Văn phòng Đăng ký đất đai Sơn La: Hiệu quả chưa cao

25/07/2016 00:00

(TN&MT) - Sau gần 3 tháng triển khai mô hình Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh Sơn La (từ 1/5/2016), hiện nay, hoạt động của hệ thống đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Để làm rõ thêm những vấn đề này, Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Thi, PGĐ Sở TN&MT tỉnh Sơn La.

Ông Phạm Văn Thi, PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La.
Ông Phạm Văn Thi, PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La.

PV: Xin ông cho biết kết quả thực hiện nhiệm vụ sau gần 3 tháng đi vào hoạt động của hệ thống Văn phòng Đăng ký Đất đai trên địa bàn tỉnh?

Ông Phạm Văn Thi: Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh Sơn La chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/5/2016, bao gồm 4 phòng chuyên môn, 12 Chi nhánh đặt tại 12 huyện, thành phố với 68 biên chế.

Sau khi đi vào hoạt động, Sở TN&MT tiếp tục chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo quy định. Đối với các công việc phát sinh mới, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh sẽ quyết định giao nhiệm vụ cho các Chi nhánh thực hiện. Trường hợp các Chi nhánh không đảm bảo tiến độ công việc được giao sẽ đề xuất với Văn phòng Đăng ký để Văn phòng Đăng ký trưng tập viên chức hoặc lao động hợp đồng từ các Chi nhánh khác sang để thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo tiến độ công việc.

Bên cạnh đó, Văn phòng Đăng ký đất đai tiếp tục trong quá trình kiện toàn tổ chức, hoàn thiện hệ thống văn bản để đưa hệ thống vào hoạt động ổn định, hiệu quả.

Về công việc cụ thể, qua gần 3 tháng, các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đã chuyển về Văn phòng Đăng ký đất đai tiếp nhận khoảng 300 bộ hồ sơ, thuộc thẩm quyền Giám đốc Sở TN&MT ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay, đã hoàn thành 100 bộ hồ sơ, trả lại 150 bộ hồ sơ do chưa đủ điều kiện; đang thẩm định 50 bộ hồ sơ.

PV: Qua đánh giá sơ bộ, hoạt động của đơn vị này đã phát huy được hiệu quả như dự kiến hay chưa, thưa ông? Còn những khó khăn, vướng mắc nào trong quá trình thực hiện nhiệm vụ?

Ông Phạm Văn Thi: Tôi cho rằng, gần 3 tháng qua, đơn vị chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Hiện nay, hoạt động của hệ thống Văn phòng đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Thứ nhất, về cơ sở dữ liệu đất đai của Sơn La còn rất hạn chế. Toàn tỉnh Sơn La mới có khoảng 20% số xã có bản đồ địa chính; 80% dùng sơ đồ nên ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Văn phòng.

Thứ 2, số lượng người làm việc của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và một số chi nhánh ít, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị. Cụ thể, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh là 12 biên chế, trong đó 2 biên chế được tuyển dụng từ 01/11/2012 và biệt phái đến Chi cục Quản lý đất đai để thực hiện công tác tái định cư dự án thủy điện Sơn La và chương trình phát triển cây cao su theo chủ trương của tỉnh. Chi nhánh Văn phòng đăng ký huyện Mường La, Bắc Yên, Mai Sơn, Sốp Cộp chỉ có từ 2-3 biên chế, không đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị.

Trong khi đó, số lượng Giấy chứng nhận cần cấp đổi, cấp lại còn rất lớn với khoảng hơn 400.000 giấy, bằng 82 % số giấy đã cấp. Biên chế được giao ít, Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh các huyện, thành phố phải hợp đồng thêm lao động mới đủ người để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Trước khi thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp, lực lượng lao động hợp đồng của các chi nhánh do UBND cấp huyện chi trả lương. Còn hiện nay, nguồn kinh phí để chi trả lương cho lực lượng lao động hợp đồng chủ yếu dựa vào nguồn thu phí, lệ phí của Văn phòng và các Chi nhánh, nhưng nguồn thu phí, lệ phí này thấp không đủ để chi trả lương cho 59 lao động hợp đồng thời vụ.

Thứ 3, Văn phòng Đăng ký đất đai cấp tỉnh vẫn phải thuê trụ sở làm việc, điều kiện làm việc chật chội, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn (như máy in A3, máy phô tô, máy Scan …) phần nào làm ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng công việc.

Thứ 4, Sơn La có 12 huyện, thành phố với địa hình trải rộng, đường xá đi lại còn nhiều khó khăn. Do đó, việc luân chuyển hồ sơ cấp GCN từ huyện lên tỉnh mất nhiều thời gian. Trong khi ngành TN&MT Sơn La đang phấn đấu cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thì với hiện trạng này, vô hình chung đã làm tăng thời gian giải quyết thủ tục hành chính, gây khó khăn cho người dân.

Cộng thêm, vấn đề nan giải nhất, theo tôi đó là khi đi vào một cấp, quyền tự chủ của các Giám đốc Chi nhánh bị hạn chế nhiều mặt, kéo theo hàng loạt vấn đề khác, dẫn đến việc giải quyết công việc thụ động đi rất nhiều.

PV: Với những khó khăn trên, phải chăng Sơn La chưa thực sự sẵn sàng để áp dụng mô hình một cấp, thưa ông?

Ông Phạm Văn Thi: Đúng là như vậy. Với hàng loạt những vướng mắc chưa được tháo gỡ như trên, tôi cho rằng, Sơn La chưa hội tụ đủ các điều kiện cần và đủ để triển khai hiệu quả mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp.

PV: Xin ông cho biết, trong thời gian tới, Sở TN&MT có đề xuất gì với Bộ TN&MT và UBND tỉnh để cải thiện tình trạng này?

Ông Phạm Văn Thi: Trước mắt, Sở TN&MT đề nghị UBND tỉnh bố trí trụ sở làm việc cho Văn phòng Đăng ký đất đai để đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, tạo thuận lợi cho các đơn vị hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cấp bổ sung kinh phí để Văn phòng đăng ký đất đai mua sắm thêm trang thiết bị cho Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thành phố.

Về lâu dài, tỉnh Sơn La đang tiến hành rà soát lại hiệu quả hoạt động của hệ thống một cấp để xem xét, trình Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép Sơn La tiếp tục thực hiện mô hình Văn phòng đăng ký đất đai 2 cấp như trước đây, cho đến khi hoàn thành hồ sơ dữ liệu đất đai toàn tỉnh cũng như trang bị, nâng cấp cơ sở vật chất phù hợp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Nga (thực hiện)

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn phòng Đăng ký đất đai Sơn La: Hiệu quả chưa cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO