Tuyên bố chung Phát triển bền vững các biển Đông Á

20/11/2015 00:00

(TN&MT) - Chiều 20/11, trong khuôn khổ Đại hội Biển Đông Á lần 5, Diễn đàn Bộ trưởng các biển Đông Á năm 2015 đã bế mạc và đưa ra Bản Thỏa thuận Đà Nẵng thông qua Chiến lược Phát triển Bền vững biển và vùng bờ biển Đông Á sau năm 2015.

Thỏa thuận nhấn mạnh tầm quan trọng của ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm việc giảm thiểu các khí nhà kính, đồng thời thích ứng và giảm thiểu các tác động xã hội, kinh tế và sinh thái do thời tiết khắc nghiệt và do con người gây ra.

Tại Diễn đàn Bộ trưởng lần này, các đại biểu đã cùng nhau nhìn lại tiến bộ của mỗi quốc gia trong quá trình phát triển bền vững các vùng biển và vùng bờ biển như đã cam kết trong Chiến lược Phát triển Bền vững các Biển Đông Á (SDS-SEA) vào năm 2003. Diễn đàn cũng tập trung thảo luận và thống nhất các mục tiêu và lộ trình mà các quốc gia trong khu vực sẽ đạt được trong 5 năm tới để đi tới bản Thỏa thuận Đà Nẵng mà bộ trưởng và các quan chức chính phủ cấp cao của 11 nước trong khu vực đã đồng thuận ký kết.

Theo đó, thỏa thuận đặt ra bốn mục tiêu cho mỗi quốc gia để đạt được các tiến bộ trong năm năm tiếp theo:

Một là, đến năm 2017, PEMSEA sẽ trở thành một tổ chức tự duy trì và sẽ quản lý, điều phối các nguồn lực, các kết quả, dịch vụ và cơ chế tài chính để thúc đẩy thực hiện Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á (SDS-SEA) ở cấp khu vực, quốc gia và địa phương.H

ai là, đến năm 2018 có được một Hệ thống Báo cáo khu vực về đại dương và vùng bờ phục vụ theo dõi tiến độ, các tác động, lợi ích và sẽ tiếp tục cải tiến quy hoạch và quản lý việc thực hiện SDS-SEA.

Ba là, đến năm 2021, dựa trên các thông tin khoa học tốt nhất, sẽ xây dựng và triển khai thực hiện được các chính sách biển và vùng bờ biển quốc gia, hỗ trợ xây dựng luật pháp, soạn thảo thể chế tại 100% các nước Đối tác PEMSEA, phù hợp với các cam kết phát triển bền vững môi trường quốc tế.

Diễn đàn Bộ trưởng các biển Đông Á năm 2015 đã bế mạc và đưa ra Bản Thỏa thuận Đà Nẵng thông qua Chiến lược Phát triển Bền vững biển và vùng bờ biển Đông Á
Diễn đàn Bộ trưởng các biển Đông Á năm 2015 đã bế mạc và đưa ra Bản Thỏa thuận Đà Nẵng thông qua Chiến lược Phát triển Bền vững biển và vùng bờ biển Đông Á

Mục tiêu cuối cùng, đến năm 2021, các chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ biển nhằm phát triển bền vững các vùng biển và vùng bờ biển sẽ được mở rộng để thực hiện tại ít nhất 25% đường bờ biển của khu vực và các lưu vực sông liền kề, hỗ trợ thực hiện các ưu tiên và thỏa thuận quốc gia để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững Liên hợp quốc, Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Các mục tiêu đa dạng sinh học Aichi, Khung Sendai về giảm thiểu rủi ro thảm họa (UNISDR) sau năm 2015 và các mục tiêu phát triển bền vững và môi trường thích hợp khác mà các nước thành viên PEMSEA đã thông qua.

Như vậy, các quốc gia trong khu vực đã cam kết tăng cường quản trị đại dương và quản lý ở cấp khu vực và quốc gia theo các ưu tiên và mục tiêu và năng lực của mỗi quốc gia. Thỏa thuận Đà Nẵng đã trực tiếp thể hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 14, tập trung vào việc bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và tài nguyên biển.

Đại diện Trung Quốc cho rằng: Đến nay, Trung Quốc đã triển khai 25 chương trình Quản lý tổng hợp vùng bờ tại các địa phương để quản trị vùng bờ và đại dương. Chúng tôi sớm hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đảm bảo tăng cường sự phối hợp, thống nhất từ TW đến địa phương, trong đó lấy con người làm trọng tâm để thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường các vùng bờ biển và lãnh hải. Thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục nỗ lực cùng PEMSEA đạt được các mục tiêu đã đề ra trong chiến lược.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Chu Phạm Ngọc Hiển nhận định: Mục tiêu 1 là rất cần thiết để đảm bảo tăng cường phối hợp và hợp tác giữa các quốc gia và các bên liên quan để phát triển bền vững khu vực. PEMSEA đã đóng vai trò là trung tâm hợp tác từ khi được xây dựng vào năm 1993. Các nước trong khu vực đã được PEMSEA hỗ trợ để mở rộng quản lý tổng hợp vùng bờ hay ICM như là một phương tiện để giải quyết theo hệ thống các ràng buộc trong phát triển bền vững. Để tiếp tục có được những hỗ trợ từ PEMSEA, Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ PEMSEA để đạt được mục tiêu 1.

Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế và chính sách, các công cụ phục vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất biển, hải đảo.
Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế và chính sách, các công cụ phục vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất biển, hải đảo.

“Chúng tôi đồng ý là đến năm 2021 sẽ thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ biển tại 25% đường bờ biển của các quốc gia. Như các bạn đã biết, các khu vực ven biển là những khu vực dễ bị tổn thương nhất đối với các thảm họa thiên nhiên và do con người gây ra. Thông qua việc thực hiện các chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ biển, chúng tôi tin rằng sẽ giảm được rất nhiều rủi ro và sẽ tăng cường được sức chống chịu đối với các thảm họa. Đó là lý do tại sao chúng tôi cam kết sẽ mở rộng chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ biển tại đất nước chúng tôi.” - Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết.

Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cũng cam kết: “Chúng tôi cũng sẽ làm việc đảm bảo xây dựng chính sách biển và đại dương tại các quốc gia chúng ta. Chúng tôi tin tưởng rằng sự phát triển bền vững đại dương cần được bắt đầu bằng việc xây dựng các chính sách và chương trình về biển và đại dương. Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo rằng Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á được thực hiện cùng với việc xây dựng một hệ thống Báo cáo Hiện trạng Đại dương và Vùng bờ biển. Chúng tôi dự kiến rằng Báo cáo SOC khu vực đầu tiên sẽ được công bố và phổ biến tại Diễn đàn Bộ trưởng lần thứ 6 năm 2018.”

Thỏa thuận Đà Nẵng thông qua lần này là tiền đề để Việt Nam tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á trong thời gian tới. Chiến lược này sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro và bảo tồn đa dạng sinh học biển và vùng bờ biển. Chiến lược cũng tạo khung cần thiết cho hợp tác trong khu vực các biển Đông Á mà Việt Nam luôn coi là một trong những nội dung quan trọng nhất cần được thực hiện để phát triển bền vững mỗi quốc gia Đông Á.

Trên cơ sở học tập từ các kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế và chính sách, các công cụ phục vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất biển, hải đảo. Đồng thời chú trọng chuẩn bị các nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính để thực hiện tốt công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, vùng bờ biển và hải đảo trên phạm vi cả nước.

Bài & ảnh: Xuân Lam - Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên bố chung Phát triển bền vững các biển Đông Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO