Ước mơ có một cây cầu

29/06/2017 00:00

(TN&MT) - Từ đời này qua đời khác, hàng nghìn người dân ở các bản Sủa, bản Na Phường và bản Na Hồ, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đang ngày ngày phải đánh cược mạng sống của mình trên chiếc cầu tạm bắc qua sông Luồng. Ước mơ lớn nhất của họ là có một chiếc cầu kiên cố để… đi.

Đánh cược mạng sống

Cây cầu này được người dân tự làm, nguyên vật liệu cũng là “tự cung, tự cấp” từ đắp kè ở hai bên bờ; đến việc dựng trụ cầu từ các cây gỗ; mặt, thành cầu là những cây luồng… tất cả đều lấy ở rừng về được gia cố bằng với nhau bằng những sợi dây thép tạm bợ. Ấy vậy nhưng, hàng ngày hơn 700 nhân khẩu ở hai bản Sủa, Na Phường, cũng như 230 nhân khẩu ở bản Na Hồ và bà con ở các bản khác, xã khác… để có thể tồn tại và phát triển họ không còn cách nào khác họ là vẫn phải đi qua cây cầu này.

Theo thống kê của UBND xã Sơn Điện, bình quân mỗi ngày có trên 300 lượt người và các loại phương tiện đi qua cây cầu này (chủ yếu là người đi bộ, xe đạp, xe máy). Tại 3 bản trên còn có  các điểm lẻ của Trường Mầm non và Trường Tiểu học xã Sơn Điện với gần 100 học sinh. Muốn đến trường, không còn con đường nào khác buộc các em phải đi qua cây cầu tạm này.

1. Chiếc cầu bắc qua sông Luồng nối 2 bản Sủa và Na Phường với bản Na Hồ bị hư hỏng nặng hôm 29-5 khiến giao thông bị ngưng trệ hoàn toàn.
Chiếc cầu bắc qua sông Luồng nối 2 bản Sủa và Na Phường với bản Na Hồ bị hư hỏng nặng hôm 29-5 khiến giao thông bị ngưng trệ hoàn toàn.

Theo cô Lò Thị Hồng- Giáo viên ở Na Hồ, Trường Mầm non xã Sơn Điện cho biết: Vào mùa mưa ở các bản trên như một ốc đảo, bị cô lập hoàn toàn, học sinh không thể đi học được. Còn ngày thường muốn qua sông các cô giáo, học sinh phải đợi có người lớn đi cùng thì mới dám qua cầu. Có thời điểm nước sông dâng cao, chảy xiết cuốn trôi cả cây cầu, học sinh phải nghỉ học ở nhà. Khi nước rút, người dân lại làm lại cầu, một năm phải mất mấy lần làm cầu mới.

Ông Lộc Văn Huệ - Trưởng bản Na Phường, xã Sơn Điện cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng phải quyên góp sức người và của để làm cầu tre qua sông, mỗi lần làm cầu phải góp hàng trăm cây tre và huy động người dân trong hai bản ra để làm phải mấy ngày mới xong. Có năm đến 5 - 6 lần làm cầu. Mỗi cây tre giá thấp nhất cũng đến 50 ngàn đồng, tính cả năm chúng tôi phải bỏ ra hàng trăm triệu để làm cầu qua sông”.

Riêng năm 2016, người dân phải làm lại cầu 3 lần. Ngày 29/5 vừa qua, do mưa lớn đã khiến cầu bị hư hỏng nặng, vì vậy giao thông bị ngừng trệ hoàn toàn. Chưa kể đến việc tai nạn vẫn luôn rình rập và xảy ra thường xuyên trên cây cầu tạm bợ, thiếu an toàn này”. Cũng theo ông Huệ năm 1998, đã có 1 vụ tai nạn do xe máy rơi xuống sông khiến 1 người thiệt mạng. Hàng năm, có hàng chục trường hợp xe máy, xe đạp bị rơi xuống sông nữa.

Do được làm một cách tạm bợ nên tình trạng hư hỏng xảy ra thường xuyên. Chỉ cần nước trên sông Luồng lên cao, chảy xiết là chiếc cầu bị cuốn trôi hoàn toàn.

Bao giờ người dân hết… khổ?

Đó không chỉ là câu hỏi bao đời của người dân xã Sơn Điện, mà là sự ái ngại của tất cả những ai đã một lần đến nơi đây. Cầu hỏng, bị cuốn trôi, nhất là vào mùa mưa lũ đồng nghĩa với việc hai bản Sủa và Na Phường bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có thời điểm mưa lũ kéo dài, người dân phải chờ tới khi nước rút mới tiến hành tự đắp đập, be bờ, làm lại cây cầu để đi lại qua sông.

Cầu tạm trước khi được người dân quyên góp làm lại
Cầu tạm trước khi được người dân quyên góp làm lại

Ông Phạm Văn Thược, một người dân cho biết: “Những lúc có người ốm đau, phải đi cấp cứu, rồi chị em phụ nữ sinh nở mà cầu hỏng, nước lũ lớn, bản bị cô lập hoàn toàn, không qua sông được thì không biết phải làm thế nào nữa. Đó là chưa kể đến việc các cháu phải nghỉ học, mọi giao thương đều phải ngừng trệ… Chúng tôi chỉ mong các cấp, các ngành quan tâm để giúp cho bà con có được một cây cầu theo đúng nghĩa”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lục Hải Vân - Chủ tịch UBND xã Sơn Điện cho biết: “2 bản Sủa và Na Phường là nơi có địa bàn đặc biệt khó khăn của xã với trên 700 nhân khẩu, chủ yếu là hộ nghèo. Chiếc cầu tạm qua sông Luồng nối 2 bản trên với bản Na Hồ (có tuyến quốc lộ 217 chạy qua) có ý nghĩa vô cùng quan trọng với bà con nhân dân nơi đây. Trước thực trạng đó, chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh và ngành giao thông xin hỗ trợ xây dựng một cây cầu kiên cố, bảo đảm thuận lợi, an toàn cho bà con nhân dân, song đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm nào. Mỗi lần cầu bị hỏng, người dân đều phải tự làm lại, xã không có kinh phí để hỗ trợ, chưa nói gì đến việc xây một cây cầu mới kiên cố, an toàn. Mùa mưa bão đang đến gần, cũng là mùa mà bà con địa phương hàng ngày đang phải đối mặt với tử thần”

Người dân các bản Sủa, bản Na Phường và bản Na Hồ đang rất cần có một cây cầu kiên cố để ổn định cuộc sống, giao thương với bên ngoài và nhất là để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng họ./.

Bài & ảnh: Tuyết Trang- Quỳnh Chi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ước mơ có một cây cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO