Tuyên Hóa (Quảng Bình): Hàng chục ha rừng phòng hộ Bà Đà bị chặt phá nghiêm trọng

19/09/2017 00:00

(TN&MT) -  Hàng chục ha rừng phòng hộ đầu nguồn Bà Đà tại xã Mai Hóa(huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) bị “lâm tặc” phát trắng không thương tiếc. Tình trạng nói trên diễn ra trong một thời gian dài nhưng không hiểu vì sao đến nay các cơ quan lại không có biện pháp nào ngăn chặn kịp thời, sự việc này đang khiến người dân ở đây hết sức bức xúc, bất bình.

Mở đường vào phá rừng phòng hộ

Thời gian qua, người dân xã Mai Hóa hết sức bất bình vì hàng chục héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn tại khu vực Bà Đà bị xâm hại nghiêm trọng. Theo phản ánh của người dân nơi đây thì hàng chục héc ta rừng tái sinh tự nhiên bị các đối tượng lâm tặc phát trắng lấy gỗ nhỏ, lấy củi rồi sau đó đốt và trồng keo.

Hàng chục ha rừng phòng hộ đầu nguồn Bà Đà tại xã Mai Hóa bị “cạo trọc”
Hàng chục ha rừng phòng hộ đầu nguồn Bà Đà tại xã Mai Hóa bị “cạo trọc”

Theo chân ông C.M.H, xã Mai Hóa chúng tôi vào thực tế hiện trường để tận mắt chứng kiến cảnh tượng phá rừng đang diễn tại địa phương này. Để tiếp cận được dãy núi cao Bà Đà nơi giáp ranh giữa rừng phòng hộ xã Mai Hóa và xã Ngư Hóa(huyện Tuyên Hóa) từ QL 12A xã Mai Hóa đi vào khoảng 10 km, hướng đường vào xã Ngư Hóa thì bắt gặp một con đường lớn được người dân mới san ủi đi vào khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Bà Đà. Con đường được san ủi từ quả đồi này sang quả đồi khác để phục vụ cho việc phá rừng và cũng như sau này phục vụ công việc trồng rừng keo của người dân.

Lần theo con đường mới mở, hai bên bạt ngàn những ngọn đồi trọc đã được “dọn sạch”, một số khu vực phía ngoài người dân đã tiến hành trồng keo xen lẫn, tại đây có những quả đồi, tràm mới được trồng chưa lâu. Đi tiếp con đường này chúng tôi chứng kiến những đồi rừng phòng hộ đầu nguồn đang bị đốt dở, trên đường đi chúng tôi liên tục bắt gặp người dân đưa xe vào tận rừng để chở củi, vận chuyển gỗ. Ông C.M.H cho biết những người này chở củi từ khu vực rừng vừa bị chặt, phá và mới đốt xong, họ vẫn thường xuyên vào, ra chở củi, gỗ ở đây mà không gặp bất cứ trở ngại nào.

Nhiều quả đổi đã được trồng keo, tràm
Nhiều quả đổi đã được trồng keo, tràm

Chỉ tay về phía rừng phòng hộ giáp ranh xã Ngư Hóa ông C.M.H  chua xót, “Khu vực này là rừng phòng hộ đầu nguồn, người dân chúng tôi thấy bị tàn phá nặng nề mà lại không được bảo vệ, người vẫn thấy vào chặt phá rừng, phá xong đốt rồi trồng keo, tràm mà không thấy ai kiểm tra xử lý cả. Từ năm ngoái lại đây diện tích rừng phòng hộ đã bị thu hẹp cả trăm ha, cư như thế này chắc cũng chỉ ít năm nữa là rừng phòng hộ sẽ hết. Năm 2016, đã xảy ra 2 trận lũ lịch sử, dân ở vùng dưới bị ngập hết, rừng phòng hộ đầu nguồn bị phá như thế thì sẽ còn ngập lụt nhiều nữa”.

Tình trạng chặt phá rừng phòng hộ đã diễn ra từ lâu
Tình trạng chặt phá rừng phòng hộ đã diễn ra từ lâu

Người dân ở Mai Hóa cho biết một số khu vực rừng ở dãy núi Mồng Gà đã được chính quyền giao cho dân và chuyển đổi sang trồng rừng sản xuất. Tuy nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn của đồi Bà Đà thì đang bị tàn phá nặng nề. đi dọc theo con đường mới diện tích rừng bị chặt phá càng nhiều, nhiều khu vực đã bị đốt cháy. Điều đáng nói là con đường mới mở này nhằm mục đích thuận tiện cho các lâm tặc phá rừng được mở sâu vào trong rừng phòng hộ nhưng chính quyền địa phương lẫn cơ quan chức năng không hề có biện pháp để ngăn chặn và cứ thế đường vào được mở thẳng rừng phòng hộ.

Kiểm lâm đang chờ báo cáo từ cấp dưới?

Tình trạng phá hàng chục héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn diễn ra tại xã Mai Hóa diễn ra từ năm 2016 đến nay, nhưng lại không có sự vào cuộc từ cơ quan chức năng khiến cho người dân ở đây hết sức bất bình.

Đường được mở vào tận rừng, Xe ngang nhiên vào rừng vận chuyển gỗ và củi
Đường được mở vào tận rừng, Xe ngang nhiên vào rừng vận chuyển gỗ và củi

Ông Trần Văn Giáo- Chủ tịch UBND xã Mai Hóa thừa nhận có tình trạng chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn xã từ năm trước tới nay. Tuy nhiên, lý giải cho việc này, ông Trần Văn Giáo cho rằng do địa phương không có đủ nhân lực để đi kiểm tra hàng ngày. “Trước đây giao rừng là không rõ rằng, mốc không củ thể nên khó quản lý,  hồi xưa thì họ cũng không quan tâm lắm, xa nên không ai nhận nên không giao được và xã đang quản lý rừng đó với diện tích hơn 500 héc-ta. Hiện nay có con đường được mở vào để sẻ phát, vận chuyển, tình trạng này đã diễn ra từ trước tết, cũng có nơi mới làm. Các đối tượng vi phạm đã lập biên bản hành chính sẽ yêu cầu huyện khởi tố. Riêng các hộ đã tiến hành trồng keo, xã phát trên loa phóng thanh yêu cầu đến làm việc với xã, nếu không thì cuối tháng 9 này, xã sẽ thành lập đoàn vào cưỡng chế bằng cách nhổ cây trồng vào đất rừng đã vi phạm”.

Con đường đang ngày càng đi sâu vào trong rừng phòng hộ nhưng lại không có sự ngăn chặn nào từ địa phương và cơ quan chức năng
Con đường đang ngày càng đi sâu vào trong rừng phòng hộ nhưng lại không có sự ngăn chặn nào từ địa phương và cơ quan chức năng

Theo như báo cáo của địa chính xã Mai Hóa, kiểm đếm diện tích bị phá mà các đối tượng vi phạm chặt phá rừng phòng hộ đến nay chỉ là 2.000m2(2 héc-ta)?. Theo ghi nhận PV thì hàng chục quả đồi đã bị chặt phá và đốt trắng, một số khu vực đồi đã được trồng keo lên. Những khu vực mới sẻ phát, đốt cháy bạt từ sườn đồi này băng qua khu đồi khác cũng lên tới hàng chục hé-ta.

Trao đổi về tình trạng rừng phòng hộ đầu nguồn tại xã Mai Hóa đang bị chặt phá, ông Hồ Ngọc Danh- Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa, cho biết: “Ở đây có cả loại đất DDT1 là loại đất để trồng rừng chứ không phải rừng. Hiện nay chúng tôi mới chỉ nghe kiểm lâm địa bàn báo lên là có 3 vụ vi phạm đã lập biên bản, còn diện tích bao nhiêu thì chúng tôi đang chờ báo cáo cụ thể từ kiểm lâm địa bàn. “Thời gian gần đây BQL rừng phòng hộ Tuyên Hóa đang gặp khó khăn trong công tác tổ chức và bảo vệ rừng, nên Hạt kiểm lâm phải dồn lực lượng tăng cường, hỗ trợ. Bởi vậy lực lượng chủ yếu tuần tra các xã phía  trên, cũng ít xuống phía dưới đó, nên việc cập nhật nắm tình hình chưa đến nơi, với lại địa bàn rộng cũng là một phần nguyên nhân”.

Đến bao giờ tình trạng phá rừng này sẽ được ngăn chặn, xử lý?
Đến bao giờ tình trạng phá rừng này sẽ được ngăn chặn, xử lý?

Thế nhưng sau khi xem các hình ảnh do PV cung cấp từ thực tế, ông Danh tỏ ra bất ngờ, “À đây là rừng rồi, nhưng không thấy anh em kiểm lâm địa bàn báo lên, ngày mai tôi sẽ cho người mang máy đo lại kiểm tra, đo diện tích cho cụ thể để nắm lại. sau đó sẽ có biện pháp để xử lý, rất cảm ơn các anh đã thông tin. Nếu có kết quả diện tích cụ thể chúng tôi sẽ báo lại”, ông Hồ Ngọc Danh cho biết.

Tình trạng chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn đã diễn ra từ năm 2016 đến nay, hàng chục ha rừng mắt trắng nhưng không hề có sự can thiệp, ngăn chặn, xử lý từ cơ quan chức năng. Người dân đang đặt câu hỏi, liệu đến bao giờ tình trạng phá rừng được ngăn chặn?

Bài & ảnh: Tuyết Trang - Hồng Thiệu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên Hóa (Quảng Bình): Hàng chục ha rừng phòng hộ Bà Đà bị chặt phá nghiêm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO