Về nơi đất Mẹ

Bài và ảnh: Thu Thủy| 29/04/2020 10:38

(TN&MT) - Chiến tranh đã lùi xa 45 năm và trở thành quá khứ oai hùng của dân tộc Việt Nam, nhân dân đã được hưởng cuộc sống bình yên, ấm no nhưng vẫn còn đó những người mẹ, người cha, người chị đang ngày đêm âm thầm mong ngóng con em mình trở về nơi đất mẹ, để mẹ ra đi được thanh thản. Sau khi trở về từ “mưa bom, bão đạn”, những Cựu Chiến binh (CCB)  xứ Thanh vẫn đau đáu nỗi lòng tìm kiếm và quy tập hài cốt đồng đội đã hy sinh, để đón các anh về với đất mẹ.

Nghĩa tình đồng đội

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp gặp CCB Hải quân Lê Xuân Nhắc, ở phường Điện Biên, TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Bến ấm trà nóng trong căn phòng nhỏ, mọi khoảng trống đã được lấp đầy bởi những kỷ vật thời chiến, ông Nhắc nhớ lại. Đầu năm 1975, với lòng yêu nước như bao thế hệ thanh niên Việt Nam, ông lên đường nhập ngũ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, sau đó ra quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) nhận nhiệm vụ trong khoảng thời gian 3 năm 6 tháng. Thời gian đó, ông đã nếm trải bao sự gian nguy khốc liệt của chiến tranh. Đến năm 1979, ông chuyển về công tác tại Cục kỹ thuật - Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4.

Rời quân ngũ sau 14 năm 7 tháng công tác, trở về quê hương, ông mang trong mình bao “vết thương lòng”. Hễ một ai đó nhắc lại chuyện thời chiến hay mỗi khi nhìn lại kỷ vật của đồng đội, tim ông như thắt lại, nước mắt cứ dưng dưng tự chảy.

Sự xúc động của thân nhân khi tìm được hài cốt liệt sỹ

Trầm ngâm trên chén trà vừa rót, ông Nhắc im lặng một lúc rồi tâm sự: Anh chị thấy đấy, phòng của tôi chủ yếu toàn kỷ vật, có những thứ anh em đồng đội dùng chung. Mỗi khi nằm xuống, hình ảnh của những người đồng đội lại ùa về, còn nhiều đồng chí đang nằm lạnh lẽo ở nơi xa mà vẫn chưa có dịp được quay trở về quê hương. Trong lòng tôi lúc nào cũng mong được đi tìm đồng đội đã hy sinh để đưa về với đất mẹ.

Từ suy nghĩ đó, năm 2004, với vai trò Phó Ban liên lạc CCB Hải quân Thanh Hóa, ông Nhắc đã kêu gọi đồng đội, Hội đồng hương Thanh Hóa ở các tỉnh, các nhà hảo tâm… chung tay “góp sức, góp của” để tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa các gia đình có công với Cách mạng, tìm kiếm và cất bốc hài cốt liệt sĩ hải quân…

Năm 2014, ông Nhắc bắt đầu những cuộc hành trình đầy nhân văn, khi đó, ông là người duy nhất ở Thanh Hóa tham gia tìm kiếm hài cốt đồng đội ở huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Để có kinh phí, ngoài sự đóng góp của mọi người, ông Nhắc đã không ngần ngại bỏ tiền túi từ đồng lương hưu ít ỏi của mình, nhưng ông rất vui vì được gia đình, vợ con ủng hộ ông trong những chuyến đi tìm đồng đội.

“Sau khi Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thanh Hóa liên hệ với các cơ quan, chính quyền ở tỉnh Kiên Giang, chúng tôi bắt đầu hành trình đi Phú Quốc. Dọc đường đi, khi nghỉ ngơi và dừng chân ở các tỉnh, chúng tôi nào có ngủ được, bởi nhẽ ai ai cũng nóng lòng, sốt ruột để vào với những đồng đội đã ngã xuống. Nghĩ đến điều đó thôi, nước mắt sao kìm được. Lúc làm lễ truy điệu cho các liệt sỹ, anh em trong đoàn đều thức trắng đêm, tôi mắc võng nằm bên hài cốt, lúc đó cảm giác đồng đội đang ở bên mình như thời chiến, cùng nhau “súng bên súng, đầu sát bên đầu”, thật thiêng liêng làm sao”, ông Nhắc nhớ lại những ký ức.

Ông Nhắc bắt đầu chuyến hành trình vào Phú Quốc lần thứ 2. Kết quả, sau 2 chuyến đi tìm đồng đội, ông đã cất bốc, quy tập được 28 bộ hài cốt đầy đủ thông tin và bàn giao về nghĩa trang liệt sỹ (nơi các anh sinh ra). Bên cạnh đó, ông Nhắc cùng các CCB trong Ban liên lạc Hải Quân Thanh Hóa còn vận động kinh phí xây dựng 66 ngôi nhà tình nghĩa, quyên góp hơn 3 tỷ đồng tiền tiết kiệm cho các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với Cách mạng, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.

Người thân xúc động trước sự hy sinh của các liệt sỹ

Chân mỏi, lưng đau… vẫn cứ muốn đi

Đó là tâm niệm của CCB, Thượng tá Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 Ngô Quang Hà, quê xã Thiệu Chính, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Giống như suy nghĩ của CCB Lê Xuân Nhắc, ông Hà mang trong mình ước vọng của người thân, gia đình liệt sỹ, để rồi, mong ngóng nhanh đến dịp trở lại Phú Quốc đưa các anh về với đất mẹ.

Vào thời chiến, theo tiếng gọi của tổ quốc liêng thiêng, ông Hà cùng bạn bè trong xã Thiệu Chính lên đường nhập ngũ, nhưng sự khốc liệt của chiến tranh, nhiều đồng đội đã đổ máu và hy sinh để gìn giữ hòa bình của đất nước. Giờ đã 64 tuổi, sức khỏe có giảm sút, nhưng ham muốn và khát vọng tìm đồng đội trong ông vẫn hồ hởi, mãnh liệt.

Sau 2 lần ra huyện đảo Phú Quốc, Ban Liên lạc CCB Hải quân Thanh Hóa đã quy tập được 28 hài cốt bàn giao về nghĩa trang liệt sỹ (nơi các anh sinh ra)

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hà xúc động: Nhất định phải cố gắng để mang đồng đội về với quê hương, gia đình, có như vậy niềm vui trong cuộc sống tuổi già mới trọn vẹn. Trong chuyến đi năm 2017 vào huyện đảo Phú Quốc, cả đi và về trọn vẹn 14 ngày đêm, chưa có ngày nào chúng tôi ngon giấc. Chúng tôi nào có nề hà vất vả, khó khăn, trên đường đi cơm cúng các liệt sỹ cũng là thức ăn của chúng tôi. Chuyến này, chúng tôi mang về được 17 bộ hài cốt, trong đó, có 4 liệt sỹ cùng quê. Lúc ngồi trên xe, anh em trong đoàn hồi tưởng, kể lại cho nhau nghe chuyện quá khứ, sau đó lại im lặng rồi mắt đỏ hoe. Lúc an táng các anh tại quê nhà, nào có ai muốn rời nửa bước khỏi linh cữu, bởi vì đồng đội đối với mình như quan trọng “máu mủ, ruột già”.

Hành trình tìm kiếm đồng đội của những CCB Hải quân Thanh Hóa vẫn nối dài và không bao giờ ngừng nghỉ. Đây không phải là công việc mà họ được giao phó, mà đó là hành trình tâm linh đầy nhân văn, xuất phát từ mệnh lệnh của trái tim của những CCB hết lòng vì đồng đội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về nơi đất Mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO