Vì sao UBND tỉnh Bến Tre không trả lại đất thu hồi trái phép của người dân?

02/12/2014 00:00

(TN&MT) - Sau khi UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt đơn xin cấp đất của doanh nghiệp di dời nhưng UBND xã Phú Hưng,vẫn tổ chức lực lượng đuổi cả nhà bà Nguyễn Thị...

(TN&MT) - Sau khi UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt đơn xin cấp đất của doanh nghiệp, dù chưa ban hành Quyết định thu hồi đất, không có Quyết định đền bù, di dời nhưng UBND xã Phú Hưng, thị xã Bến Tre (nay là thành phố Bến Tre) vẫn tổ chức lực lượng cưỡng chế đuổi cả nhà bà Nguyễn Thị Bửu ra đường. Sự việc xảy ra cho tới thời điểm này đã 30 năm nhưng UBND tỉnh Bến Tre vẫn không giải quyết dứt điểm cho dù đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo từ các cơ quan chức năng.
   
  Trước năm 1975, gia đình bà Nguyễn Thị Bửu sử dụng 8.819 m2 đất tại ấp Phú Chiến, xã Phú Hưng, thị xã Bến Tre (nay là thành phố Bến Tre) để làm nhà ở và trồng cây ăn trái.
   
  Ngày 16/01/1984, UBND tỉnh Bến Tre ban hành Quyết định số 44/UB-QĐ về việc phê duyệt đơn xin cấp đất của Công ty chuyên doanh dừa tỉnh Bến Tre để xây dựng bến bốc dỡ hàng hóa với diện tích là 15.937 m2 tại xã Phú Hưng, thị xã Bến Tre.
   
  Ngày 25/2/1984, UBND xã Phú Hưng tự ý lập hai biên bản chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích 27.260 m2 (bao gồm cả phần diện tích theo Quyết định 44/UB-QĐ và phần đất của gia đình bà Bửu) giao cho Công ty chuyên doanh dừa sử dụng nhưng lại không hề bố trí đất ở và đất sản xuất cho gia đình bà Bửu. Điều này là trái với Quyết định số 201/ CP ngày 01/7/1980 của Hội đồng Chính phủ. Sau đó UBND xã Phú Hưng đã tiến hành cưỡng chế đuổi cả nhà bà Bửu ra khỏi nơi ở để lấy đất giao cho Công ty chuyên doanh dừa tỉnh Bến Tre cho dù chưa hề có Quyết định thu hồi đất, Quyết định đền bù, di dời nhà cho gia đình bà Bửu.
   
   
  Năm 1985, UBND xã Phú Hưng giao cho bà Bửu 2.500 m2 đất sản xuất tại ấp Phú Chiến (cách nơi ở cũ của bà Bửu 3km), đến năm 1987, do đất xa nhà sử dụng không hiệu quả nên bà Bửu trả lại cho xã. Đến năm 1988, UBND xã Phú Hưng giao 1.500 m2 đất nông nghiệp gần nhà bà Bửu hơn để bà sử dụng, nhưng đến năm 1989, ông Nguyễn Văn Màu là chủ khu đất này đã lấy lại.
   
  Ngày 29/4/1989, UBND tỉnh Bến Tre ban hành Quyết định 323/UB-QĐ thu hồi Quyết định 44 và giao 15.937 m2 đất nói trên cho Sở GTVT tỉnh Bến Tre để xây dựng bến cảng, bãi bốc xếp hàng hóa. Cũng trong năm này thì Công ty chuyên doanh dừa tỉnh Bến Tre được đổi tên thành Công ty chế biến XNK dừa Bến Tre.
   
  Đến năm 1990, bà Bửu có đơn xin đất ở và đất sản xuất nơi khác hoặc được trả lại đất cũ để gia đình bà sử dụng, ổn định cuộc sống nhưng không được giải quyết. Trong khi đó, mảnh đất 8.819 m2 của gia đình bà đã được Công ty chế biến XNK dừa Bến Tre cho một số hộ dân thuê xây dựng nhà, sản xuất, kinh doanh.
   
  Ngày 12/6/1996, UBND tỉnh Bến Tre ban hành văn bản yêu cầu Công ty chế biến XNK dừa Bến Tre phải thực hiện việc giải tỏa các hộ thuê đất của Công ty xây nhà ở trái phép.
   
  Tiếp đó, ngày 20/01/1997, UBND tỉnh Bến Tre ban hành Quyết định số 75/ QĐ-UB giải quyết khiếu nại của bà Bửu với nội dung “bác đơn khiếu nại của bà Bửu về việc đòi quyền sử dụng 5.000 m2 đất ở và đất vườn tại ấp Phú Chiến, xã Phú Hưng; giải quyết cho gia đình bà Bửu 2.123 m2 đất ruộng tại xã Phú Hưng (nay phần đất này thuộc xã Phú Khương, TP Bến Tre). Gia đình bà Bửu không đồng ý và tiếp tục khiếu nại lên các cơ quan Trung ương và trong lúc chờ đợi sự giải quyết thỏa đáng của các cơ quan chức năng, năm 1998, cả gia đình bà Bửu đã dắt díu nhau về “đánh chiếm” lại 3.117 m2 trên chính phần đất của gia đình bà bị thu hồi trái phép để xây nhà cho con cháu ở và trồng cây ăn quả.
   
  Khi được hỏi “vì sao lại chỉ lấy lại 3.117 m2 đất mà không phải là 8.819 m2 đất ở cũ của gia đình?”. Bà Bùi Ngọc Diễm, con gái bà Nguyễn thị Bửu (do bà Bửu đã mất nên bà Diễm được ủy quyền thay mẹ giải quyết vụ việc) cho biết: Hiện nay, trong tổng số 15.937 m2 đất (theo Quyết định 44) thì Công ty cổ phần chế biến chỉ xơ dừa 25/8 đang chiếm dụng 5.701 m2, Công ty XNK Bến Tre có quyền sử dụng 7.119 m2 nhưng không trực tiếp sử dụng mà lại cho DNTN Tân Dân thuê bán vật liệu xây dựng, DNTN Hoàng Tiến thuê tái chế bao bì và một số hộ tư nhân khác thuê làm nơi sản xuất than tổ ong, quán cà phê… Chính vì thế gia đình tôi chỉ chiếm lại được có 3.117 m2. Đó thực sự là điều vô lý bởi từ năm 1984 tới nay, đất của gia đình tôi chưa từng bị tỉnh ra Quyết định thu hồi, đền bù hay hỗ trợ gì cả. Thế mà các cấp chính quyền tỉnh Bến Tre làm ngơ cho họ lấn chiếm, cướp đất của gia đình tôi, bất chấp các quy định của pháp luật.
   
  Mẹ tôi đi khiếu nại khi gia đình chỉ có 18 nhân khẩu, tới nay đã là 36 và mẹ tôi cũng khuất núi nhưng việc vẫn không được giải quyết thỏa đáng. Nếu Nhà nước cần đất của gia đình tôi thì cứ thực hiện theo pháp luật, tại sao lại không chịu làm (?!). Đời tôi không đòi lại được đất thì con tôi, cháu tôi sẽ tiếp tục công việc này – Bà Diễm ngẹn ngào nói thêm.
   
  Thay cho lời kết, chúng tôi xin trích một đoạn trong văn bản số 1749/ ĐBT ngày 26/7/1997 của trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Trần Văn Ngẫu trả lời UB Thường vụ Quốc Hội về vụ việc này để thấy thêm bản chất của câu chuyện. “Trong 8 quyết định của UBND tỉnh Bến Tre về việc phê duyệt đơn xin cấp đất của Ty Công nghiệp, Công ty Dừa… thì bà Nguyễn Thị Bửu không phải là đối tượng thi hành các quyết định hành chính. Như vậy đất của bà Nguyễn Thị Bửu không có cấp thẩm quyền nào có quyết định thu hồi. Nếu căn cứ quy định luật đất đai năm 1988, và hiện nay căn cứ luật đất đai năm 1993 thì quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Bửu vẫn còn giá trị. Đơn vị Công ty Dừa sử dụng đất của bà Bửu là không phù hợp với pháp luật đất đai (vì không có quyết định của cấp có thẩm quyền thu hồi đất và giao đất). Việc thu hồi đất trái quy định của pháp luật đã gây thiệt thòi cho gia đình bà Bửu. Quyền lợi hợp pháp của bà Nguyễn Thị Bửu bị xâm hại.”
   
  Vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc này? Câu trả lời xin dành cho UBND tỉnh Bến Tre.
   
Mạnh Hưng
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao UBND tỉnh Bến Tre không trả lại đất thu hồi trái phép của người dân?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO