiều dự án quan trọng của lĩnh vực đo đạc bản đồ và của ngành TN&MT, có thể kể đến như: Chủ trì thực hiện bay đo trọng lực hàng không phủ kín toàn bộ vùng núi Việt nam (hơn 1/3 diện tích đất liền); sử dụng thiết bị dò công trình ngầm trong khảo sát hệ thống ngầm tại Công ty TNHH giang thép Hưng Nghiệp Formosa – Hà Tĩnh, Nhà máy giấy Lee&Man – Hậu Giang theo yêu cầu của Bộ; tham gia thực hiện dự án đo sụt lún bề mặt đất khu vực TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long bằng quy trình công nghệ tích hợp hiện đại; chủ trì thực hiện các dự án về quan trắc địa động lực tại các đứt gãy chính ở Việt Nam; tham gia thực hiện dự án đo trọng lực tuyệt đối và hạng cao cho Vương quốc Campuchia…

Nhằm tăng cường nguồn lực khoa học và công nghệ của mình, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ luôn chú trọng công tác tuyển dụng cán bộ, đặc biệt, chú trọng các cán bộ có hoài bão, năng lực nghiên cứu khoa học và tạo điều kiện để các cán bộ trẻ biết phương pháp tự học nhằm không ngừng nâng cao kiến thức, làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và được học tập, bồi dưỡng ở các nước có trình độ khoa học và công nghệ về trắc địa - bản đồ tiên tiến. Công tác bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ cho cán bộ trẻ được đặc biệt chú trọng như là một chỉ tiêu bắt buộc của viên chức công tác tại Viện. 

Đặc biệt, trong Chiến lược xây dựng và phát triển của mình, Viện khoa học Đo đạc và Bản đồ đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành một Viện nghiên cứu cơ bản đầu ngành có trình độ khoa học và công nghệ hiện đại đạt mức tiên tiến của khu vực, tiếp cận với trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ... Cán bộ, viên chức, người lao động của Viện luôn hoàn thành được nhiệm vụ của Bộ TN&MT giao phó. Đặc biệt, Viện khoa học Đo đạc và Bản đồ luôn xác định thực hiện gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với triển khai, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm. Viện được đánh giá là đơn vị khoa học công nghệ đầu ngành làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về đo đạc - bản đồ và địa chính ở Việt Nam.

Trong những năm qua, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã góp phần định hướng phát triển khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ. Một số đề tài nghiên cứu khoa học của Viện có giá trị thực tiễn phục vụ cho việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, đáp ứng các nhiệm vụ chính trị và các định hướng phát triển của Bộ TN&MT.

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành một Viện nghiên cứu cơ bản đầu ngành có trình độ khoa học và công nghệ hiện đại đạt mức tiên tiến của khu vực, tiếp cận với trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ, Viện đã đề ra những mục tiêu cụ thể: Mở rộng và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và công nghệ để đảm bảo cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các luận cứ khoa học và công nghệ tiên tiến phục vụ các yêu cầu của quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ, sử dụng hợp lý tài nguyên, thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh - quốc phòng, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và nghiên cứu khoa học về Trái đất.

Viện tiếp tục kiện toàn, phát triển cơ cấu tổ chức của Viện để đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới; tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học có trình độ cao của Viện đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cơ cấu chuyên môn, có đủ phẩm chất chính trị, trình độ và năng lực chuyên môn sâu; từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, tăng cường đầu tư trang thiết bị, máy móc nghiên cứu khoa học hiện đại đạt trình độ tiên tiến trong khu vực để đáp ứng các yêu cầu thực hiện các định hướng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng đã được đề ra… từng bước đáp ứng những yêu cầu mới về nguồn nhân lực trong sự phát triển chung của Bộ TN&MT.

Bài và ảnh: Xuân Phương - Hải Ngọc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ: Đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của ngành TN&MT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO