Vi phạm hành chính về đất đai: Khó xử phạt

17/05/2018 17:55

(TN&MT) - Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 102 năm 2014  của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính về đất đai cho thấy, ngoài hiệu quả tích cực,...

(TN&MT) - Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 102 năm 2014  của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính về đất đai cho thấy, ngoài hiệu quả tích cực, Nghị định cũng bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt, xử lý một số vụ việc vi phạm cụ thể tại các địa phương.
Vi phạm hành chính về đất đai Khó xử phạt
Việc xử lý về vi phạm đất đai bộc lộ một số hạn chế. Ảnh: Hoàng Minh
Theo Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất (Tổng cục Quản lý đất đai), tổng hợp báo cáo của 57 tỉnh, thành phố và ý kiến đề nghị của cử tri gửi về Bộ TN&MT và trong quá trình thực hiện thanh, kiểm tra thi hành Luật Đất đai do các đơn vị của Bộ thực hiện từ năm 2015 đến nay cho thấy, có một số nhóm vướng mắc khi thi hành Nghị định 102 về xử phạt vi phạm hành chính về đất đai.

Cụ thể, các khái niệm về hành vi vi phạm trong Nghị định 102 còn chưa rõ ràng như việc tính thời điểm của hành vi lấn, chiếm đất, xảy ra trước năm 1980 có bị xử lý không? Trường hợp sử dụng đất của người khác mà không được được chủ đất cho phép có được coi là lấn chiếm không? Bên cạnh đó, hành động tự ý khi chuyển mục đích sử dụng hoặc chuyển quyền sử dụng đất là rất khó xác định là tự ý hay không tự ý?

Ngoài ra, khái niệm hủy hoại đất tại điều 3 còn chưa cụ thể, khó phân biện với việc cải tạo đất được pháp luật khuyến khích như san gạt đất trên sườn dốc hoặc hạ thấp mặt ruộng.

Nghị định 102 không quy định thời hiệu xử phạt mà áp dụng theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính: Vi phạm hành chính đã kết thúc, thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm; vi phạm hành chính đang được thực hiện, thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm. Tuy vậy, nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai khó phân biệt đang diễn ra hay đã kết thúc để xác định thời điểm tính thời hiệu như việc sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê đất, góp vốn, thế chấp bằng quyền sử dụng đất…

Còn nhiều hành vi vi phạm theo quy định của Luật Đất đai 2013 nhưng chưa được quy định xử phạt trong Nghị định 102 như: Việc chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang đất nông nghiệp khác; hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng; chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án xây nhà để ở kết hợp cho thuê mà không đủ điều kiện quy định tại Điều 41 của Nghị định 43 và trường hợp người dân tự phân lô, bán nền ngoài các dự án.

Bên cạnh đó, hành vi của tổ chức được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm để đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp nhưng đã cho thuê lại đất trả tiền thuê một lần; hành vi của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất không phải đất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp; hành vi của đơn vị sự ngiệp công lập tự chủ tài chính được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê thực hiện các quyền chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận…

Về mức độ xử phạt, một số hành vi vi phạm có mức độ phạt còn thấp so với lợi ích của việc sử dụng đất do vi phạm đem lại nên chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm, cụ thể như: Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất chỉ phạt từ 2 triệu đồng; lấn chiếm đất chỉ phạt từ 1 triệu; không đăng ký đất đai phạt từ 500 nghìn đồng.

Về thẩm quyền xử phạt, nhiều trường hợp thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm nhưng không đủ thẩm quyền xử phạt hoặc được phạt tiền nhưng không đủ thẩm quyền áp dụng hình phạt bổ sung, nhất là hành vi buộc trả lại đất đã vi phạm, dẫn tới xử lý không triệt để, kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp.

Về quy định chuyển tiếp, tại Điều 36 quy định hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm Nghị định 102 có hiệu lực, được áp dụng theo quy định xử phạt tại thời điểm xảy ra vi phạm hoặc theo Nghị định này nêu có lợi cho đối tượng vi phạm. Do đó, quy định này gây bất hợp hợp lý do và khó khăn, mất thời gian vì phải lập 2 phương án xử phạt theo hai thời điểm khác nhau để so sánh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm hành chính về đất đai: Khó xử phạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO