Ứng dụng phương pháp sản xuất khí sinh học bền vững từ rơm, lục bình

31/03/2014 00:00

(TN&MT) - Dự án là sự hợp tác nghiên cứu giữa trường Đại học Cần Thơ và trường Đại học Aarhus - Đan Mạch, thời gian thực hiện từ tháng 4/2012 đến tháng 9/2016.

   
(TN&MT) - Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị sơ kết những kết quả bước đầu của Dự án sản xuất khí sinh học bền vững từ rơm, lục bình ở khu vực ĐBSCL với sự tham dự của hơn 50 đại biểu đến từ các Sở Tài nguyên và Môi trường khu vực ĐBSCL, các chuyên gia trong và ngoài nước…
   
Đốt rơm ở huyện Vị Thủy (Hậu Giang)
   
  Dự án là sự hợp tác nghiên cứu giữa trường Đại học Cần Thơ và trường Đại học Aarhus - Đan Mạch, thời gian thực hiện từ tháng 4/2012 đến tháng 9/2016. Mục tiêu của dự án nhằm thử nghiệm các phương pháp tiền xử lý bằng vật lý, hóa học rơm, lục bình cho sản xuất khí sinh học.
   
  Theo báo cáo, sau gần 2 năm triển khai thực hiện dự án, các Nhóm nghiên cứu của Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên đã tiến hành thu thập các số liệu, phỏng vấn nông hộ, xác định khối lượng rơm, rạ, lục bình ở khu vực ĐBSCL, đồng thời tiến hành thí nghiệm phương pháp phối trộn ủ rơm rạ, lục bình với các nguyên liệu như phân heo, nước bùn đen, nước thải sau biogas, nước máy.
  Tiến sĩ Nguyễn Võ Châu Ngân, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ cho biết: “Qua kết quả nghiên cứu cho thấy, việc phối trộn rơm hoặc lục bình với phân heo sẽ giúp quá trình sinh khí diễn ra nhanh hơn, đồng thời tổng lượng khí sinh ra cao hơn so với sinh khí của mẻ ủ 100% là phân heo, đồng thời một số vi khuẩn tổng Cliform và Fecal Cliform đều giảm hơn 99% sau khi ủ”…
   
  Phát biểu tại hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Hữu Chiếm, Chủ nhiệm Dự án cho biết: Sản xuất khí sinh học bền vững từ rơm, lục bình cho rằng, lượng rơm rạ, lục bình phát sinh ở khu vực ĐBSCL hằng năm là rất lớn, nhưng phần lớn lượng rơm rạ đã bị nông dân đốt trên đồng ruộng và phun xịt thuốc để tiêu diệt lục bình, việc này gây lãng phí nguồn sinh khối dồi dào từ nông nghiệp và phát thải một lượng lớn khí CO2, CO, NOx vào bầu khí quyển, gây hiệu ứng nhà kính. “Việc nghiên cứu, ứng dụng phương pháp sử dụng rơm rạ, lục bình để sản xuất khí sinh học bền vững là điều rất cần thiết, nó không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho các nông hộ, mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường…”- PGS TS Nguyễn Hữu Chiếm nhấn mạnh.
   
Lê Hùng
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng phương pháp sản xuất khí sinh học bền vững từ rơm, lục bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO