Tuyên bố chung về tham vấn trước cho dự án thủy điện Pắc – Beng của Lào

28/06/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 19/6/2017, Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã tổ chức một Phiên họp đặc biệt về đề xuất Dự án thủy điện Pắc-Beng tại Viêng Chăn, Lào để đánh giá các kết quả sơ bộ của 6 tháng đầu tiên của quá trình Tham vấn chính thức.

Tại phiên họp lần này đã có một bước tiến quan trọng so với hai lần tham vấn trước đối với Dự án thủy điện dòng chính Xay-nha-bu-ly và Đôn Sa-hông là Ủy ban Liên hợp đã thống nhất ra một Tuyên bố chung kêu gọi “Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào làm hết sức mình giảm thiểu các tác động xuyên biên giới tiềm tàng của Dự án Thủy điện Pắc-Beng” và yêu cầu Ban Thư ký Ủy hội chuẩn bị một bản Kế hoạch hành động chung bao gồm các hoạt động sau giai đoạn 6 tháng của tham vấn trước.

Hội thảo tham vấn Dự án thủy điện Pắc-Beng trên dòng chính sông Mê Công của Lào được tổ chức tại Hà Nội ngày 05/5/2017, ngày 12/5/2017 tại thành phố Cần Thơ
Hội thảo tham vấn Dự án thủy điện Pắc-Beng trên dòng chính sông Mê Công của Lào được tổ chức ngày 12/5/2017 tại thành phố Cần Thơ

Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn xin đăng tải toàn văn tuyên bố chung này:

Tuyên bố chung về tham vấn trước cho dự án thủy điện Pắc – Beng của Lào

Ngày 19 tháng 6 năm 2017 tại Thủ đô Viêng chăn, CHDCND Lào, Ủy ban Liên hợp của Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) đã tổ chức Phiên họp đặc biệt về Dự án Thủy điện Pắc-Beng.

Ủy ban Liên hợp Ủy hội đã:

Dựa trên cơ sở Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công (gọi tắt là Hiệp định Mê Công) được chính phủ bốn nước Campuchia, CHDCND Lào, Thái Lan và Việt Nam ký kết vào năm 1995 đặt nền móng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực nhằm bảo tồn, quản lý, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên nước và các nguồn tài nguyên liên quan khác của lưu vực sông Mê Công; và đã được các bên tham gia tái khẳng định các cam kết của mình đối với các Mục tiêu và Nguyên tắc của Hiệp định Mê Công tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mê Công quốc tế tổ chức vào năm 2014.

Nhắc lại việc Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã thông qua Chiến lược Phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng Hạ lưu vực sông Mê Công cho giai đoạn 2016-2020, trong đó ghi nhận phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công là một cơ hội phát triển nhưng các tác động bất lợi tiềm tàng có tính xuyên biên giới cần phải được giảm thiểu.

Ghi nhận Chính phủ CHDCND Lào đã trình đề xuất Dự án Thủy điện Pắc-Beng để tiến hành quá trình Tham vấn trước theo quy định của Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) và ý thức được sứ mệnh của mình là tiến hành đánh giá đề xuất sử dụng nước nói trên để đạt được thỏa thuận chung; đồng thời đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và hợp tác của CHDCND Lào trong quá trình tham vấn cho Dự án Thủy điện Pắc-Beng.

Ghi nhận nỗ lực của Ban thư ký của Ủy hội đã chuẩn bị Báo cáo Đánh giá Kỹ thuật cho quá trình Tham vấn trước, hỗ trợ các Phiên họp Nhóm công tác Ủy ban Liên hợp Ủy hội cũng như tổ chức các Diễn đàn tham vấn các bên có liên quan cấp quốc gia và vùng, và xác nhận các quốc gia được thông báo đã trình các Mẫu trả lời ý kiến chính thức của quốc gia mình về Dự án Thủy điện Pắc-Beng.

Trên cơ sở kết quả của Báo cáo Đánh giá Kỹ thuật và kết quả của các Diễn đàn tham vấn cấp quốc gia và vùng, Mẫu trả lời chính thức của các quốc gia thành viên, Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế:

I. Kêu gọi Chính phủ CHDCND Lào làm hết sức mình nhằm giảm thiểu các tác động xuyên biên giới tiềm tàng của Dự án Thủy điện Pắc-Beng, thông qua xem xét áp dụng các biện pháp chính sau chưa kể các biện pháp khác trong quá trình triển khai Dự án:

1. Xác định các tác động tiềm tàng đến chế độ thủy lực và thủy văn ở cả thượng lưu và hạ lưu công trình:

a. Hợp tác với Thái Lan tiếp tục sử dụng mô hình tính toán lũ ảnh hưởng ngập lụt tới các vùng đất và các cơ sở hạ tầng của Thái Lan qua nhiều chế độ vận hành đập và các chế độ dòng chảy tới từ các sông nhánh;

b. Xác định tần suất có thể xảy ra ngập úng;

c. Áp dụng các chế độ vận hành và điều phối phù hợp để giảm thiểu tác động lên chế độ dòng chảy tại chỗ và xuyên biên giới;

d. Thông tin cho các bên kết quả của các phân tích này để xây dựng các hoạt động giám sát và điều chỉnh thiết kế và vận hành của Thủy điện Pắc-Beng.

2. Cải thiện quá trình vận chuyển phù sa qua hồ chứa/khu trữ nước trên sông và quản lý tài nguyên nước bằng cách:

a. Thiết kế tối ưu các công trình xả phù sa/bùn cát nhằm nâng cao hiệu suất xả bùn cát của công trình thủy điện Pắc-Beng, bao gồm hiệu quả hoạt động của các cửa xả đáy và biện pháp nạo vét cơ học;

b. Xem xét các biện pháp giảm thiểu và giảm nhẹ các tác động tiềm tàng của quá trình bồi lắng phù sa/bùn cát trong hồ chứa và trong sông;

c. Xác lập điều kiện thủy lực nền trước khi có đập tại vị trí xây dựng đập cho chế độ dòng chảy lũ lớn hơn;

d. Xem xét lại chiến lược quản lý phù sa để xả phù sa thường xuyên hơn, ví dụ như xả theo mùa hoặc hàng năm, và không phải chỉ tiến hành xả khi lưu lượng nước vượt quá 5.961 m3/giây;

e. Điều phối việc vận hành quản lý phù sa bùn cát của thủy điện Pắc-Beng với các công trình thuỷ điện khác trong khu vực để giảm thiểu các tác động tiêu cực và tối ưu việc cấp điện;

f. Điều phối việc vận hành quản lý nước của thủy điện Pắc-Beng với các công trình thủy điện khác trong khu vực để giảm thiểu các tác động bất lợi về cả lũ và hạn ở hạ lưu.

3. Cải thiện đường cá đi lên thượng nguồn và xuống hạ lưu bằng việc xem xét:

a. Kiểm tra thiết kế và tính hiệu quả của các đường cá đi của thuỷ điện Xay-nha-bu-ly trong cả quá trình thiết kế và xây dựng đường cá đi của thủy điện Pắc-Beng;

b. Xem xét áp dụng các thiết kế hiệu quả nhất đối với cửa vào và cửa ra, độ dốc đường cá đi; vận tốc và lưu lượng của đường cá đi; và quy trình vận hành để đảm bảo cho trứng, ấu trùng và cá đi qua một cách hiệu quả; vận hành các cửa xả tràn và các tuốc bin để giảm thiểu tỷ lệ cá chết và lắp đặt lưới để ngăn cá lớn đi qua tuốc bin.

4. Hiểu rõ hơn các tác động kinh tế xã hội xuyên biên giới tiềm tàng bằng cách:

Xem xét các kết quả sơ bộ đánh giá tác động kinh tế xã hội trong Nghiên cứu chung của Ủy hội và tiến hành đánh giá bổ sung nếu cần thiết về các tác động của thuỷ điện Pắc-Beng về sinh kế và an ninh lương thực.

5. Giảm thiểu tác động tiềm tàng đối với tự do giao thông thuỷ thông qua:

a. Nghiên cứu thêm về đầu nước vận hành của âu thuyền trong các điều kiện và trường hợp vận hành khác nhau, và xem xét việc tuân thủ các yêu cầu của Hướng dẫn thiết kế sơ bộ của các đập thủy điện dòng chính của Ủy hội trong thiết kế âu thuyền;

b. Cải thiện điều kiện an toàn của âu thuyền từ cả từ phía thượng nguồn và hạ nguồn thông qua xem xét thay đổi thiết kế thích hợp;

c. Sử dụng âu thuyền hỗ trợ cá di cư trong quá trình xây dựng đập trên cơ sở kinh nghiệm từ công trình Xay-nha-bu-ly.

6. Xem xét xây dựng kênh thông tin nhằm tiếp thu ý kiến trong quá trình thiết kế và phát triển Dự án thủy điện Pắc-Beng, ít nhất bao gồm các lĩnh vực sau:

a. An toàn đập;

b. Công trình xả phù  sa/bùn cát;

c. Công trình đường cá đi;

d. Âu thuyền;

e. Đánh giá tác động kinh tế-xã hội.

7. Hiểu rõ hơn các tác động tiềm tàng của Thủy điện Pắc-Beng thông qua:

a. Thu thập số liệu bổ sung để hỗ trợ tốt hơn cho đánh giá tác động tại chỗ và xuyên biên giới và để xác định các biện pháp giảm thiểu tác động;

b. Nâng cấp các đánh giá tác động tại chỗ và xuyên biên giới, bao gồm các biến động về dòng chảy, phù sa bùn cát, thủy sản, chất lượng nước và sức khoẻ sinh thái theo khuyến cáo của các chuyên gia quốc tế trong Báo cáo đánh giá kỹ thuật về Dự án thủy điện Pắc-Beng;

c. Sử dụng các kết quả mới nhất có được từ Nghiên cứu chung của Ủy hội để xem xét các tác động của Thủy điện Pắc-Beng trong bối cảnh tác động lũy tích của các đập hiện có và dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mê Công, bao gồm cả các đập ở Thượng lưu vực sông Mê Công.

8. Giám sát

Mở rộng Chương trình giám sát chung đối với các dự án phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công để bao quát cả đánh giá tác động của Dự án thủy điện Pắc-Beng về thủy văn, dâng nước thượng lưu đập, phù sa bùn cát, chất lượng nước, sinh thái thủy sinh và thủy sản trong các giai đoạn xây dựng và vận hành công trình.

9. Chia sẻ thông tin

Định kỳ chia sẻ thông tin dữ liệu giám sát, thiết kế chi tiết cập nhật và các quy trình vận hành đập với Ủy hội để các bên liên quan góp ý và tham khảo.

II. Yêu cầu Ban thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế hỗ trợ chuẩn bị Kế hoạch hành động chung (JAP) bao gồm các hoạt động sau quá trình Tham vấn trước.

III. Yêu cầu Ban thư ký lồng ghép các kết quả chính từ quá trình tham vấn trước của Dự án thủy điện Pắc-Beng vào quá trình chuẩn bị Tài liệu giải thích cho Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận trong khuôn khổ hoạt dộng của Nhóm công tác và trình Uỷ ban Liên hợp xem xét.

Ủy ban Liên hợp Uỷ hội sông Mê Công quốc tế lưu ý là danh sách các đề xuất nêu trên sẽ được cập nhật thêm dựa trên các thông tin mới. Ủy ban Liên hợp Ủy hội sẽ tiếp tục xem xét Dự án Thủy điện Pắc-Beng về các tác động xuyên biên giới của Thủy điện Pắc-Beng thông qua một Kế hoạch hành động chung. Nguồn tài chính cho các nội dung hoạt động được liệt kê ở trên sẽ được thảo luận sau.

Hải Ngọc - Châu Tuấn(ghi)

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên bố chung về tham vấn trước cho dự án thủy điện Pắc – Beng của Lào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO