UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm vụ tận thu gỗ hỗ trợ người dân làm nhà

11/05/2015 00:00

Đó là nội dung văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành ngày 4/5, về việc chỉ đạo, giao các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, làm rõ trách nhiệm đối với...

 

Đó là nội dung văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành ngày 4/5, về việc chỉ đạo, giao các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, làm rõ trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến việc tận thu lâm sản để hỗ trợ làm nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số thôn Đưng K’Si (xã Đạ Chais, Lạc Dương)... 

Cũng theo nội dung văn bản trên, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến việc ban hành văn bản chỉ đạo; lập hồ sơ, tổ chức khai thác, giám sát, nghiệm thu, chế biến... đối với khối lượng gỗ tận thu, tận dụng đã khai thác trên địa bàn huyện. Đồng thời, giao cho Sở Thanh tra phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, thanh tra toàn bộ việc thực hiện khai thác tận thu, tận dụng, chế biến, tiêu thụ gỗ của Công ty TNHH Vân Nhi để làm rõ những sai phạm, và xử lý theo luật định. 

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường vụ tận thu gỗ
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường vụ tận thu gỗ

UBND tỉnh Lâm Đồng còn chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh làm rõ trách nhiệm của Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương trong công tác tham mưu, kiểm tra, giám sát việc thực hiện khai thác tận thu, tận dụng gỗ tại huyện Lạc Dương. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm phải có báo cáo bằng văn bản cho UBND tỉnh trước ngày 30/5/2015. 

 Trước đó, với danh nghĩa tận thu, tận dụng lâm sản có nguy cơ ngã đổ trong mùa mưa bão để hỗ trợ cho các hộ DTTS thôn Đưng K’Si làm nhà, từ tháng 4 đến tháng 9/2014, UBND huyện Lạc Dương đã ban hành 6 văn bản cho phép, chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện thực hiện khai thác trên 388m3 gỗ thông tròn và gỗ tạp tại các cánh rừng phòng hộ, rừng kinh tế nằm trên địa bàn huyện. Từ các văn bản này, các phòng, ban của huyện đã thuê doanh nghiệp tổ chức đốn hạ, đưa ra khỏi rừng hàng trăm m3 gỗ mà không gặp sự cản trở nào. 

 Cụ thể, theo số liệu kiểm tra của cơ quan chức năng, từ ngày 18/6/2014 đến 26/11/2014, có trên 263m3 gỗ (trên 249m3 gỗ thông tròn và hơn 14m3 gỗ tạp), đã được Công ty TNHH Vân Nhi (trụ sở tại thôn Đạ Chais, xã Đa Nhim; doanh nghiệp được các cơ quan chức năng của huyện Lạc Dương hợp đồng khai thác tận thu gỗ), đốn hạ, đưa đến bãi tập kết theo các văn bản cho phép của UBND huyện Lạc Dương. Số gỗ trên được Ban Quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim (Ban QLRPH Đa Nhim), Hạt Kiểm lâm Lạc Dương, Phòng NN&PTNT Lạc Dương, Phòng Dân tộc huyện Lạc Dương bàn giao cho UBND xã Đạ Chais để cấp hỗ trợ cho 22 hộ dân thôn Đưng K’Si dựng nhà ở. Điều đáng nói, trong số gỗ được bàn giao cho UBND xã Đạ Chais, chỉ có 245,2m3 được đóng búa kiểm lâm.

 Toàn bộ số gỗ được bàn giao trên (gồm 6 lô gỗ, tương ứng với 6 văn bản cho phép khai thác tận thu, tận dụng của UBND huyện Lạc Dương), lại được UBND xã Đạ Chais ký kết hợp đồng với công ty vừa triệt hạ rừng mà chưa được sự cho phép của UBND tỉnh cũng như các cơ quan có thẩm quyền, để thực hiện gia công cưa xẻ, sau đó bàn giao gỗ cho xã để xã hỗ trợ cho các hộ dân làm nhà. Nhưng, Công ty Vân Nhi cũng không thực hiện theo nội dung của hợp đồng bàn giao gỗ cho UBND xã Đạ Chais mà trực tiếp giao gỗ cho người dân, cùng với người nhận thi công dựng nhà cho công ty, trong đó có gỗ của công ty ứng trước (theo dạng quy đổi gỗ). Số gỗ này không được công ty tiến hành các thủ tục xác nhận của Kiểm lâm theo qui định tại Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT, nên không thể hiện được cụ thể gỗ ứng trước và gỗ giao cho dân làm nhà từ nguồn gỗ do UBND xã Đạ Chais hợp đồng gia công. 

 Đã vậy, theo hồ sơ mà Công ty Vân Nhi cung cấp cho cơ quan chức năng, số gỗ đã giao cho các hộ dân ở thôn Đưng K’Si là 134,49m3, trong đó, 9 hộ tự làm nhận 35,252m3 gỗ xẻ; và làm nguyên căn 13 nhà là 99,242m3 gỗ xẻ. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của cơ quan chức năng, số gỗ Công ty Vân Nhi giao cho người được thuê làm 13 căn nhà trên ít hơn tới 34m3, bởi trên thực tế bình quân mỗi căn nhà chỉ có khoảng 5m3 gỗ. Bên cạnh đó, cho đến nay, Công ty Vân Nhi vẫn chưa giao cho xã Đạ Chais theo hợp đồng là 35,9m3 gỗ, nhưng tại xưởng cưa của công ty này vẫn còn tồn khoảng 200m3 gỗ xẻ các loại.

Nhà được làm từ gỗ tận thu của huyện Lạc Dương
Nhà được làm từ gỗ tận thu của huyện Lạc Dương

Liên quan đến vụ việc, trong quá trình tìm hiểu, xác minh, chúng tôi được một cán bộ của huyện cho biết, mỗi căn nhà thuộc diện sắp xếp dân cư ở thôn Đưng K’Si có diện tích 6m x 8m; với tổng trị giá 75 triệu đồng. Ngoài việc khai thác tận thu, thực hiện gia công cưa xẻ gỗ, Công ty Vân Nhi còn được UBND xã Đạ Chais tiếp tục hợp đồng xây dựng nhà cho người dân thôn Đưng K’Si theo kiểu “chìa khóa trao tay”, tuy nhiên, công ty chỉ thực hiện 13 căn, còn lại 9 căn người dân nhận tiền, gỗ rồi tự làm. 

 Trong khi đó, theo một cán bộ tham gia đoàn kiểm tra, trong các văn bản khai thác tận thu, tận dụng gỗ của UBND huyện đều giao cho Ban QLRPH Đa Nhim phối hợp với Hạt Kiểm lâm tổ chức khai thác tận thu, tận dụng lâm sản để cấp gỗ cho dân Đưng K’Si làm nhà. Thế nhưng, Ban QLRPH Đa Nhim lại hợp đồng với Công ty Vân Nhi thực hiện mà không hề lập hồ sơ thiết kế khai thác tận thu, tận dụng theo qui định tại Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT. Đã vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ UBND huyện giao, Ban QLRPH Đa Nhim còn thiếu kiểm tra, giám sát hiện trường, để doanh nghiệp khai thác không đúng đối tượng, số lượng được giao; khai thác vượt số lượng nhưng vẫn tiến hành nghiệm thu lâm sản và không lập biên bản đối với việc tận dụng lâm sản sai đối tượng bàn giao của đơn vị thi công. Riêng Hạt Kiểm lâm Lạc Dương được giao giám sát, nhưng lại để đơn vị thi công khai thác không đúng đối tượng gỗ, vượt khối lượng và để lại gỗ ở hiện trường, chưa thu gom hết nhưng không lập hồ sơ xử lý. 

 Toàn bộ việc làm trên diễn ra trong suốt thời gian dài, mặc dù chưa có chủ trương, cho phép của UBND tỉnh; không theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Còn cơ quan chức năng là Sở NN&PTNT cũng không hề hay biết; Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng không được báo cáo việc khai thác tận thu, tận dụng số gỗ trên trong suốt quá trình mà huyện thực hiện. Chỉ đến khi vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra... thì ngày 21/4/2015, UBND huyện Lạc Dương mới có văn bản báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng.

Theo Báo Lâm Đồng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm vụ tận thu gỗ hỗ trợ người dân làm nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO