Vì sao dự án Bến số 3 cảng Chân Mây chậm tiến độ?

Bài, ảnh: Văn Dinh| 03/03/2020 09:44

(TN&MT) - Dự án đầu tư xây dựng Bến số 3 cảng Chân Mây được xem là một trong những dự án lớn, trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế những năm gần đây. Theo kế hoạch, dự án này sẽ hoàn thành vào đầu năm 2019. Tuy nhiên đến nay dự án đã chậm tiến độ bởi nhiều lý do và chủ đầu tư đã xin gia hạn.

Chậm tiến độ

Theo tìm hiểu của PV, Dự án Bến số 3 cảng Chân Mây nằm trong khu vực cảng nước sâu Chân Mây thuộc Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), quy mô 12,1 ha, trong đó diện tích bến bãi hơn 9 ha và 3 ha khu nước trước bến, chiều dài 270m, tổng mức đầu tư 846 tỷ đồng, do Công ty TNHH Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư, thi công từ tháng 9/2015 và hoàn thành, đưa vào sử dụng vào đầu năm 2019.

Dự án Bến số 3 Cảng Chân Mây do Công ty TNHH Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư chậm tiến độ đã hơn 1 năm

Dự án có nhiều hạng mục như bến cập tàu 50.000 tấn, nạo vét khu nước trước bến -15,3m, kè bờ, san lấp mặt bằng, khu neo đậu, bãi chứa hàng, nhà văn phòng, các công trình phụ trợ...

Khi hoàn thành, đây sẽ là cảng tổng hợp với kết cấu hạ tầng phục vụ cho dịch vụ hậu cần, đảm bảo cho tàu và các phương tiện vận tải đường thủy có trọng tải đến 50.000 tấn ra vào làm hàng. Tuy nhiên đến thời điểm này, dự án xem như chậm tiến độ đã hơn 1 năm.

Lãnh đạo Công ty TNHH Hào Hưng Huế thông tin, hiện tại kè bờ của dự án đã thi công hoàn thiện dài gần 1.000m, cầu cảng cũng đã hoàn thành. Về san lấp mặt bằng đã san lấp được 500.000m3 vật liệu nạo vét...

Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Bến số 3 cảng Chân Mây được Bộ TN&MT phê duyệt với khối lượng bùn cát nạo vét khoảng 1,2 triệu m3, sẽ được tận dụng để tôn tạo bờ của Bến số 3. Hiện tại đã nạo vét khoảng hơn 500.000m3. Trong khi đó nhà văn phòng và một số công trình phụ trợ, máy móc thiết bị vẫn chưa thi công...

Những ngày này, các hạng mục của dự án vẫn đang được thi công

Ghi nhận của PV những ngày qua, tại khu vực dự án có hàng chục công nhân thi công các hạng mục, nhiều xe tải, xe múc... vào ra tấp nập để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Nguyên nhân do đâu?

Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường, ông Thang Khánh Hưng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Hào Hưng Huế cho biết, dự án chậm tiến độ bởi nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Cụ thể theo ông Hưng, do trong quá trình thực hiện dự án các thủ tục chuẩn bị đầu tư còn vướng một số hồ sơ pháp lý như thủ tục ở các bộ, ngành liên quan nên việc công ty đề xuất thời gian khởi công dự án (tháng 9/2015) chưa phù hợp với thời gian thực hiện các thủ tục về xây dựng, thời gian, môi trường... Đến tháng 6/2016, công ty mới hoàn thành thủ tục giấy phép xây dựng, chậm tiến độ lúc ấy đã là 8 tháng so với giấy chứng nhận đầu tư.

Do khối lượng vật liệu nạo vét từ tuyến luồng nhánh và vũng quay tàu quá lớn vì thế công ty phải thực hiện điều chỉnh lại quy mô vị trí và thỏa thuận với Cục Hàng hải Việt Nam đến 30/8/2019 công ty mới được chấp thuận thi công nạo vét vũng quay và luồng nhánh ra vào bến. Vì vậy, thời gian nạo vét và san lấp mặt bằng bị gián đoạn từ tháng 7/2019 công ty mới thực hiện được...

Việc nạo vét bùn thải cũng đang gặp khó khăn

Cũng theo ông Hưng, mặt khác, do gặp sự cố từ thiên nhiên gây ra như nhiều đợt gió mùa, mưa lớn kéo dài hàng năm. Gặp vướng mắc về vấn đề giải pháp xử lý san lấp mặt bằng, nạo vét khu trước bến, luồng vào cảng và xác định vị trí bãi chứa vật liệu nạo vét. Trong lúc thi công do hư hỏng máy móc, thiết bị, gãy cọc do tàu thuyền dự án khác neo đậu tránh bão va phải...

“Vì những nguyên nhân trên nên việc thời gian nạo vét san lấp mặt bằng và xây dựng nhà văn phòng cũng như các công trình phụ trợ và lắp đặt thiết bị gián đoạn. Chúng tôi đã xin UBND tỉnh Thừa Thiên Huế gia hạn tiến độ thêm 9 tháng, tức là đến hết tháng 9 /2020 và đã được đồng ý. Chúng tôi cam kết sẽ khắc phục những nhược điểm và tồn tại nhằm đảm bảo tiến độ...”, ông Hưng cho hay.

Nói về những kế hoạch thực hiện dự án trong thời gian tới, ông Hưng thông tin thêm trong Qúy I/2020 này công ty sẽ thực hiện xin khai thác tạm với tàu công suất khoảng 5.000 tấn sau khi Cục quản lý xây dựng nghiệm thu hoàn thành công trình thi công với hạng mục cầu cảng và kè bờ.

“Song song với đó, sẽ san lấp mặt bằng và nạo vét trước tháng 6/2020; xây dựng các nhà văn phòng và một số công trình phụ trợ trước tháng 8/2020; lắp đặt máy móc thiết bị trước tháng 4/2020... Riêng việc nạo vét bùn thải, hiện tại bùn đang được bơm vào bến và xin UBND tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh chấp thuận cho lượng bùn dư bơm vào 2 khu KT1 và KT2 đối diện bến...”, ông Hưng nói thêm.

Được biết, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ TN&MT phê duyệt, bùn nạo vét sẽ được tận dụng san lấp để tôn tạo bờ bến. Nếu không hết, chủ dự án sẽ xin đổ cho các bến kế bên. Nếu không được nữa, chủ dự án sẽ xin chủ trương đổ thải ngoài khơi, dự kiến cách bờ khoảng 3km. Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam yêu cầu nghiên cứu sử dụng phương án tận dụng vật liệu nạo vét để san lấp chống xói lở bờ biển, tôn tạo bờ của bến hoặc đổ cho các bến kế bên nhằm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên.Trường hợp không thể thực hiện phương án trên, việc nhận chìm vật liệu nạo vét trên biển, chủ đầu tư phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ.

Với việc chậm tiến độ, dự án sẽ hoàn thành vào gần cuối năm nay

Cảng Chân Mây là một trong những cảng biển nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030. Hiện nay, Bến số 1 - cảng Chân Mây có chiều dài 480m cầu bến, trong đó tuyến bến phía biển dài 360m, với độ sâu trước bến -12,5m đủ khả năng tiếp nhận các tàu hàng tổng hợp lên đến 50.000DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn...

Tuy nhiên từ nhiều năm trở lại đây, Bến số 1 - cảng Chân Mây không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng với khối lượng hàng hóa ngày càng lớn và tình trạng tàu chờ bến thường xuyên xảy ra. Được biết, dự án đầu tư xây dựng Bến số 2 - cảng Chân Mây do Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 849 tỷ đồng cũng đang thi công cạnh Bến số 1 và 3.

Việc xây dựng các bến nhằm hỗ trợ giảm tải cho Bến số 1 và là bước chuẩn bị cần thiết để đón đầu cơ hội, tiếp nhận lượng hàng hóa bằng đường biển gia tăng. Dự kiến năm nay, cảng Chân Mây sẽ có 3 cầu cảng với lượng hàng qua đạt 7,4 triệu tấn/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao dự án Bến số 3 cảng Chân Mây chậm tiến độ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO