Để giao trách nhiệm cụ thể tới từng Bộ, ngành, địa phương, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/1/2013 quy định chi tiết về trách nhiệm xây dựng, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu các cấp tại Điều 7 và được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Quyết định số 63/2014/QĐ-TTg.
Mới đây, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 33/2018/TT-BTNMT quy định quy trình khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển nhằm hướng dẫn các địa phương đánh giá mức độ tổn thương, ô nhiễm và yêu cầu bồi thường sau sự cố.
Địa phương phải xây dựng Kế hoạch ứng phó
Quyết định số 63/2014/QĐ-TTg quy định rõ Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, cứu nạn (nay là Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu và chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức thực hiện Kế hoạch.
Đặc biệt, UBND cấp tỉnh có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu từ mức trung bình trở lên phải xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương trình Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn thẩm định và phê duyệt. Các cảng, cơ sở, dự án tại địa phương phải xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.
Các cơ sở, dự án dầu khí ngoài khơi phải xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, xin ý kiến UBND các tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu xảy ra sự cố tại cơ sở, dự án trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thẩm định và trình Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn phê duyệt.
Các Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực phải xây dựng Kế hoạch, phương án huy động phương tiện, thiết bị, vật tư để sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu trong khu vực được phân công, trình Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn phê duyệt. Các tàu chở dầu Việt Nam có tổng dung tích từ 150RT trở lên, các tàu khác có tổng dung tích từ 400RT trở lên phải có “Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu của tàu; các tàu biển chở xô chất lỏng độc hại có tổng dung tích từ 150RT trở lên phải có Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm của tàu do chở các chất lỏng độc hại. Các Kế hoạch này phải được cơ quan có thẩm quyền của Bộ GTVT phê duyệt theo quy định.
Đối với sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở, chưa xác định được cơ sở gây ra sự cố hoặc sự cố xảy ra chưa rõ nguyên nhân, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển nơi xảy ra sự cố có trách nhiệm trực tiếp chủ trì chỉ đạo ứng phó, đồng thời, có quyền huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các Bộ, ngành, cơ sở trên địa bàn để ứng phó.
Điều tra, đánh giá sơ bộ mức độ ô nhiễm
Để có cơ sở xác định mức độ ô nhiễm, nguồn gốc ô nhiễm và lấy tư liệu làm chứng cư cho việc xác định bồi hoàn về môi trường, địa phương các tỉnh có sự cố cần thực hiện điều tra, đánh giá sơ bộ mức độ ô nhiễm môi trường biển theo trình tự: Trước tiên, cần thu thập, tổng hợp thông tin, tài liệu, dữ liệu về hiện trạng môi trường, hệ sinh thái biển theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 33/2018/TT-BTNMT; tiến hành đo đạc, quan trắc, lấy và phân tích mẫu nhằm xác định nồng độ dầu trong môi trường biển theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.
Đánh giá sơ bộ mức độ ô nhiễm môi trường biển bao gồm: Xác định nồng độ tổng dầu mỡ khoáng đối với môi trường nước biển và tổng Hydrocacbon trong môi trường trầm tích bề mặt đáy biển theo quy định tại Điều 10 Thông tư này; so sánh với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hiện hành; đánh giá sơ bộ ảnh hưởng sự cố tràn dầu trên biển đối với tài nguyên sinh vật, hệ sinh thái;
Lập báo cáo điều tra, khảo sát, đánh giá sơ bộ mức độ ô nhiễm môi trường biển do sự cố tràn dầu trên biển theo mẫu quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư quy định quy trình khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển.
Việc điều tra đánh giá sơ bộ ô nhiễm môi trường biển do sự cố dầu tràn trên biển phải hoàn thành không quá 10 ngày kể từ khi có báo cáo kết thúc sự cố tràn dầu quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 13 Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu ban hành kèm theo Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg.
Qua xác định sơ bộ tại kết quả điều tra này, nếu trường hợp nồng độ dầu trong môi trường nước, môi trường trầm tích bề mặt đáy biển thấp hơn giá trị tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cho phép, không có dầu tập kết tại khu vực bờ biển và ảnh hưởng sự cố tràn dầu đối với tài nguyên sinh vật là không đáng kể, địa phương sẽ tiến hành công bố thông tin khu vực không bị ô nhiễm môi trường, kết thúc hoạt động khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển. Nếu các chỉ tiêu vượt ngưỡng, cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển sau khi lập kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển phải gửi về UBND các cấp nơi xảy ra sự cố tràn dầu và Bộ, ngành trực tiếp quản lý. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành gửi kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển về Bộ TN&MT.