Ứng phó BĐKH: EU khuyến nghị VN quan tâm đến giải pháp năng lượng

24/11/2015 00:00

(TN&MT) - Là nhà tài trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam, EU luôn song hành cùng Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Trong giai đoạn tới, EU sẽ hướng nhiều hơn cho việc hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, tập trung vào năng lượng và quản lý Nhà nước. Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, Liên minh Châu Âu và các nước thành viên đã hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính?

ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam
ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam

Ông Bruno Angelet: Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, rõ rệt nhất là ở các địa phương ven biển. Trong nhiều năm qua, EU đã đóng góp rất nhiều vào các chương trình, dự án chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam với giá trị tài trợ không hoàn lại lên tới 600 triệu Euro. Đáng chú ý, một số dự án như Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu của Bỉ, dự án Hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo trong lĩnh vực công nghiệp của Tây Ban Nha, chương trình Đào tạo và hỗ trợ xây dựng hệ thống kiểm kê khí nhà kính và hệ thống đo đạc, bác cáo và kiểm chứng phát thải (MRV) của Vương quốc Anh… Đây đều là những lĩnh vực Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm để theo dõi và quản lý, vì vậy, chúng tôi tập trung vào các vấn đề tăng cường năng lực, chuyển giao kinh nghiệm và xây dựng chính sách ở cả chính quyền cấp Trung ương và địa phương.

Trong giai đoạn 2014 - 2020, gói viện trợ song phương đã tăng hơn 30% so với thời gian 7 năm trước, lên mức 400 triệu Euro để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong đó, 346 triệu Euro sẽ được dùng để xây dựng một ngành năng lượng bền vững, còn lại phân bổ cho các ngành khác. Ngoài ra, các nước thành viên EU như: Pháp, Bỉ, Anh, Italia, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức, Luc-xăm-bua cũng đang thực hiện các hoạt động hợp tác phát triển tại Việt Nam thông qua ngân sách của mình.

 

PV: Tại sao lĩnh vực năng lượng lại được EU chú trọng như vậy trong gói hỗ trợ giai đoạn này?

Ông Bruno Angelet: Không riêng gì Việt Nam, thế giới cũng đang đối mặt với vấn đề phát thải khí nhà kính xuất phát chủ yếu từ lĩnh vực năng lượng. Do công nghệ lạc hậu và thiếu vốn nên nhiều ngành sản xuất của Việt Nam vẫn sử dụng năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm, hiệu quả chưa cao và thiếu tính bền vững, rất cần có cuộc cải tổ năng lượng. Trong bối cảnh thế giới đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo về hiện tượng nóng lên toàn cầu, từ nhiều năm nay, EU vẫn hợp tác với Chính phủ Việt Nam để phân tích và đề xuất lộ trình cho chính sách tài khóa về trợ giá nhiên liệu hóa thạch và phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, đồng thời đề xuất những giải pháp tính phí phát thải để thúc đẩy tiêu thụ và sản xuất năng lượng sạch trong nước.

Với tư cách là nhà viện trợ, EU mong muốn Chính phủ Việt Nam ưu tiên cho các dự án cấp điện nông thôn, đảm bảo cho những người nông dân nghèo có thể tiếp cận với năng lượng điện, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thời gian tới, chúng tôi sẽ dành thời gian để thảo luận chi tiết hơn như có nên xây dựng mạng lưới cấp phát năng lượng tái tạo cho những vùng khó khăn, cấu trúc ngành điện như thế nào để để an ninh năng lượng song hành với bảo vệ môi trường hay phân bổ ngân sách cải cách năng lượng ở Việt Nam…

 

PV: Với tư cách là đối tác viện trợ lớn, Liên minh Châu Âu và các nước thành viên có đề xuất gì để Việt Nam thực thi hiệu quả hành động ứng phó BĐKH, thưa ông?

Ông Bruno Angelet: Là đối tác viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam, chúng tôi muốn khẳng định: EU và các nước thành viên sẵn sàng hợp tác với Việt Nam, hỗ trợ tài chính, nguồn nhân lực, kinh nghiệm trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, cũng như hiện thực hóa những cam kết của Việt Nam trong bản báo cáo Đóng góp Quốc gia tự quyết định gửi lên Hội nghị COP 21.

EU luôn song hành cùng Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Ảnh: MH
EU luôn song hành cùng Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Ảnh: MH

 

Việt Nam cần chủ động tranh thủ nguồn lực này bằng cách đề xuất thêm nhiều sáng kiến hay, giải pháp cụ thể trong mỗi dự án, đồng thời triển khai thực một cách thực chất, hiệu quả dòng vốn viện trợ.

Bên cạnh đó, tôi muốn khẳng định rằng, đầu tư công là không đủ để ứng phó với biến đổi khí hậu, cần huy động khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cùng hành động. Mà muốn làm được điều này, trước tiên, phải gỡ những vướng mức về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào năng lượng sạch nói riêng và các lĩnh vực giảm phát thải nói chung.

Cùng với những nỗ lực của mình, EU khuyến khích Việt Nam nên có một cam kết mục tiêu về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tới năm 2030 cao hơn tại COP 21, so với mục tiêu hiện tại là 8%.

Khánh Ly

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó BĐKH: EU khuyến nghị VN quan tâm đến giải pháp năng lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO