Việc người dân tham gia vào pháp luật đất đai có ý nghĩa rất quan trọng

23/11/2014 00:00

(TN&MT) – Đó là quan điểm của GS Đặng Hùng Võ tại buổi Tọa đàm “Sự tham gia của người dân vào giám sát và quản lý đất đai” ngày 22/11.

   
(TN&MT) – Đó là quan điểm của GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT tại buổi Tọa đàm “Sự tham gia của người dân vào giám sát và quản lý đất đai” do Liên minh đất đai (LANDA) đã tổ chức tại Hà Nội ngày 22/11.
   
  Tham gia tọa đàmcó các đại diện đến từ các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia đất đai đến từ Landa, các tỉnh Hòa Bình, Quảng Bình… Buổi tọa đàm có mục tiêu chính là tăng cường sự tham gia và giám sát của cộng đồng thông qua sự đồng thuận trong quá trình thực hiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai tại địa phương.Mô hình đồng thuận (lấy ý kiến tham gia của người dân trong quản lý đất đai) với các cơ chế tham gia và giám sát của cộng đồng được áp dụng và nhân rộng trên khắp cả nước. 
   
   
   
GS.TS Đặng Hùng Võ phát biểu tại tọa đàm.Ảnh:ĐứcLưu
   
  Tại buổi tọa đàm, bà Phạm Kim Thoa - đại diện Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và Phát triền thuộc Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Hòa Bình chia sẻ kinh nghiệm và kết quả của dự án mô hình tăng cường giám sát vào quản lý đất đai thông qua đồng thuận của dân do các tổ chức này thí điểm tại một số xã và huyện tại tỉnh Hòa Bình.
   
  “Với việc triển khai mô hình tạo sự đồng thuận trong quản lý và sử dụng đất, cơ quan hữu quan và người dân đã có kiến thức và hiểu biết chung nhất, xác định rõ lợi ích khi thực hiện cam kết và thiết lập mối quan hệ hiểu biết, chia sẻ giữa cơ quan nhà nước và người dân cùng các bên liên quan…” – bà Kim Thoa chia sẻ
   
  Còn đại diện CIRD Quảng Bình cho rằng việc triển khai thí điểm mô hình giám sát thông qua đồng thuận tại một số xã cho thấy, người dân và cán bộ chính quyền địa phương được nâng cao năng lực, nhận thức quyền lợi và nghĩa vụ, vai trò trách nhiệm của mình; hoàn thiện Quy chế giám sát và khung giám sát thông qua đồng thuận của người dân toàn thôn được UBND xã phê duyệt, làm cơ sở cho Ban giám sát cộng đồng thực hiện đúng hiệu quả. 
   
  Thảo luận tại Tọa đàm, ông Lê Xuân Hoài, đại diện Mặt trận Tổ quốc huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình khẳng định, việc tăng cường sự tham gia và giám sát của cộng đồng thông qua sự đồng thuận trong quá trình lập, thẩm định và công khai, thực hiện quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất tại địa phương tại địa bàn xã, huyện đã đem đến một hướng đi cụ thể, rõ nét cho cán bộ và người dân trong thực hiện quyền, nghĩa vụ, bảo vệ lợi ích hợp pháp của chính bản thân…
   
  Theo ông Lê Xuân Hoài: “Việc lấy ý kiến đóng góp cũng là dịp để nâng cao kiến thức, Pháp luật về đất đai cho các bên liên quan, làm rõ quy trình và hiểu rõ hơn nguyện vọng của người dân địa phương, nâng cao gắn kết mặt trận, đoàn thể và người dân địa phương trong giải quyết các vấn đề về đất đai nói riêng và xã hội nói chung.”
   
   
Người dân tham gia vào pháp luật đất đai có ý nghĩa rất quan trọng.  Ảnh: Việt Hùng
   
  Phát biểu tại buổi Tọa đàm, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, cùng với quyết tâm cải cách thủ tục hành chính và đổi mới thể chế mà Chính phủ đang triển khai quyết liệt, việc tăng cường sự tham gia của người dân trong thực thi pháp luật nói chung và pháp luật đất đai nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong thể chế quản lý công. “ Việc lập quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư là ba khu vực cần lấy ý kiến và đạt được sự đồng thuận của người dân. Sự tham gia của người dân là cốt lõi của thể chế quản trị công. Tuy nhiên thực tế thì việc thực hiện ở đây đó vẫn còn hình thức” – GS Đặng Hùng Võ nói.
   
  TS Đặng Hùng Võ cho rằng những thách thức trong việc đẩy mạnh quyền tham gia, giám sát của người dân trong lĩnh vực đất đai nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung là rất cần thiết. Theo ông, người dân chỉ có thể được bảo đảm quyền tham gia, lấy ý kiến trong các quyết sách liên quan đến quyền lợi của mình khi thông tin được công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý nhà nước là bắt buộc. Đồng thời, tăng cường và động viên sự tham gia của các tổ chức xã hội, báo chí như một kênh đại diện hỗ trợ người dân.
   
Hải Ngọc
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc người dân tham gia vào pháp luật đất đai có ý nghĩa rất quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO