Vì sao tuyến đường cửa ngõ duy nhất còn lại của TPHCM vẫn nhếch nhác?

24/03/2016 00:00

  (TN&MT) - Sự trì trệ chung của cả dự án, kéo theo tiểu dự án số 1 "Nâng cấp mở rộng 4,5 km quốc lộ 13" – cửa ngõ đông bắc của TPHCM, bị "treo"...

 

(TN&MT) - Sự trì trệ chung của cả dự án, kéo theo tiểu dự án số 1 “Nâng cấp mở rộng 4,5 km quốc lộ 13” – cửa ngõ đông bắc của TPHCM, bị “treo” suốt 16 năm qua; dẫn đến hệ quả: 4,5 km đường cửa ngõ duy nhất còn lại của TPHCM trở thành điểm nóng kẹt xe, ngập nước,  nhếch nhác.

Tuyến đường QL13 thường xuyên kẹt xe
Tuyến đường QL13 thường xuyên kẹt xe

4,5km đường, 16 năm làm chưa xong?                                     

Dự án đầu tư xây dựng cầu đường Bình Triệu 2 (gọi tắt Dự án cầu đường Bình Triệu 2) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 969/CP-CN ngày 23.10.2000, cho phép Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) – thuộc Bộ GTVT, làm chủ đầu tư, thực hiện theo hình thức “xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT)”, áp dụng đầu tư trong nước.

Theo đó, Dự án cầu đường Bình Triệu 2 gồm 2 giai đoạn: - Giai đoạn 1: Xây mới cầu Bình Triệu 2 – Giai đoạn 2: Thực hiện cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường với tổng chiều dài hơn 10,6 km (trong đó có 4,5 km thuộc quốc lộ 13, tiếp giáp tỉnh Bình Dương, từ ngã tư Bình Phước đến ngã tư Bình Lợi, là đoạn đường đã xuống cấp nặng nhất).

Tổng vốn đầu tư của dự án là 341 tỷ đồng. Công trình đã được Cienco 5 khởi công xây dựng từ ngày 3.2.2001, với thời gian dự kiến thi công và hoàn thành trong 30 tháng.

Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, tới tháng 7.2004, khối lượng công trình hoàn thành của dự án chỉ thực hiện được mỗi hạng mục… cầu Bình Triệu 2 (đạt 34% tổng giá trị xây lắp). Sau khi xây xong cầu Bình Triệu 2 vào tháng 7.2003, Cienco 5 viện lý do nhu cầu vốn đầu tư  tăng từ 341 tỷ đồng lên hơn 1.200 tỷ đồng (chủ yếu do tăng vốn đền bù giải tỏa), Cienco 5 không thể tiếp tục thực hiện dự án, nên muốn… “tháo chạy” và chuyển trả dự án lại cho TPHCM.

Từ sự cố trên, ngày 30.7.2004, UBND TPHCM đã có văn bản số 4450/UB-ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh lại dự án, chuyển chủ đầu tư từ Cienco 5 sang Sở Giao thông công chánh TPHCM, thay đổi hình thức đầu tư từ BOT sang đầu tư bằng nguồn ngân sách TP và hoàn vốn bằng nguồn thu phí giao thông.

Mặt khác, UBND TPHCM cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thay đổi quy mô một phần đường của dự án. Cụ thể, đoạn đường quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Phước đến ngã tư Bình Lợi dài hơn 4,5 km sẽ bổ sung xây dựng theo mặt cắt ngang rộng 53 thay vì 32m như dự án cũ. Tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh từ 341 tỷ đồng lên… 1.692 tỷ đồng (riêng chi phí đền bù giải tỏa là 1.285 tỷ đồng). Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2006.

Ngày 4.11.2004, Chính phủ đã ra công văn số 1647/CP-CN, cho phép chấm dứt hợp đồng dự án đầu tư BOT cầu đường Bình Triệu 2, chuyển giao dự án cho UBND TP HCM thực hiện…

Năm 2005, UBND TPHCM lại chuyển Dự án cầu đường Bình Triệu 2 từ Sở Giao thông công chính sang Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (viết tắt là CII) làm chủ đầu tư.

Năm 2007, CII chia dự án thành 7 tiểu dự án. Trong đó, việc nâng cấp – mở rộng 4,5 km đường quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến ngã tư Bình Lợi) thuộc tiểu dự án 1. Song, từ tháng 9.2009 đến tháng 8.2010, CII chỉ thực hiện được mỗi tiểu dự án 3 “nâng cấp cầu đường Bình Triệu 1” (tức cầu Bình Triệu cũ). Hầu hết các tiểu dự án khác như : nâng cấp – mở rộng quốc lộ 13, mở rộng đường Nguyễn Xí, mở rộng đường Ung Văn Khiêm, xây dựng các nút giao thông ngã năm đài liệt sĩ… hoàn  toàn “bất động” cho đến nay. 

Được biết, khó khăn lớn nhất của Dự án cầu đường Bình Triệu 2 là vốn đầu tư đã tăng lên rất nhiều lần so với ban đầu, trong khi nguồn ngân sách của TPHCM lại không dư dả. Riêng vốn dành cho bồi thường, giải tỏa mặt bằng đã đội lên cả chục lần, do thời gian kéo dài . Cụ thể, ngay sau khi CII tiếp quản dự án, vào tháng 7.2007, tổng vốn đầu tư đã tăng vọt lên 3.493 tỷ đồng. Năm 2011, con số trên tiếp tục được CII cập nhật tăng lên 4.723 tỷ đồng (trong đó số tiền đền bù giải tỏa mặt bằng là 3.773 tỷ đồng).

Và đến hôm nay, tổng vốn đầu tư cho các tiểu dự án còn lại của Dự án cầu đường Bình Triệu 2 đã phát sinh lên đến con số kỷ lục… hơn 5.500 tỷ đồng.  Với số vốn đầu tư bị đội lên gấp 15 lần (so với thời điểm ban đầu chỉ 341 tỷ đồng), Dự án cầu đường Bình Triệu 2 đã trở thành một trong 2 dự án “treo” lâu nhất ở TPHCM (16 năm), chỉ đứng sau dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa (24 năm).

Do chưa được mở rộng nên QL thường xuyên kẹt xe do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông khá lớn.
Do chưa được mở rộng nên QL thường xuyên kẹt xe do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông khá lớn.

Người dân lãnh đủ hậu quả!

Trên thực tế, 4,5 km đường quốc lộ 13 hiện chỉ rộng 18 – 20m, trong khi lưu lượng xe từ các tỉnh đổ về Bến xe miền Đông và vào trung tâm TPHCM quá đông, khiến cho khu vực này thành điểm nóng kẹt xe hàng đầu ở TPHCM.

Ông Phan  Kế Lợi – Phó Tổng giám đốc Công ty Thái Bình Shoes  nói: “Cty tôi ở Bình Dương, mỗi sáng đi làm, đối với tôi, đoạn đường thoát ra khỏi cửa ngõ Sài Gòn theo hướng này quả là một … cực hình”. Ông Lợi cho biết, thời gian xe hơi chở ông Lợi “bò” 4,5 km đường quốc lộ 13 hết gần 1 giờ, trong khi sang đoạn đường quốc lộ 13, thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, đến nơi ông Lợi làm việc dài gần 20 km, xe ông chạy chỉ khoảng 30 phút.

Còn ông Đặng Quốc Toàn – ngụ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh – nói: “Mỗi sáng thứ Hai đầu tuần, kẹt xe lại diễn ra nơi cửa ngõ bầy hầy này. Tôi không thể đi làm bằng ô tô được mà buộc phải đi xe ôm qua cầu Bình Triệu. Vậy mà có lúc đi từ 6 giờ 45 phút đến 8 giờ 30 mới tới… giữa cầu”.

Theo ông Nguyễn Văn Trường – ngụ phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức phản ánh: “Do hai bên đường không có cống thoát nước, rạch cầu Ông Dầu và rạch cầu Đúc Nhỏ quá hẹp, thêm bị bồi lấp hàng chục năm;  nên cứ mỗi trận mưa xuống, dù nhỏ hay lớn, ngập nước vẫn diễn ra thường xuyên trên tuyến đường này. Bà con 2 bên  đường vô cùng khổ ải, mỗi khi mùa mưa đến”. Ước tính có đến hơn 1.000 hộ dân thuộc khu vực cầu Ông Dầu và cầu Đúc Nhỏ bị ảnh hưởng ngập nước trên quốc lộ 13.

Chưa hết, còn hàng trăm hộ dân sinh sống ven quốc lộ 13, thuộc địa bàn phường Hiệp Bình Chánh và Hiệp Bình Phước cũng “dở khóc dở mếu” vì vướng quy hoạch “treo” của Dự án cầu đường Bình Triệu 2. Ông Lê Văn Cương – ngụ phường Hiệp Bình Chánh than thở: “Quy hoạch mở  rộng đường ban đầu là 32m, rồi nâng lên thành 53m và nghe đâu tiếp tục lên… 60m. Do đất, nhà bị nằm trong lộ giới quy hoạch đường, nên suốt gần 16 năm qua, có ai được cấp phép xây dựng nhà cửa gì? Chờ mãi chẳng thấy mở rộng đường; trong khi nhà cửa xây không được, bán cũng không xong (vì chính quyền không xác nhận), mà ở thì nhà cửa quá bệ rạc, cực quá trời !”…

Mở rộng cửa ngõ đông bắc Sài Gòn, tại sao không?

“Khu vực cầu Bình Triệu vốn thường xuyên xảy ra kẹt xe. Nhưng thật ra, kẹt là kẹt cả tuyến, nên nhất thiết phải nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13. Hơn nữa, phải nhìn tổng thể quy hoạch vùng. Không thể các cửa ngõ các của TPHCM về phía đông, phía nam, phía tây đều thông thoáng, mà lại để cửa ngõ này tắc nghẽn? Trong khi, cửa ngõ này thông với quy hoạch chung để phát triển cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía tỉnh Bình Dương đã được mở rộng, thì không lý do gì TPHCM chẳng khác gì đường làng, nhỏ hẹp”.

(Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, Trưởng Bộ môn Đô thị học - Trường ĐH KHXH&NV TPHCM)

“Trước hết, phải khẳng định một điều bất di bất dịch: 4,5 km đường quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu là cửa ngõ đông bắc hết sức quan trọng của TPHCM. Từ cửa ngõ này đế TPHCM nối kết với tỉnh Bình Dương – vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thông với các tỉnh Bình Phước, Đắc Nông và hàng loạt tỉnh Tây Nguyên. Ngược lại, các tỉnh trên về TPHCM đều phải thông qua cửa ngõ này. Vì vậy, không thể nghĩ hạn hẹp nhờ các tuyến đường khác giảm tải, nên không cần mở rộng quốc lộ 13. Giảm tải thế nào, khi mà hàng ngày, từng dòng người xe vẫn ùn ùn qua lại cửa ngõ này, tạo ra những điểm kẹt xe, ngập nước kinh khủng?”.

(Ông Nguyễn Mạnh Đức, Tổng giám đốc Cty TNHH Đông Giao - TPHCM)

“Với số vốn hơn 5.000 tỷ đồng cho dự án này quả là rất lớn. Nhưng không vì thế, không mở rộng cửa ngõ này. CII đang lên các phương án nhằm tháo gỡ để triển khai tiếp tục dự án này. Việc giảm quy mô mở rộng con đường từ 53m xuống còn 42m cũng là một phương án khả thi, vì giảm được gần 2.000 tỷ đồng vốn xây dựng và giải tỏa mặt bằng”.

(Ông Dương Quang Châu – Giám đốc đầu tư CII)

 

Bài & ảnh: Hoàng Hưng – Tú Nguyễn

 

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao tuyến đường cửa ngõ duy nhất còn lại của TPHCM vẫn nhếch nhác?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO