Vì sao Vĩnh Phúc không xây dựng NM xử lý rác thải tập trung?

15/01/2016 00:00

(TN&MT) - Nhiều nhà đầu tư đã tìm đến nhưng cũng từng đó các nhà đầu tư lặng lẽ ra đi khi có ý định xây dựng hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại...

(TN&MT) – Trước thực trạng môi trường sống của người dân bị ô nhiễm nghiêm trọng do việc không có nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) tập trung công suất lớn, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định chữa cháy bằng việc triển khai hàng loạt các lò đốt rác công suất nhỏ tại 18 điểm trên toàn tỉnh với tổng chi phí gần 60 tỷ đồng.
 
Chỉ trong một thời gian ngắn, với chính sách thu hút các nhà đầu tư đến với các khu công nghiệp. Vĩnh Phúc đã chuyển mình trở thành một tỉnh có tổng thu ngân sách đứng hàng đầu trên cả nước. Điều đó khiến cho đời sống của người dân được nâng lên, cải thiện rõ rệt nhưng cũng làm gia tăng một lượng lớn rác thải sinh hoạt thải ra hàng ngày.
 
Để giải quyết vấn đề này thì ngay từ những năm 2003 – 2004, tỉnh Vĩnh Phúc đã có chủ trương kêu gọi nhà đầu tư đến để xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung với quy mô và công suất lớn. Cũng đã có nhà đầu tư tới trình bày Dự án với tổng số tiền khoảng 20 triệu đô la Mỹ nhưng không hiểu vì lí do gì mà Dự án bị dừng lại. Sau này, thỉnh thoảng cũng có một số nhà đầu tư khác đến đặt vấn đề xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt công suất lớn nhưng cũng không Dự án nào được triển khai.
 
vp
Rác sau khi được thu gom, vạn chuyển để tập kết về bãi chứa sẽ được nhân viên cho vào lò đốt một cách thủ công như thế này.
Chính vì vậy, từ nhiều năm nay việc xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn sử dụng công nghệ chôn lấp hoặc tận dụng ao, hồ, các vùng trũng, triền đê, cánh đồng, khu đất trống… để đổ rác thải. Lâu ngày hình thành các hố chôn lấp rác tự phát, không đảm bảo quy trình kỹ thuật, làm ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm.
 
Nhận thấy sự bất cập của công nghệ chôn lấp rác thải, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có giao cho sở KHCN làm chủ đề tài nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế lò đốt rác công suất nhỏ theo công nghệ Nhật Bản, sản xuất tại Thái Lan. Bước đầu, sở KHCN đã triển khai được 9 lò (trong tổng số 11 lò được giao), còn sở TNMT được giao 7 lò nhưng chưa triển khai. Ưu điểm của công nghệ này là đáp ứng được phần nào việc xử lý rác thải sinh hoạt tại một số vùng nông thôn nhưng nhược điểm là không xử lý hết được tất cả số rác thải, nhất là chất thải rắn và chất thải nguy hại.
 
Ông Vũ Hoàng Kim - Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Từ trước đến nay công nghệ được áp dụng chủ yếu là chôn lấp nhưng không phải chỗ nào cũng đủ điều kiện để mang rác tới chôn được.
 
QUy trình
Một công nhân đang thực hiện công đoạn cuối trong việc tiêu hủy rác thải
 
Song vướng mắc nhất hiện nay đối với tỉnh Vĩnh Phúc không phải vì không có nhà đầu tư vào lĩnh vực này mà là do chưa tìm được nơi nào có quỹ đất phù hợp. Nhiều nơi người dân phản ứng rất dữ dội khi biết tin có quy hoạch bãi rác hoặc nhà máy xử lý rác tại địa phương mình. UBND tỉnh hiện đã giao cho Sở TN&MT bằng mọi cách phải triển khai được một dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải quy mô lớn.
 
Còn ông Phan Quang Vinh – Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ của Sở KHCN tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: Năm 2012, sau khi triển khai thành công lò đốt rác bằng không khí tự nhiên NFI 05 sản suất theo công nghệ của Nhật Bản và được nhập khẩu từ Thái Lan có công suất đốt lớn nhất (10 tấn rác/ngày đêm) thì UBND tỉnh đồng ý giao cho sở KHCN và sở TN&MT triển khai 18 lò đốt rác. Mục tiêu là để xử lý một phần số lượng rác thải sinh hoạt có trong dân cư trong khi tỉnh chưa có nhà máy xử lý rác công suất lớn.
 
Đặc điểm của loại lò này là có khả năng đốt liên tục hoặc có thể ủ giữ nhiệt trong khoảng thời gian 1 – 1,5 ngày để chờ rác, phù hợp với khu dân cư khoảng 15.000 – 20.000 người. Kính thước nhỏ gọn (1,45 x 2,65 x 2) m; ống khói cao 6 m. Trọng  lượng lò 8.500 kg, có thể lắp đặt, di chuyển thuận tiện dễ dàng bằng cần cẩu. Lò có khả năng giữ nhiệt rất tốt, rác được đốt với nhiệt độ từ 650 - 900oC. Giá thành lắp đặt cho một lò khoảng trên 2 tỷ đồng. 
Đoàn giám sát
Một lò đốt rác được khánh thành tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc
Ưu điểm của công nghệ NFI05 là tỷ lệ rác được xử lý cao giảm được 80 - 85% khối lượng (15% còn lại là tro và một số rác vô cơ không đốt được), về thể tích đạt 92 – 95%. Vì vậy diện tích bãi chôn lấp nhỏ, giảm công lao động. Giảm thiểu nguy cơ phá hủy tầng nước ngầm quá mức phục vụ tưới tiêu đất canh tác giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường do rác thải sinh ra.
 
Nhược điểm là do chỉ xử lý được rác thải sinh hoạt thông thường nên với những loại rác thải khác, lò này không đáp ứng được.
 
Có thể thấy, bảo vệ môi trường, trong đó có việc xử lý rác thải sinh hoạt ở các đô thị và vùng nông thôn không phải chỉ là riêng câu chuyện của bất kỳ tỉnh nào. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng không phải là ngoại lệ nhưng với một tỉnh nằm trong tốp đầu về phát triển kinh tế của cả nước vậy mà cho đến thời điểm này vẫn không có lấy một nhà máy xử lý rác thải quy mô lớn thì quả là khó hiểu.
 
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần phải có những bước đột phá trong việc kêu gọi các nhà đầu tư đến xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung, quy mô. Điều này sẽ góp phần vào việc tạo nên một môi trường sống trong lành, không ô nhiễm.
 
Mạnh Hưng
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Vĩnh Phúc không xây dựng NM xử lý rác thải tập trung?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO