Vật liệu xanh: Loay hay tìm chỗ đứng

03/10/2014 00:00

(TN&MT) - Việc sử dụng các loại vật liệu mới thân thiện với môi trường ở các công trình xây dựng là cấp thiết nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

(TN&MT) - Xây dựng là một ngành công nghiệp sử dụng khối lượng vật liệu nhiều nhất, nghiên cứu và sử dụng các loại vật liệu mới thân thiện với môi trường, hạn chế tàn phá thiên nhiên là điều cấp thiết. Tuy vậy, thực tế, số công trình sử dụng vật liệu xanh vẫn còn hạn chế.
   
Quy định mới chỉ trên giấy!
   
  Hiện nay, việc đưa vật liệu xây không nung (VLXKN) vào các công trình xây dựng là một chủ trương đúng đắn của Chính Phủ và Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, qua 4 năm triển khai, VLXKN vẫn khó có thế thâm nhập sâu vào thị trường.
   
  Thống kê cho thấy hiện nay cả nước có khoảng 900 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung, với tổng công suất 1.529 triệu viên (quy tiêu chuẩn)/năm. Tính cả khoảng 350 cơ sở sản xuất có công suất rất nhỏ (dưới 1 triệu viên/năm), tổng công suất gạch không nung là khoảng 1.700 triệu viên/năm. Việc tiêu thụ, sử dụng vật liệu xây dựng không nung vào công trình xây dựng còn rất hạn chế, không tương xứng với năng lực đã được đầu tư, chỉ chiếm khoảng 50%. Riêng bê tông nhẹ chỉ khai thác dưới 15% công suất.
   
  Theo quy định của Bộ Xây dựng, tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây dựng không nung kể từ 15/1/2013; các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây dựng không nung từ thời điểm có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%.
   
  Lộ trình là thế nhưng theo nhiều chuyên gia, hiện rất khó thuyết phục chủ đầu tư sử dụng vật liệu nhẹ, gạch không nung và các loại vật liệu tiết kiệm năng lượng trong tòa nhà bởi đa phần họ chưa nắm đầy đủ thông tin về hiệu quả một công trình "xanh" mang lại về lâu dài, đặc biệt về mặt tiết kiệm năng lượng. Người tiêu dùng vẫn chưa có lòng tin vào vật liệu xanh.
   
Vật liệu xanh – xu hướng phát triển trong tương lai
   
  Trong khi đó, hàng năm khối  lượng bê  tông xi măng sử dụng  trên  toàn cầu vượt quá con số 13 tỷ  tấn. Tương ứng cần phải sử dụng  gần 1.9 tỷ tấn  xi măng. Tính riêng ngành sản xuất xi măng thải ra khoảng 5% lượng khí  thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu và một lượng đáng kể khí NOx và các khí gây ô nhiễm khác như SO2. Trung bình để sản xuất ra 1 tấn xi măng cần xấp xỉ 1.7 tấn các nguyên liệu thô và thải ra khoảng 1 tấn khí CO2.
   
Lợi ích còn để ngỏ
   
  Ở Việt Nam, lượng chất  thải phát ra từ sinh hoạt và các ngành công nghiệp đang là gánh nặng đè lên  vai môi  trường  sống. Trong  số  các  chất  thải  đó,  khoảng  14  chất  thải  rắn  và  lỏng hoàn  toàn có  thể  tái sử dụng có hiệu quả  trong  lĩnh vực xây dựng như: chất  thải phá dỡ  từ các công trình xây dựng; chất thải kim  loại, chất  thải từ các nhà máy nhiệt điện, chất thải từ các nhà máy  luyện thép, chất  thải  thủy  tinh, chất  thải  lốp  xe, chất  thải bao bì nhựa, chất  thải  từ mặt  đường cũ, chất  thải trong khai  thác các  loại cốt  liệu, chất  thải vỏ  trấu, dầu  thải các  loại…
   
  Việt Nam hiện nay đang  trong giai đoạn cần phá dỡ hàng  loạt các công  trình cũ, hết  tuổi  thọ khai  thác  để xây dựng mới. Năng lượng tiêu thụ để sản xuất một số vật liệu xây dựng phổ biến công  trình phá dỡ  sẽ rất  lớn. Chúng hoàn  toàn có  thể  tái sử dụng  lại  trong xây dựng mới, nhất  là  làm cốt  liệu. Nếu  tận  dụng  triệt  để  chúng  sẽ  giảm  thiểu  đáng  kể  lượng  vật  liệu  khai  thác  từ  thiên  nhiên.
   
  Nhiều ý kiến cho rằng, giá thành cao thường được nhìn nhận là rào cản cho sự phát triển vật liệu xanh, nhưng trên thực tế chưa hẳn là như vậy. Hiện nay, các giải pháp vật liệu xanh tiên tiến trên thế giới đã được mang vào Việt Nam từ các tập đoàn hàng đầu thế giới.
   
  Chi phí tính theo m2 tường của vật liệu xanh là khá cao so với gạch đất sét nung truyền thống, nhưng nếu đưa vào thiết kế ngay từ đầu sẽ giảm được chi phí móng, giảm kích thước kết cấu, giảm chiều cao tầng, tiết kiệm năng lượng điều hòa do tính cách nhiệt cao. Tốc độ thi công nhanh hơn tường gạch nung, giúp rút ngắn thời gian xây dựng, sớm đưa công trình vào sử dụng, giảm chi phí lãi vay đầu tư. Vì vậy, nếu so về tổng thể lâu dài, giải pháp xanh sẽ ưu thế hơn về giá và các lợi ích dài hạn khác cho môi trường, xã hội.
   
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành quyết định 1469 (22/08/2014) phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Quy hoạch nêu rõ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động của các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu. Tùy theo điều kiện cụ thể, khuyến khích các địa phương chấm dứt hoạt động đối với các lò vòng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
    
Phương Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vật liệu xanh: Loay hay tìm chỗ đứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO