Vi phạm xả thải nước thải công nghiệp: Nhiều doanh nghiệp còn "nhờn" luật

06/06/2017 00:00

(TN&MT) - Mặc dù đã có nhiều quy định chặt chẽ trong lĩnh vực thu gom, xử lý nước thải đối với các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, song những năm qua vẫn liên tiếp xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp vi phạm. Mặc dù các cơ quan chức năng đã ra sức vào cuộc song hoạt động này vẫn tiếp tục tái diễn bởi nhiều doanh nghiệp đang có dấu hiệu “đứng trên luật pháp” cố tình xả thải...

Những hành vi tàn phá môi trường

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên& Môi trường, mỗi năm, cả nước có khoảng 9.000 người tử vong và hơn 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Các yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước được xác định là do nước thải chứa nhiều thành phần độc hại, không được xử lý triệt để từ các nhà máy, xí nghiệp xả thẳng ra môi trường. Kết quả điều tra cho thấy, có 70% lượng nước thải công nghiệp chưa được xử lý triệt để gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, việc xả thải nước chưa qua xử lý ra môi trường của các doanh nghiệp còn tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của người dân.

Đầu tháng 5-2016, Công ty TNHH MTV Tân Hiếu Hưng tại xã Tân Mỹ (Lạc Sơn, Hòa Bình) xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Bưởi khiến 17 tấn cá lồng của người dân huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) chết hàng loạt. Ngày 17-5-2016, Tổng cục Môi trường có Quyết định số 174/QĐ-XPVPHC xử phạt công ty này với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn bị đình chỉ hoạt động sản xuất trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 20-5-2016. Thế nhưng đầu năm 2017, khi chưa hoàn thành hệ thống xử lý nước thải, Công ty TNHH MTV Tân Hiếu Hưng đã vận hành sản xuất trở lại, gây bức xúc cho người dân.

.  

Cống xả thải của Công ty TNHH Tân Hiếu Hưng xả ra bể chứa nước thải trong quá trình sản xuất
Cống xả thải của Công ty TNHH Tân Hiếu Hưng xả ra bể chứa nước thải trong quá trình sản xuất

Tương tự, trường hợp của Công ty Dệt Hopex có địa chỉ tại thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, những năm gần đây liên tục xả thẳng nước thải ra môi trường, gây ra hàng loạt hệ lụy: Nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, phát sinh mầm bệnh, khiến các hộ trồng đào trên địa bàn thất thu. Tuy nhiên, điều đáng nói là cũng phải sau nhiều lần bị Cảnh sát Môi trường xử phạt với số tiền hàng trăm triệu đồng thì công ty này mới cơ bản khắc phục được những tồn tại nêu trên.

Còn ở Khu công nghiệp Tằng Loỏng-Lào Cai (thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai), nhiều năm qua, khu công nghiệp này không xử lý nước thải tập trung. Nhiều cơ sở sản xuất tại đây liên tục xả nước thải chưa qua xử lý ra sông suối, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước. Người dân xung quanh khu công nghiệp cho biết, tất cả các loại nước thải đều xả thẳng ra thôn Khe Chom, thị trấn Tằng Loỏng và các khu dân cư lân cận. Nước ở những con suối quanh đó đều có màu xanh biếc do bị nhiễm đồng và phốt pho từ các nhà máy. Hậu quả, người dân lâm bệnh, gia súc chết, nông dân mất đất trồng lúa, cây cối khô chết hoặc còn sống thì cũng không thể đơm hoa, kết trái…

Đẩy mạnh nâng cao ý thức các doanh nghiệp

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nguyên nhân dẫn đến việc nhiều cơ sở sản xuất thường xuyên xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường là do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Hầu hết các vụ việc khi được phát hiện, chủ cơ sở chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền ít hơn nhiều so với việc họ phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Đã vậy, ở các địa phương, chính quyền và cơ quan chức năng khi phát hiện những hành vi vi phạm lại xử lý quá chậm, thậm chí có những nơi còn có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho doanh nghiệp. Trường hợp ở tỉnh Bắc Giang là một ví dụ. Năm 2016 sau khi thanh tra, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang phát hiện hàng loạt doanh nghiệp xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Thế nhưng kết quả này lại trái ngược hoàn toàn với kết luận mà Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bắc Giang) đã thông báo trước đó.

Cơ quan chức năng phát hiện cống xả nước thải tại một khu công nghiệp
Cơ quan chức năng phát hiện cống xả nước thải tại một khu công nghiệp

Ông Dương Thanh An, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Môi trường, cho rằng: "Tình trạng xả thải gây ô nhiêm môi trường liên tục tái diễn có nhiều lý do, trong đó phải kể đến nguyên nhân do mức độ xử phạt chưa đủ sức răn đe và nhận thức của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn hạn chế. Không ít doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận mà phớt lờ tất cả, kể cả những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, thì để giải quyết triệt để vấn đề nêu trên, quan trọng nhất là ý thức chấp hành của các doanh nghiệp. Chừng nào trách nhiệm của từng doanh nghiệp chưa được làm rõ thì chừng đó doanh nghiệp còn tìm cách để lẩn tránh. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần xây dựng, xác định chế tài xử phạt đủ mạnh trong xử lý hành vi vi phạm để đủ sức răn đe. Mặt khác, những doanh nghiệp vi phạm phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả mà doanh nghiệp gây ra đối với cộng đồng. Đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Thời gian tới, Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Cùng với đó, bộ cũng tập trung thanh tra các nhà máy có quy mô xả thải với lưu lượng 200m3/ngày, đêm. Trong năm 2017, Bộ Tài nguyên-Môi trường yêu cầu mang tính bắt buộc tất cả cơ sở sản xuất có lưu lượng xả thải lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động kết nối với Sở Tài nguyên & Môi trường tại các tỉnh để kiểm soát và phòng ngừa xả thải gây ô nhiễm nguồn nước.

 Thái Bình – Nguyễn Văn

 

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm xả thải nước thải công nghiệp: Nhiều doanh nghiệp còn "nhờn" luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO