Vàm Ba Tỉnh bồi lấp, ngư dân thiệt hại nặng

09/11/2015 00:00

  (TN&MT) - Vàm Ba Tỉnh, nơi được xem "nồi cơm" của hầu hết ngư dân ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Người dân ở...

 

(TN&MT) - Vàm Ba Tỉnh, nơi được xem “nồi cơm” của hầu hết ngư dân ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Người dân ở đây phần đông hành nghề đi biển, sống nhờ vào sản vật của biển khơi. Tuy nhiên, giờ đây Vàm Ba Tỉnh ngày một cạn do phù sa bồi lắng khiến phương tiện công suất lớn không thể ra vào ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu nhập của ngư dân.

Ngư dân Vàm Ba Tỉnh sống chủ yếu bằng nghề khai thác
Ngư dân Vàm Ba Tỉnh sống chủ yếu bằng nghề khai thác

Không chỉ phương tiện công suất lớn phải chạy sang các cửa biển khác neo đậu nhờ mà tình trạng cạn tại Vàm Ba Tỉnh đã khiến cho nhiều phương tiện nhỏ thường xuyên bị mắc cạn hay gây chìm tàu khi ra vào cửa, thiệt hại cho ngư dân. Việc nạo vét Vàm Ba Tỉnh gần như bị bỏ ngỏ, ngư dân vì miếng cơm manh áo mỗi năm hai lượt ai có phương tiện thì hùn tiền để nạo vét, mở ra con đường để ra khơi đánh bắt cá, tôm nuôi sống gia đình. Thế nhưng, cũng chỉ mang tính tạm thời, khơi thông được vài tháng vàm lại cạn.

Thiệt hại nặng do bồi lấp

Tai nạn chìm tàu diễn ra ngay tại cửa nơi chỉ cách đất liền 200 – 300 m. Lão ngư Phan Thanh Sử, cười với nét mặt đầy xót xa khi nhắc về vụ tàu của gia đình ông bị chìm cách đây khoảng 3 tháng. “Sau chuyến ra khơi, tàu mới chạy vào tới cửa vàm thì bị mắc cạn trên bãi cát, mũi tàu quay ngang dẫn đến bị chìm. May là nhà có đông con, cháu nên đưa tàu khác ra kéo lên kịp thời, không thì thiệt hại nghiêm trọng”.

Tai nạn tàu của gia đình ông Sử không phải là sự cố hy hữu mà nó đã trở thành nỗi ám ảnh của ngư dân nơi đây khi ra vào Vàm Ba Tỉnh những năm gần đây. Ông Lâm Văn Khanh, hành nghề lưới cá cho biết: “Vàm này giờ cạn quá rồi, đặc biệt là vào mùa Nam, ghe, tàu lớn không dám vào mà phải chạy sang tận cửa Đá Bạc hay Khánh Hội để neo đậu nhờ. Chuyện tàu ra vào vàm gập nạn do mắt cạn là thường xuyên. Nếu không chìm thì gãy chân vịt, mắt kẹt ngay tại cửa vàm. Chỉ trong năm 2015 đã có 3 trường hợp tàu bị mắt cạn chìm ngay tại vị trí cách cửa vàm chưa đến 100m”.

Ông Trương Văn Sâm cho biết thêm: “Mấy năm gần đây năm nào cũng xảy ra sự cố chìm tàu ở cửa Vàm Ba Tỉnh này. Khi tàu bị chìm không chỉ bị hỏng hóc máy móc, tàu bị tổn giảm tuổi thọ đi biển đã đành, còn phải tốn tiền thuê tàu khác ra kéo lên. Nếu kéo kịp thời thì còn đỡ chứ để chìm hẳn thì thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng”.

Những năm gần đây do tình trạng bồi lắng khiến cuộc sống người dân gặp khó khăn
Những năm gần đây do tình trạng bồi lắng khiến cuộc sống người dân gặp khó khăn

Tình trạng cạn tại Vàm Ba Tỉnh không chỉ là hiểm họa mỗi khi tàu cập bến mà còn gây ra khó cho phương tiện trong bờ ra khơi đánh bắt. Ông Huỳnh Văn Vồn, ấp Mũi Tràm B cho biết: “Mỗi khi đến con nước phải ra khơi để kịp đánh bắt như khi đã chuẩn bị sẵn sàng nước đá, thực phẩm,... gọi bạn hẹn đúng ngày ra khơi thì đến cửa vàm lại bị mắc cạn không ra được! Những lúc như vậy phải ở lại một hai ngày thậm chí đến bốn năm ngày nước đá thì chảy hết, thực phẩm hư hỏng coi như chi phí mấy triệu đồng mất trắng”. Ông Huỳnh Văn Vồn nói tiếp: “Chuyện ra khơi phải theo con nước nên khi bị kẹt lại vài ngày là xem như thua. Nhiều lúc muốn ra cửa cho kịp con nước phải mướn tàu khác kéo ra, tốn thêm từ 2 triệu đến 3 triệu đồng!”.

Ngư dân tự bỏ tiền nạo vét

Số lượng ghe, tàu ra vào Vàm Ba Tỉnh hiện nay khá đông. Ông Sử cho biết: “Những năm gần đây số người sấm ghe, tàu đi biển tăng lên, chỉ tính riêng phương tiện từ 30CV trở lên vào cùng lúc cũng trên 50 chiếc, tàu công suất thấp hơn cũng trên 30 chiếc nên việc Vàm Ba Tỉnh bị cạn thế này gây nhiều khó khăn cho ngư dân. Khoảng 4 năm trở lại đây, để tạo điều kiện ra vào vàm thì năm nào các chủ tàu cũng phải cùng nhau bỏ tiền ra để thuê cơ giới nạo vét”.

Ông Trương Văn Sâm, hành nghề ốc mực nói: “Năm nay chúng tôi đã hùn tiền lại thuê cơ giới vào sên vét cửa Vàm Ba Tỉnh 2 lần rồi. Chúng tôi làm đơn xin phép chính quyền địa phương, sau khi được chấp thuận thì cử người có uy tín trong ngư dân đứng ra vận động, gom tiền các chủ tàu mỗi người hùn một ít tùy tâm. Nói chung ai có nhiều đóng nhiêu, nhưng nhìn chung ai có phương tiện thì đóng từ 500.000 đồng đến 600.000 đồng, riêng các chủ phương tiện nhỏ thì không phải đóng”.

Vàm Ba Tỉnh đang bị cạn dần do bồi lắng
Vàm Ba Tỉnh đang bị cạn dần do bồi lắng

Tuy nhiên ngư dân bỏ tiền ra để nạo vét cửa vàm cũng chỉ là biện pháp tạm thời, trước mắt. Bởi lẽ nạo vét bằng cơ giới nhỏ (cobe) như thế cũng chỉ được vài tháng là Vàm Ba Tỉnh lại cạn như cũ do bồi lắng. Tuy nhiên, vì nhu cầu cuộc sống, buộc họ phải ra khơi đánh bắt nuôi sống gia đình nên không còn cách nào khác họ phải tự thân vận động để kiếm sống. Ông Sử nói: “Vàm Ba Tỉnh này từ trước đến nay nhà nước hầu như không đầu tư nạo vét, phần lớn là ngư dân tự làm. Nếu cứ chờ để được đầu tư nạo vét thì phương tiện phải nằm bãi, lấy gì mà sống”.

Theo ông Sử thì muốn nạo vét Vàm Ba Tỉnh một cách cơ bản thì phải làm kè rồi cho xáng thổi vào thổi cát lên để tạo bãi chặn không cho lớp đất, cát được thổi lên bị chảy xuống lấp trở lại. "Biện pháp dùng cơ giới nhỏ của ngư dân chúng tôi là chỉ tạm thời, được vài tháng là lại cạn lại như cũ” - ông Sử nói.

Nguyễn Phú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vàm Ba Tỉnh bồi lấp, ngư dân thiệt hại nặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO