Tuy Phước (Bình Định): Dồn lực khắc phục thiệt hại sau bão, lũ

23/11/2017 00:00

(TN&MT) - Tuy Phước là một trong các địa phương của tỉnh Bình Định gánh chịu nhiều thiệt hại trong đợt bão, lũ vừa qua. Sau khi thiên tai đi qua, chính quyền và nhân dân cùng xắn tay, nỗ lực để dọn dẹp cây ngã đổ, nhà cửa bị tốc mái hoặc đổ sập; sửa chữa, gia cố những đoạn, tuyến kênh mương thủy lợi bị hư hỏng,…để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.

Theo báo cáo của phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, đợt bão, lũ xảy ra đầu tháng 11.2017, đã 177 ngôi nhà bị mái hoặc bị sập, 184m đê sông bị vỡ đứt; trong đó, tuyến sông Gò Chàm đoạn qua xã Phước Hưng và Phước Quang bị vỡ đứt 100m, tuyến đê sông Cây Me đoạn hạ lưu đập Cát (xã Phước Hòa), cầu Đun (xã Phước Hiệp) và Trường Giang (xã Phước Sơn) bị vỡ đứt 84m.

Mưa lũ cũng gây sạt lở hơn 4,5km các tuyến đê sông bằng đất chưa được kiên cố, gần 2km kênh mương bị sạt lở và gần 13,5km đường giao thông nông thôn bị hư hỏng, sạt lở mái taluy. Bão, lũ cũng làm sập cầu dân sinh Huỳnh Đông thuộc thôn Huỳnh Giản Nam (xã Phước Hòa) gây chia cắt giao thông.

Nhiều tuyến đường liên thôn, xã ở Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) bị sạt lở nặng
Nhiều tuyến đường liên thôn, xã ở Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) bị sạt lở nặng

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, huyện Tuy Phước đang tập trung nhân lực, vật lực khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, sớm ổn định cuộc sống người dân. Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp cho biết: “Sau khi bão, lũ đi qua, xã đã vận động bà con có nhà bị tốc mái tổ chức lợp lại nhà, thu dọn cây ngã đổ để ổn định cuộc sống; đồng thời, đổ đất gia cố các đoạn, tuyến đường liên thôn, xã bị sạt lở mái taluy. Riêng 30m hệ thống đê sông Cây Me nằm vùng hạ lưu cầu Đun (thôn Tú Thủy) bị lũ cuốn trôi, xã đã tổ chức đắp tạm bao cát, đóng cọc tre để ngăn chặn nạn sa bồi thủy phá đồng ruộng. Về lâu dài, xã kiến nghị huyện hỗ trợ kinh phí để gia cố đoạn đê bị vỡ”.

Còn ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn cho hay: “Xã lập tổ đi kiểm tra, thống kê tình hình nhà sập để tổng hợp, tham mưu UBND huyện để báo cáo tỉnh xem xét hỗ trợ. 44m đê sông Cây Me ở thôn Xuân Phương đã bị sạt lở, vỡ chưa khắc phục được do nước còn lớn. Sau khi nước rút, xã sẽ huy động cộ bò, lực lượng dân quân, người dân địa phương triển khai hàn khẩu để đảm bảo an toàn cho vụ sản xuất Đông Xuân 2017-2018”.

Phương tiện cơ giới được huy động để đắp, gia cố mái taluy các tuyến đường bị hư hỏng
Phương tiện cơ giới được huy động để đắp, gia cố mái taluy các tuyến đường bị hư hỏng

Ông Trần An Khương, Giám đốc Điện lực Tuy Phước nói: “Bão lũ vừa qua đã làm 20 trụ điện hạ thế bị ngã đổ, gây mất điện trên địa bàn. Sau khi bão qua, chúng tôi đã tập trung công nhân, huy động tối đa máy móc, thiết bị để sửa chữa. Đến ngày 9.11, chúng tôi đã khắc phục xong các sự cố và kịp thời cung cấp điện cho người dân sinh hoạt. Hiện nay, đơn vị tiếp tục chỉ đạo lực lượng theo dõi, nắm chắc biến động thời tiết để có phương án ứng phó kịp thời”.

Theo ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, ước tính tổng thiệt hại gây ra trong đợt bão, lũ vừa qua trên địa bàn huyện là hơn 13 tỉ đồng. Sau khi bão, lũ đi qua, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện cùng các tổ chức Hội, Đoàn thể, các lực lượng như quân đội, CA, đoàn thanh niên, lực lượng xung kích của địa phương đã tham gia giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau lũ, dựng lại nhà ở. Phòng LĐ-TB&XH huyện đang phối hợp UBND các xã, thị trấn kiểm tra, tổng hợp danh sách các hộ có nhà bị sập, hư hỏng tham mưu UBND huyện đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ theo chính sách.

Sau bão, lũ nhiều tổ chức thiện nguyện đã về thăm hỏi, trao quà hỗ trợ, động viên các gia đình chịu nhiều thiệt hại vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Trong ảnh: Đại diện Công ty Công ty TNHH Sakura Beauty Việt Nam trao hỗ trợ cho gia đình anh Nguyễn Trọng Nghiêm (thôn Bình Thái, xã Phước Thuận) có nhà sập hoàn toàn
Sau bão, lũ nhiều tổ chức thiện nguyện đã về thăm hỏi, trao quà hỗ trợ, động viên các gia đình chịu nhiều thiệt hại vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Trong ảnh: Đại diện Công ty Công ty TNHH Sakura Beauty Việt Nam trao hỗ trợ cho gia đình anh Nguyễn Trọng Nghiêm (thôn Bình Thái, xã Phước Thuận) có nhà sập hoàn toàn

Ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết thêm: “Để sản xuất vụ Đông Xuân 2017-2018, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương khẩn trương thực hiện một số công việc cấp bách như: Đắp lại các đoạn đê bị vỡ nhằm ngăn nước sông vào đồng, nhất là đoạn đê sông Gò Chàm và Cây Me. Đồng thời, các địa phương vận động nhân dân cùng với lực lượng bộ đội và lực lượng thanh niên xung kích tập trung hàn khẩu, gia cố tạm các tuyến đường, kênh mương bị sạt lở, vỡ; tổ chức nạo hốt sa bồi đối với những diện tích bị sa bồi nhẹ; đối với vùng sa bồi nặng thì sử dụng cơ giới hoặc dồn tập trung để hốt, phấn đấu đưa hết diện tích ruộng bị sa bồi thủy phá vào sản xuất trong vụ Đông Xuân này”.

Hoàng Nguyên

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Phước (Bình Định): Dồn lực khắc phục thiệt hại sau bão, lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO