Văn phòng Đăng ký đất đai: Đáp ứng tốt nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

28/02/2019 10:35

(TN&MT) - Theo Tổng cục Quản lý đất đai, tính đến hết năm 2018, đã có 54 tỉnh, thành phố đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai và đi vào hoạt động. Các Văn phòng Đăng ký đất đai ở tỉnh, thành phố sau khi kiện toàn, mặc dù điều kiện hoạt động khó khăn, nhưng đều hoạt động có hiệu quả, nhiều điểm ưu việt.

T4
Tiếp nhận hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai. Ảnh: MH

Trong quá trình kiện toàn, các địa phương đã phát hiện, xử lý và khắc phục nhiều tồn tại trong quá trình thực hiện của các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện trước đây; chất lượng thực hiện đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) sau khi kiện toàn được nâng cao, bảo đảm sự thống nhất trong thực hiện. Điển hình như tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Long, An Giang, Bình Dương, Bắc Ninh, Lâm Đồng, Đồng Nai…

Văn phòng Đăng ký đất đai là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở TN&MT do UBND cấp tỉnh thành lập hoặc tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở TN&MT và các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng TN&MT hiện có ở địa phương; có Chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (không giới hạn số lượng).

Hoạt động đăng ký đất đai đã có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất, có tính chuyên nghiệp hơn. Văn phòng có khả năng điều động nhân lực chuyên môn và phương tiện kỹ thuật linh hoạt để giải quyết các công việc trọng tâm theo từng địa bàn và theo thời điểm. Việc xây dựng, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai được thực hiện tốt hơn, tiết kiệm chi phí hơn do không phải lập nhiều bộ hồ sơ địa chính như trước đây; công tác kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện trong hệ thống Văn phòng đã được quan tâm thực hiện thường xuyên hơn.

Việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp GCN được thực hiện ngày càng thuận lợi với người dân do cơ quan đăng ký được tổ chức lại mang tính chuyên nghiệp; việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được đẩy mạnh thực hiện tạo điều kiện cho người sử dụng đất được lựa chọn nơi đăng ký. Ví dụ, một số tỉnh như Đồng Nai, Bến Tre đã cho phép các chi nhánh được tiếp nhận và tham gia giải quyết thủ tục đối với cả tổ chức; hộ gia đình, cá nhân có thể nộp hồ sơ thực hiện thủ tục tại Văn phòng Đăng ký đất đai hoặc tại các Chi nhánh. Qua đó, tạo sự cạnh tranh để phát triển của các cơ quan đăng ký, tạo điều kiện tốt cho triển khai hệ thống đăng ký điện tử.

Qua việc vận hành các Văn phòng hiệu quả, dẫn tới thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp GCN được bảo đảm đúng quy định; thời gian thực hiện thủ tục đăng ký và cấp GCN giảm từ 5 - 25 ngày so với trước đây. Thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch về đất đai đảm bảo đạt 90 - 95% so với quy định, tình trạng tồn đọng hồ sơ quá hạn đã cơ bản chấm dứt.

Nhiều Văn phòng Đăng ký đất đai hiện nay hoạt động khá tốt với cơ cấu tổ chức lên đến hơn nghìn cán bộ như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... một số Văn phòng Đăng ký đất đai có doanh thu ngày một tăng thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ công, hướng tới tự chủ về kinh phí hoạt động giảm bớt gánh nặng và tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước; minh bạch hóa các nguồn thu từ cung cấp dịch vụ và giảm thiểu hướng tới triệt tiêu các loại hình dịch vụ và nguồn thu phi chính tắc.

Đồng thời, nguồn thu từ đất (bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, phí, lệ phí do Văn phòng Đăng ký đất đai trực tiếp thu hoặc làm các thủ tục chuyển cơ quan Thuế, Kho bạc Nhà nước để thu) cho ngân sách Nhà nước liên tục tăng.

Tính riêng 3 năm (từ năm 2015 đến năm 2017) tổng nguồn thu của Văn phòng Đăng ký đạt 3.857,4 tỷ đồng, trong đó, nguồn thu từ ngân sách Nhà nước là 1.463,8 tỷ đồng; các khoản thu phí được để lại: 594,8 tỷ đồng; thu từ hoạt động dịch vụ và thu khác: 1.798,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai là cơ sở nền tảng cho việc liên thông dữ liệu với các ngành khác, tiến tới Chính phủ điện tử. Hiện nay, đã có 7 tỉnh, thành phố liên thông và chia sẻ cơ sở dữ liệu địa chính với cơ quan thuế để thực hiện việc xác định nghĩa vụ tài chính khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện thủ tục là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Tổng cục Quản lý đất đai, trong năm 2019, Tổng cục sẽ tăng cường phối hợp với Tổng cục Thuế để nhân rộng việc thực hiện liên thông thuế, kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên môi trường. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường triển khai thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin đất đai và dịch vụ chuyển phát hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai từ Văn phòng đến các Chi nhánh.

Hiện nay, còn 9 tỉnh chưa thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai là Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Quảng Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, trong đó, riêng tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện thí điểm mô hình “Trung tâm Hành chính công” nên UBND tỉnh chưa quyết định thành lập Văn phòng đăng ký đất đai.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn phòng Đăng ký đất đai: Đáp ứng tốt nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO