Vén màn góc khuất đại án OceanBank

03/03/2017 00:00

(TN&MT) - Theo báo cáo tài chính công khai đã kiểm toán của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), trong 4 năm từ 2010 - 2013, ngân hàng này có mức lãi hơn 1,3 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, sang năm 2014, hoạt động của Oceanbank bất ngờ “rơi xuống vực thẳm” khi báo cáo tài chính ghi nhận khoản lỗ lên tới trên 15 nghìn tỷ đồng. Sự việc xảy ra sau đó là đương nhiên khi hàng loạt lãnh đạo của ngân hàng này bị bắt và OceanBank chính thức mua lại với giá… 0 đồng. Điều gì đã xảy ra tại OceanBank?.

Cựu TGĐ Nguyễn Xuân Sơn trước vành móng ngựa. Nguồn: TTXVN
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trước vành móng ngựa. Nguồn: TTXVN

Tăng trưởng hình Sin…

Đi tìm câu trả lời cho điều lạ lùng ấy, phóng viên đã thu thập được nhiều tài liệu quan trọng giúp góc tối của đại án OceanBank dần lộ diện với nhiều điểm bất ngờ. Cụ thể, vào thời điểm ngày 1/1/2007, tổng tài sản của OceanBank là 1.001,3 tỷ đồng, thì tới ngày 31/12/2007, tổng tài sản có của OceanBank đã lên tới 13.680 tỷ đồng.

Sự tăng trưởng đột biến này có sự đóng góp 9.570 tỷ đồng từ tiền gửi của các tổ chức tín dụng (TCTD) khác, trong đó không thể không nhắc tới Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC). Dòng tiền mà PVFC gửi tại đây không hề có sự ngẫu nhiên khi tháng 11/2007, bà Nguyễn Minh Thu – Trưởng phòng Quản lý dòng tiền PVFC được tuyển dụng về làm Phó giám đốc OceanBank chi nhánh Hà Nội. Và chỉ sau 1 năm chuyển công tác, bà Thu đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Oceanbank.

Năm 2008, sau khi Tập đoàn dầu khí (PVN) ký thỏa thuận trở thành cổ đông và đối tác chiến lược với OceanBank thì ngày 1/12 cùng năm, ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc của PVFC được PVN cử sang giữ chức TGĐ OceanBank.

Sau thời điểm ông Nguyễn Xuân Sơn sang OceanBank, trong những năm 2009 – 2010, ngân hàng này tăng trưởng một cách “chóng mặt” về tổng tài sản và lợi nhuận. Cụ thể, thời điểm ngày 31/12/2008, tổng tài sản của OceanBank là 14. 091 tỷ đồng, tới ngày 31/12/2009 lên 33.784 tỷ đồng, tới năm 2010 đã “cán mốc” hơn 55 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, lợi nhuận của OceanBank cũng tăng lên theo cấp số nhân với các con số đầy ấn tượng khi năm 2008 được 45,2 tỷ đồng, năm 2009 được 227,3 tỷ đồng và đến năm 2010 là 520 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vào những năm sau đó, OceanBank được ghi nhận bởi sự xuống dốc không phanh khi tổng tài sản tăng chậm, lợi nhuận giảm sút một cách nghiêm trọng. Năm 2011, tổng tài sản của OceanBank đạt 60.639 tỷ đồng, lợi nhuận gần 488 tỷ đồng. Tới năm 2012, tổng tài sản của OceanBank đạt 64.462 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận giảm còn 243 tỷ đồng. Năm 2013, tổng tài sản OceanBank đạt mức đỉnh 67.075 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận teo nhỏ, chỉ còn 188,6 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2014, OceanBank lỗ tới hơn 15 nghìn tỷ đồng khiến tổng tài sản chỉ còn 43.088 tỷ đồng và khả năng mất vốn lên tới hơn 14 nghìn tỷ đồng. Sự việc trở lên nghiêm trọng tới mức, hàng loạt lãnh đạo của OceanBank bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, bắt tạm giam và bị NHNN mua lại với giá… 0 đồng.

… Đi tìm lời giải

Thời điểm hiện tại, TAND TP Hà Nội vẫn đang tiến hành xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm liên quan đến hàng loạt những cáo buộc như “Vi phạm quy định về cho vay…”, “Lợi dụng chức vụ…”, “Cố ý làm trái…” gây thoát thoát hàng nghìn tỷ đồng tiền ngân sách.  Cụ thể, theo cơ quan điều tra, từ năm 2010 – 2014, Hà Văn Thắm và đồng phạm đã chi lãi ngoài và chi vượt trần lãi suất với số tiền hơn 1,5 nghìn tỷ đồng, thu phí vay vốn, thu phí bán ngoại tệ để tư lợi cá nhân và vi phạm quy định trong cho vay khiến tổng số tiền bị thất thoát gần 2000 tỷ đồng.

Hà Văn Thắm tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN
Bị cáo Hà Văn Thắm tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN

Kết luận điều tra cho biết, trong giai đoạn năm 2011 - 2014, có 51.486 cá nhân và 392 tổ chức gửi tiền vào OceanBank. Cơ quan điều tra đã yêu cầu 392 tổ chức giải trình về số tiền gửi tại OceanBank, nhưng chỉ có 19 tổ chức xác nhận có nhận tiền lãi ngoài của OceanBank, 124 tổ chức phủ nhận và 249 tổ chức không trả lời.

Theo các cựu cán bộ của OceanBank bị xử lý trong đợt này có liên quan đến huy động vốn và trả lãi ngoài thì bản chất của cố tiền chi trả lãi suất vượt trần cũng chỉ là hoạt động kinh doanh bình thường của hầu hết các ngân hàng trong thời điểm đó. Ngoài ra, vì sao sai phạm xảy ra suốt một thời gian dài mà các cơ quan quản lý như Thanh tra NHNN, thuế, kiểm toán nhà nước không cảnh báo, xử phạt, khấu trừ?.

Thực tế thể hiện rằng, dù chi vượt trần lãi suất, nhưng từ năm 2011 - 2013, kể cả kiểm toán và các cơ quan giám sát của NHNN vẫn ghi nhận OceanBank đạt lợi nhuận hơn 900 tỷ đồng. Đó là chưa kể, trước đó, từ 2008 - 2010, OceanBank thu về lợi nhuận cả nghìn tỷ đồng?.

Câu hỏi đặt ra là, nếu như ngay trong giai đoạn từ 2010-2014, các cơ quan giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định cụ thể và kiểm soát tốt việc các NHTM chi lãi suất vượt trần, hay thanh tra một cách nghiêm túc hoạt động của OceanBank, thì liệu những vi phạm lãi suất, vi phạm thu phí ngoài tại OceanBank có xảy ra? Và sau đó, là khoản lỗ khổng lồ lên tới 15.295 tỷ đồng liệu có “tự dưng” rơi vào báo cáo tài chính năm 2014 của OceanBank không?

Thời Nay



 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vén màn góc khuất đại án OceanBank
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO