Dù tiết trời vẫn còn mưa, nhưng hàng ngàn du khách vẫn về với Mộc Châu để tham gia các hoạt động vui đón ngày Tết Độc lập 2/9.
Theo phong tục tổ tiên, đồng bào Mông chỉ ăn Tết một lần vào cuối năm dương lịch. Nhưng từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), người Mông đã rất trân trọng và coi đó là ngày Tết Độc lập của dân tộc. Vào dịp này, các gia đình người Mông thường treo cờ Tổ quốc, nô nức rủ nhau xuống thị trấn vui Tết. Mừng Tết Độc lập chính là cách người Mông dạy cho con cháu mình đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo niềm tin sắt son một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ.
Trong những năm gần đây, nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, huyện Mộc Châu đã đưa hoạt động đón Tết Độc lập của người Mông thành Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu, được tổ chức thường niên.
Đặc biệt, năm nay, tỉnh Sơn La đã triển khai tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch năm 2018, là hoạt động mang ý nghĩa tôn vinh những giá trị văn hóa mang đậm sắc thái vùng cao, một nét đẹp đã trở thành truyền thống; qua đó quảng bá về hình ảnh vùng đất và con người Sơn La – mảnh đất giàu tiềm năng về phát triển văn hóa – du lịch trong cả nước.
Phát biểu tại Lễ Khai mạc Tuần Văn hóa – Du lịch tối 1/9, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh nhấn mạnh: Đây cũng là dịp tuyên truyền quảng bá với các doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của tỉnh Sơn La, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ xuất khẩu. Từ đó tăng cường xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá, nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Đồng thời, các hoạt động của tuần văn hóa – du lịch còn góp phần biểu dương sức mạnh, tình đoàn kết của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và sức mạnh văn hóa dân tộc.
Tại Lễ khai mạc, đã công bố quyết định của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch về việc đưa “Nghệ thuật Khèn Mông” của người Mông (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La); “Lễ Pang A” của người La Ha (tỉnh Sơn La) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tiếp đó là Chương trình Nghệ thuật với chủ đề “Sơn La – Miền quê huyền thoại" gồm 3 chương: Sơn La – Miền đất yêu thương; Mộc Châu - Ấn tượng cao nguyên; Sơn La ngày mới đã tái hiện lại lịch sử 123 năm hình thành và phát triển, đặc biệt là 30 năm đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc quyết tâm xây dựng Sơn La thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Trước đó, trong khuôn khổ Tuần văn hóa – du lịch tỉnh Sơn La năm 2018, ngày 31/8, tỉnh Sơn La đã tổ chức thành công Hội nghị đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2018. Hội chợ Nông sản an toàn và xuất khẩu tỉnh Sơn La từ ngày 30/8-8/9, với quy mô 350 gian hàng, gồm 150 gian hàng của 16 tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc và các tỉnh có kết nối tiêu thụ với Sơn La; gian hàng của tỉnh Luông Pha Băng, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; và các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh Sơn La như: Chè, cà phê, xoài, nhãn, chanh leo, bơ, mật ong… Đặc biệt, tại Lễ khai mạc Hội chợ, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm bơ Mộc Châu.
Bên cạnh đó, hoạt động Trại Văn hóa - Du lịch của 12 huyện, thành phố cũng hấp dẫn đông đảo du khách với 3 nội dung thi: Thi trại văn hoá du lịch, trình diễn văn hoá cộng đồng các dân tộc và thi trình bày, giới thiệu ẩm thực dân tộc. Đến với khu vực Trại Văn hóa – Du lịch, du khách được hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của nhiều dân tộc, được thưởng thức ẩm thực độc đáo mang hương vị của núi rừng, được chế biến bởi những bàn tay khéo léo của chính đồng bào đã trở thành những món ăn ngon khó quên như: Bánh dày, rượu cần, thịt trâu gác bếp…
Triển lãm ảnh kinh tế - xã hội và du lịch Sơn La với hơn 200 bức ảnh được lựa chọn trưng bày, phản ánh một cách khái quát, tiêu biểu nhất những thành tựu về kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh mà tỉnh Sơn La đã đạt được trong những năm qua. Đồng thời, đem đến cho người xem những hình ảnh đẹp về danh lam, thắng cảnh, các di tích lịch sử văn hóa, những điểm đến du lịch hấp dẫn, nổi tiếng của các địa phương trong tỉnh qua góc nhìn của các nhiếp ảnh gia.
Cuộc thi trình diễn trang phục dân tộc với sự tham gia của 27 thí sinh đến từ 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, với những phần trình diễn trang phục dân tộc nguyên bản, cải biên đầy hấp dẫn. Hoạt động văn hóa cộng đồng đường phố với sự tham gia biểu diễn của các đoàn nghệ nhân dân tộc Thái, Dao, Mường, Mông... thu hút đông đảo nhân dân đến thăm quan, giao lưu, cổ vũ.