Về phía Bộ TN&MT có: ông Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Ban Cán sự Đảng - Bộ trưởng Bộ TN&MT, bà Nguyễn Thị Phương Hoa - Thứ trưởng Bộ TN&MT cùng đại diện Văn phòng Chính phủ, một số nhà khoa học và thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ.
Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã nghe đại diện Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội và thành viên Ban soạn thảo dự án Luật đo đạc và Bản đồ báo cáo việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đo đạc và Bản đồ theo ý kiến Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Đây là bản dự thảo lần thứ 6 của Dự án Luật.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ. Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến phát biểu của các vị Đại biểu Quốc hội thảo luận ở các Tổ và Hội trường về Dự thảo Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT), Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ TN&MT - Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật và các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH để chỉnh lý Dự thảo Luật.
Về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 4), một số ý kiến của ĐBQH đề nghị bổ sung quy định: bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền, trên không và trên biển; bảo đảm tính kế thừa sử dụng chung, chia sẻ thông tin để bảo đảm thống nhất, không gây lãng phí; xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động đo đạc bản đồ; các hoạt động đo đạc bản đồ phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tiếp thu ý kiến xác đáng của các vị ĐBQH, Dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung nguyên tắc hoạt động ĐĐ&BĐ phải bảo đảm chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; phù hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; thông tin, dữ liệu, sản phẩm ĐĐ&BĐ phải được cập nhật, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; công trình hạ tầng đo đạc, thông tin, dữ liệu, sản phẩm ĐĐ&BĐ được xây dựng bằng ngân sách nhà nước là tài sản công, phải được kế thừa, sử dụng chung, quản lý và bảo vệ theo quy định của pháp luật… như được thể hiện tại Điều 4 của Dự thảo Luật.
Về đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm (Điều 27 dự thảo Chính phủ trình), một số ý kiến ĐBQH cho rằng Dự thảo Luật quy định Bộ Xây dựng quản lý đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm là chưa bao quát được hết, cần có sự tham gia của các Bộ quản lý chuyên ngành như Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải,… và UBND cấp tỉnh. Ý kiến khác đề nghị quy định về bản đồ quy hoạch không gian ngầm, bản đồ xây dựng công trình ngầm cần phù hợp Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị.
Nghiên cứu tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, Dự thảo Luật đã chỉnh sửa quy định về nội dung đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm bao gồm: Đo đạc, thành lập, cập nhật bản đồ hiện trạng công trình ngầm; đo đạc, thành lập bản đồ phục vụ quy hoạch không gian ngầm; xây dựng, cập nhật CSDL bản đồ công trình ngầm. Đồng thời rà soát chỉnh sửa lại quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng và UBND cấp tỉnh.
Theo đó, Bộ Xây dựng có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm. Quy định trách nhiệm tổ chức triển khai hoạt động đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm, xây dựng CSDL bản đồ công trình ngầm trong phạm vi quản lý của từng địa phương là do UBND cấp tỉnh thực hiện.
Tuy hiện nay năng lực của UBND cấp tỉnh về quản lý hồ sơ, tài liệu các công trình ngầm trên địa bàn còn nhiều bất cập, nhưng quy định nêu trên là cần thiết nhằm thống nhất quản lý tại “một đầu mối”, phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng các công trình ngầm trên địa bàn bảo đảm hiệu quả.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý quy định về đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm được thể hiện như tại Điều 29 của Dự thảo Luật…
Sau khi nghe đại diện các cơ quan tham gia cuộc họp có ý kiến, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị các thành viên Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung và kỹ thuật văn bản để hoàn thiện Dự thảo trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp ngày 12 tháng 3 năm 2018.
Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ gồm 65 điều thể hiện trong 9 chương. Dự thảo Luật đã được Quốc hội khóa XIV đưa ra xem xét, thảo luận tổ và thảo luận tại Hội trường tại Kỳ họp thứ 4 diễn ra tháng 11/2017. Trên cơ sở những quan điểm, nguyên tắc nêu trên, dự thảo Luật đã tập trung thể chế hóa các chính sách như: Thứ nhất, Xây dựng, phát triển hạ tầng đo đạc, cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý quốc gia tiên tiến, đồng bộ, hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn; tạo nền tảng cơ bản để tăng cường triển khai ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thứ hai, Ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại, thống nhất và đồng bộ. Thứ ba, Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao dân trí. Thứ tư, Xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Đây là nội dung hoàn toàn mới phục vụ cho Chính phủ điện tử, quản lý xã hội thông minh, ứng phó biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế và đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp trong tổ chức triển khai và thúc đẩy việc chia sẻ, sử dụng chung thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ.
|